Ukraine không gia hạn thỏa thuận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu
"Thỏa thuận sẽ kết thúc vào cuối năm 2024 và chúng tôi không có ý định tiếp tục. Hợp đồng sẽ kết thúc, quá trình vận chuyển sẽ dừng lại", tờ Strana.ua dẫn lời người đứng đầu công ty năng lượng Ukraine Naftogaz Oleksiy Chernyshov hôm 29/10 cho hay đồng thời tiết lộ thêm rằng Ukraine hiện không phá vỡ hợp đồng chỉ vì các đối tác châu Âu của họ cần sự quá cảnh này.
Trước đó, ngày 25/10, cựu giám đốc Andriy Kobolyev của Naftogaz đề xuất đánh thuế nguồn cung hydrocarbon từ Liên bang Nga, sử dụng luật chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU). Theo ông, nếu tài nguyên năng lượng của Nga bị đánh thuế, có thể sẽ làm “sân chơi công bằng” và khiến các giao dịch mua dầu khí giá rẻ của Nga trở nên kém hấp dẫn.
Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu. Ảnh: Reuters
Bình luận về đề xuất này, chuyên gia Igor Yushkov tại Đại học Tài chính và là nhà phân tích hàng đầu tại Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga nói rằng thực tế sẽ không có cơ hội thực hiện các biện pháp như vậy. Ông cũng giải thích tại sao bản thân người châu Âu có thể phải chịu đựng điều này.
Ông Yushkov cho biết, nếu các nhà cung cấp, chẳng hạn như các công ty Ấn Độ, quyết định đánh thuế này, họ sẽ chuyển sang các thị trường khác và cung cấp các sản phẩm dầu mỏ cho châu Á. Kết quả là châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu.
Ngày 11/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin bình luận về việc một số nước EU từ chối các hãng vận tải năng lượng của Nga và lưu ý rằng nguồn cung của Nga đang hướng tới các thị trường đầy hứa hẹn khác.
Ông nói thêm rằng lượng tiêu thụ năng lượng ở các nước EU vẫn còn, điều đó có nghĩa là các nguồn tài nguyên trước đây mua từ Nga cần được bổ sung ở các nước khác và mua với giá cao hơn. Điều này đã dẫn đến việc một số doanh nghiệp châu Âu phải chuyển địa điểm sang Mỹ.
Theo nhà lãnh đạo Nga, người châu Âu hiện đang trả quá nhiều tiền cho nguồn cung dầu khí nên nền kinh tế EU đang ở mức "0".
Nga công bố chi tiết vụ Ukraine tấn công nhà máy điện hạt nhân Kursk
Hãng tin RT đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 29/10 cho biết, một máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã đâm vào nơi lưu trữ chất thải hạt nhân trong cuộc tấn công ở vùng Kursk, miền Tây nước Nga, hồi đầu tuần này.
Theo đó, bà Zakharova cáo buộc quân đội Ukraine cố tình nhắm mục tiêu vào cơ sở hạt nhân bằng 3 UAV. Bà nói: "Một trong những chiếc UAV chứa đầy chất nổ đã đâm vào một nhà kho chứa chất thải hạt nhân và làm hư hại các bức tường. 2 chiếc UAV khác đã rơi xuống khu phức hợp tòa nhà hành chính trong khuôn viên nhà máy".
Khói bốc lên tại một khu vực ở vùng Kursk sau một cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine. Ảnh: AP
Trích dẫn các báo cáo sơ bộ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Các UAV được sử dụng để tấn công nhà máy điện hạt nhân có các bộ phận do các nước phương Tây cung cấp”.
Bà Zakharova tiếp tục khẳng định, giới lãnh đạo Ukraine "không hề e ngại khi sử dụng khủng bố hạt nhân" trong cuộc xung đột với Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh vụ tấn công trên không mới nhất “có thể dẫn đến một thảm họa hạt nhân toàn diện và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia”, đồng thời cáo buộc những nước phương Tây ủng hộ Kiev trong cuộc tập kích nguy hiểm này.
Bà Zakharova cáo buộc phương Tây ủng hộ Ukraine trong cuộc tập kích này, đồng thời kêu gọi các nước cũng như các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ “lên án hành động nguy hiểm của Kiev”.
Nhà máy điện hạt nhân Kursk nằm ở vùng đất cùng tên cách biên giới Ukraine khoảng 60km. Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine cố gắng phá hoại cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của nước này, bao gồm cả các nhà máy điện hạt nhân, trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn.
Phương Uyên (T/h)