Tổng thống Zelensky yêu cầu sơ tán bắt buộc khỏi Donetsk
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc giục toàn bộ người dân còn ở lại khu vực Donetsk sơ tán khẩn cấp và gọi đây là 'quyết định của chính phủ' bắt đầu từ ngày 31/7.
Trong bài phát biểu hàng đêm, ông Zelensky cho biết: "Mọi thứ đều đã được sắp xếp. Đầy đủ sự hỗ trợ, đầy đủ sự trợ giúp cả về mặt hậu cần và vấn đề tiền bạc. Chúng tôi chỉ cần người dân tự mình đưa ra quyết định của họ. Việc này càng được hoàn thành sớm, sẽ càng có nhiều người được rời khỏi Donetsk".
Tổng thống cũng kêu gọi những người dân Ukraine có cơ hội nói chuyện với những người còn đang ở Donetsk hãy thuyết phục họ rằng đã đến lúc cần rời đi, 'đặc biệt nếu gia đình họ có trẻ nhỏ'.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Ukrinform
Ông Zelensky nhấn mạnh tính đến thời điểm hiện tại, 'vẫn còn hàng trăm nghìn người và hàng chục nghìn trẻ em còn ở lại các vùng thuộc Donbas'.
Bà Iryna Vereshchuk, phó Thủ tướng Ukraine, ngày 30/7 đã nói rằng không còn nguồn cung khí đốt ở Donetsk và khu vực này sẽ không được sưởi ấm khi bước vào mùa đông tới. Theo đó, chính phủ Ukraine đã thành lập một trung tâm hỗ trợ để giúp đỡ người dân rời khỏi Donetsk. Việc di chuyển sẽ được tiến hành bằng xe buýt và tàu.
Những người từ chối sơ tán sẽ phải ký vào bản cam kết 'từ chối sơ tán bắt buộc', trong đó nói rằng họ hoàn toàn hiểu và nhận thức được mọi hậu quả của việc tiếp tục ở lại vùng giao tranh và chịu trách nhiệm cho sự an toàn của chính họ.
Hồi đầu tuần này, Ukraine cho biết họ đã đẩy lùi những nỗ lực tiến quân của Nga ở một vài quận huyện thuộc vùng Donetsk. Các lực lượng Ukraine nói rằng họ ghi nhận các cuộc pháo kích ở hầu khắp các khu vực trên mặt trận phía Đông nhưng khẳng định quân Nga vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể nào ở khu vực này.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối coi Nga là nước bảo trợ khủng bố
Theo tờ New York Times ngày 29/7, trong nhiều tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chịu ngày càng nhiều áp lực về việc chính thức tuyên bố Nga là quốc gia bảo trợ khủng bố.
Dù có nhiều lời kêu gọi, ông Blinken vẫn đang từ chối thực hiện động thái này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinkens đến nay vẫn từ chối coi Nga là nước bảo hộ khủng bố. Ảnh: NY Times
Ngày 27/7, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua một nghị quyết không ràng buộc, kêu gọi ông Blinken chỉ định Nga là quốc gia bảo trợ khủng bố vì đã gây ra các cuộc tấn công ở Ukraine cũng như Chechnya, Gruzia và Syria.
Được biết, trong suốt thời gian xung đột giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Zelensky đã công khai kêu gọi chỉ định Nga là quốc gia bảo trợ khủng bố. Hạ viện Mỹ cũng đang chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu về nghị quyết tương tự như phiên bản của Thượng viện, trong đó Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ủng hộ mạnh mẽ.
Khi được hỏi về vấn đề này vào ngày 28/7, Ngoại trưởng Blinken không có dấu hiệu cam kết sẽ nghe theo các lời kêu gọi. Ông phản ứng giống như các quan chức khác của Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng. Ông nói rằng quyết định nào cũng phải dựa trên các định nghĩa pháp lý hiện có, đồng thời nói rằng coi Nga là quốc gia bảo trợ khủng bố là không có ý nghĩa thực tế vì Nga đã phải chịu nhiều lệnh trừng phạt rồi.
Ông Blinken nói tại một cuộc họp báo: "Cái giá mà chúng ta và các nước khác áp đặt lên Nga hoàn toàn tương tự những hậu quả sẽ xảy ra sau khi Nga bị coi là bảo trợ khủng bố. Vì vậy, hiệu quả thực tế của những gì chúng ta đang làm là như nhau".
Ukraine tố Nga pháo kích loạt thành phố dọc tiền tuyến
Ukraine cáo buộc Nga tập kích hàng loạt thành phố, thị trấn gần tiền tuyến ở hai mặt trận Donbass và Kherson trong đêm.
Quan chức Ukraine cáo buộc Nga sử dụng tên lửa phòng không S-300 để tập kích một trường học ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai Ukraine, rạng sáng nay. Lực lượng cứu hỏa địa phương đã được triển khai dập lửa. Tòa nhà bị hư hại một phần. Chính quyền địa phương chưa ghi nhận thương vong trong vụ tập kích.
Tỉnh trưởng tỉnh miền đông Donetsk cũng thông báo một vụ tập kích khiến ít nhất 6 dân thường thiệt mạng và 15 người bị thương.
Trạm xe buýt ở Sloviansk, một trong những mục tiêu chiến lược của Nga trên chiến trường Donetsk, trúng pháo kích sáng nay nhưng không có thương vong.
Tại mặt trận phía nam Ukraine, thị trưởng thành phố Mykolaiv Oleksandr Sienkevych cho biết ít nhất một người thiệt mạng khi hai quận tập trung đông dân thường bị tấn công bằng pháo phản lực vào đêm qua.
Mykolaiv chịu tập kích gần như hàng ngày trong thời gian gần đây. Thành phố nằm cạnh giới tuyến giữa quân đội Ukraine và lực lượng Nga ở tỉnh miền nam Kherson, nơi giao tranh đang leo thang ngày một nghiêm trọng do Ukraine phát động chiến dịch phản công.
Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng ngày cho biết các đơn vị quân sự Ukraine đã tổ chức pháo kích nhà kho và cứ điểm phòng ngự của Nga nằm sâu trong địa bàn tỉnh Kherson.
Vladimir Leontiev, lãnh đạo chính quyền Kherson do Nga hậu thuẫn, cáo buộc Ukraine tập kích đập thủy điện Kakhovskaya. Công trình này có ý nghĩa chiến lược ở mặt trận phía nam Ukraine, do có thể được tận dụng để vượt sông Dnipro.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo một tàu đo đạc cỡ nhỏ của Ukraine trúng thủy lôi và chìm trên phụ lưu sông Danube. Moskva ước tính khoảng 70 tàu nước ngoài, thuộc 16 quốc gia, vẫn bị phong tỏa ở 6 cảng gồm Kherson, Mykolaiv, Chernomorsk, Ochakov, Odessa và Yuzhny.
Nga cũng cáo buộc Ukraine duy trì pháo kích và rải thủy lôi đã ngăn tàu thuyền di chuyển an toàn ra Biển Đen và biển Azov.
Minh Hạnh (T/h)