Tình báo Anh dự đoán Nga sẽ kiểm soát Luhansk trong 2 tuần tới
Theo đánh giá tình báo mới nhất, Bộ Quốc phòng Anh dự kiến Nga sẽ kiểm soát toàn bộ khu vực Luhansk ở miền Đông Ukraine trong vòng 2 tuần tới.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng Anh cho biết sau giai đoạn đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Moscow đã thay đổi chiến lược của mình ở Ukraine và tập trung vào Donbas, một phần của miền Đông, bao gồm các vùng Luhansk và Donetsk. Từ năm 2014, phe ly khai thân Nga đã kiểm soát khoảng 1/3 tổng diện tích của Donbas.
Lực lượng ly khai thân Nga tại thị trấn Popasna thuộc Vùng Luhansk. Ảnh: Reuters
Đánh giá của Anh cho biết: "Nga hiện đang đạt được thành công về mặt chiến thuật ở Donbas. Các lực lượng Nga đã tạo ra và duy trì động lực, hiện đang nắm giữ thế chủ động trước các lực lượng Ukraine".
Báo cáo nêu thêm: "Nga kiểm soát hơn 90% Luhansk và có khả năng hoàn toàn kiểm soát hoàn toàn khu vực trong hai tuần tới. Nga đã đạt được những thành công chiến thuật gần đây với sự tiêu hao tài nguyên đáng kể, bằng cách tập trung lực lượng và khai hỏa vào một phần của chiến dịch tổng thể."
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng Nga vẫn chưa đạt được thành quả trong các khu vực khác, khiến các lực lượng buộc phải chuyển sang chế độ phòng thủ.
Tình báo Anh nhận xét: "So với kế hoạch ban đầu của Nga, hiện chưa có mục tiêu chiến lược nào đạt được. Để đạt được bất kỳ thành công nào, Nga sẽ cần tiếp tục đầu tư rất lớn về nhân lực và thiết bị và có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa".
Ukraine nói Nga đang tập hợp lực lượng cho cuộc tấn công mới vào Sloviansk
Quân đội Ukraine nói rằng các đơn vị Nga đang được tăng cường theo hướng đến Sloviansk và đã đạt được "thành công một phần" trong các cuộc giao tranh đang diễn ra ở thành phố phía Đông.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine ngày 3/6 (giờ địa phương) nói rằng các lực lượng Nga đang chuẩn bị nối lại một cuộc tấn công nhằm vào Sloviansk. Khu vực Kramatorsk lân cận với thành phố này là khu vực đô thị lớn nhất ở Donetsk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.
Nga được cho là đang tập trung một lực lượng lên tới 20 tiểu đoàn chiến thuật trong khu vực. Bộ Tổng tham mưu nói thêm, các lực lượng Nga đã cố gắng phát động một cuộc tấn công vào hai thị trấn phía Bắc và Tây bắc của Sloviansk, Barvinkove và Sviatohirsk, nhưng đã không thành công.
Tại Severodonetsk, Bộ Tổng tham mưu cho biết các trận chiến vẫn tiếp diễn: "Dưới làn đạn pháo binh, Nga đã tấn công vào các khu dân cư ở phía Đông thành phố. Họ đã thành công một phần".
Tuy nhiên, phía Kyiv nhận định Moscow chưa đạt được bước tiến nào trong nỗ lực tiến tới các khu định cư khác trong vùng lãnh thổ mà lực lượng Ukraine bảo vệ - bao gồm Bakhmut, Soledar và Lysychansk. Bộ Tổng tham mưu cho biết, Nga đã một lần nữa cố gắng vượt sông Siverskiy Donets và "để tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực vượt sông."
Con sông này là một rào cản lớn đối với các lực lượng Nga.
Giao tranh cũng diễn ra ở phía Bắc Kharkiv, nơi các lực lượng Ukraine đang tiến hành phản công để giành lại lãnh thổ trong những tuần gần đây. Bộ Tổng tham mưu báo cáo rằng các lực lượng Nga đang cố gắng "kìm hãm bước tiến của quân đội Ukraine theo hướng Biên giới quốc gia". Bộ Tổng tham mưu thông: "Nga tiếp tục bắn phá vào các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ bằng cách sử dụng máy bay, pháo binh, nhiều bệ phóng tên lửa, súng cối và xe tăng".
Kyiv nói Moscow đã thực hiện một cuộc không kích của trực thăng Mi-8 vào các vị trí của quân đội Ukraine trong khu vực định cư Slatyne và Dementiivka, các khu định cư nông thôn phía Bắc Kharkiv.
Cố vấn Tổng thống Zelensky nói Ukraine không các hệ thống tên lửa của Mỹ tấn công Nga
Ngày 3/6, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Mykhailo Podolyak, khẳng định Kyiv đang "tiến hành phòng thủ" và "không có kế hoạch tấn công các cơ sở ở Nga" bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.
Trong bài đăng trên Twitter, ông Podolyak viết: "Các đối tác của chúng tôi biết vũ khí của họ được sử dụng ở đâu".
Ông nhấn mạnh rằng bất kỳ cáo buộc nào về việc Ukraine có ý định tấn công Nga đều là do tâm lý của các cơ quan đặc nhiệm Nga.
Ukraine khẳng định không sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ tấn công về phía Nga. Ảnh: Reutes
Trong một tuyên bố trước đó ngày 1/6, Tổng thống Joe Biden thông báo rằng Mỹ sẽ gửi các hệ thống tên lửa tiên tiến tới Ukraine, bao gồm Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao, có khả năng phóng tên lửa xa khoảng 80km, tầm bắn lớn hơn nhiều so với bất cứ thứ gì họ đã gửi đến Kyiv tính tới hiện tại.
Lo ngại Điện Kremlin sẽ coi chuyến hàng là một hành động khiêu khích - do tầm bắn xa của tên lửa và khả năng tấn công tới lãnh thổ Nga - Tổng thống Biden nhấn mạnh rõ ràng rằng vũ khí này chỉ được sử dụng bởi các lực lượng Ukraine để phòng thủ trong phạm vi biên giới của họ.
Tổng thống Biden nhấn mạnh trong bài viết trên New York Times: "Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến giữa NATO và Nga. Chúng tôi không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho Ukraine tấn công ra bên ngoài biên giới của mình. Chúng tôi không muốn kéo dài xung đột chỉ để gây thêm đau thương cho nước Nga".
Ngoài Mỹ, Anh cũng đã đồng ý gửi các hệ thống tên lửa tiên tiến tới Ukraine thông qua sự phối hợp chặt chẽ với Washing.
Minh Hạnh (Theo CNN)