Ukraine đưa UAV trí tuệ nhân tạo vào chiến trường
Theo thông tin mới nhất từ Militarnyi đưa tin, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ sử dụng máy bay không người lái (UAV) chiến đấu được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) trên tiền tuyến. Bộ Quốc phòng nước này đã cấp giấy phép cung cấp Saker Scout cho quân đội.
Máy bay không người lái AI này được tích hợp phần mềm xây dựng dựa trên thuật toán trí tuệ nhân tạo, có thể giúp Ukraine tấn công mục tiêu của Nga chính xác và hiệu quả hơn.
Ukraine đưa UAV trí tuệ nhân tạo vào chiến trường. Ảnh: Front News
Phần mềm của Saker Scout có khả năng nhận dạng và ghi lại tọa độ của thiết bị đối phương ngay cả khi mục tiêu được ngụy trang bằng cách sử dụng thiết bị quang học tiên tiến. Sau đó, dữ liệu sẽ ngay lập tức được gửi về để ra quyết định.
"Điều này giúp loại bỏ rủi ro liên quan tới sai lầm của con người, vì mắt của người điều khiển không phải lúc nào cũng có thể nắm bắt được tất cả các diễn biến", Bộ Quốc phòng Ukraine giải thích.
Một hệ thống Saker Scout bao gồm một UAV trinh sát và một số UAV cảm tử. UAV trinh sát nhận nhiệm vụ điều chỉnh và chỉ huy các UAV tự sát, sử dụng AI nhằm khóa mục tiêu tấn công. Saker Scout có tầm bay 10km, có thể được trang bị quang học hồng ngoại để hoạt động vào ban đêm. Nó cũng có thể sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, giúp tăng đáng kể khả năng đối phó thiết bị tác chiến điện tử của đối phương.
Bên cạnh đó, Saker Scout có thể được tích hợp vào tất cả các hệ thống nhận thức tình huống của Lực lượng Vũ trang Ukraine, bao gồm cả hệ thống Delta. Ưu điểm của UAV AI này là chi phí rẻ hơn nhiều so với mua thiết bị hồng ngoại hoặc radar dẫn đường cho vũ khí, nhưng mang lại hiệu quả tấn công cao. Điều đó có nghĩa là các UAV tự sát sử dụng có thể được triển khai để loại bỏ các mục tiêu quan trọng dưới sự chỉ huy của UAV sử dụng AI.
Bộ Quốc phòng Ukraine đã tăng tốc phát triển dự án này kể từ khi nó được khởi động vào đầu mùa hè năm nay. Sự xuất hiện của loại thuật toán này mở ra triển vọng rộng lớn cho việc tích hợp yếu tố AI vào nhiều loại vũ khí như tên lửa tầm xa.
Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị làm trung gian hòa giải xung đột Ukraine
Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sochi (Nga), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói Ankara “trước đây đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên đối lập trong xung đột”, nhấn mạnh Ankara “sẵn sàng làm tất cả trong khả năng để giải quyết vấn đề này và đóng vai trò trung gian hòa giải”.
Về phần mình, ông Putin cho hay, mặc dù “các thỏa thuận đã được thực hiện với sự hòa giải của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và các văn bản dự thảo đã được thống nhất giữa các phái đoàn Nga và Ukraine” vào mùa xuân năm ngoái, nhưng cuối cùng Kiev “đã ném chúng vào sọt rác”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass
Ông Putin nói rằng Nga chưa bao giờ từ chối bất kỳ nỗ lực hòa giải nào, kể cả nỗ lực của Trung Quốc, các quốc gia châu Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. "Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán. Lần này chúng tôi cũng không từ chối", nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.
Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về loạt chủ đề, bao gồm phát triển hơn nữa quan hệ song phương và sáng kiến ngũ cốc ở biển Đen mà Nga đã rút khỏi hồi tháng 7.
Theo ông Putin, Moscow buộc phải làm như vậy vì phương Tây không giữ lời hứa và dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu nông sản của Nga. Ông nói thêm rằng điện Kremlin sẵn sàng quay lại thỏa thuận một khi những vướng mắc được giải quyết.
Xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn, chưa có hồi kết, hai bên vẫn tiến hành các đòn đáp trả lẫn nhau thời gian gần đây. Nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Nga và Ukraine.
Phương Uyên (T/h)