Mỹ không muốn Ukraine vội vàng giành lại lãnh thổ
Tờ Washington Post mới đây dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, chiến lược mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ "không khuyến khích" Ukraine giành lại các vùng "lãnh thổ đã mất" trong năm 2024. Thay vào đó, Washington muốn tập trung vào việc duy trì tiềm lực quân sự của Kiev trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga tiếp tục kéo dài.
Ngoài ra, chính quyền ông Biden "vẫn còn đau đầu" sau cuộc phản công thất bại của Kiev vào năm 2023, điều này thúc đẩy Washington "thực hiện chiến lược mới" bao gồm việc giúp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky củng cố quân đội, và nền kinh tế khi mất đi phần lớn viện trợ từ đồng minh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev hồi tháng 2/2023. Ảnh: NYT
Theo các nguồn tin, mục đích khác của chiến lược này là giúp Ukraine tăng cường lực lượng chiến đấu và nền kinh tế trước tình trạng bế tắc thực sự về nguồn viện trợ tại Quốc hội Mỹ. “Kế hoạch mới dành cho Kiev thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ về lập trường của Washington so với năm ngoái, khi quân đội Mỹ và đồng minh đổ xô huấn luyện và trang bị tinh vi tới Kiev với hy vọng có thể nhanh chóng đẩy lùi lực lượng Nga”, nguồn tin cho biết.
Một nguồn tin nói thêm rằng quân đội Ukraine rõ ràng khó có thể đạt được sự ủng hộ tối đa từ đồng minh phương Tây trong năm 2024. Thay vào đó họ phải giữ được thành quả hiện tại và hạn chế tối đa tổn thất về người lẫn trang bị.
Thông tin về chiến lược mới của Mỹ đối với Ukraine được đưa ra sau khi chiến dịch phản công lớn của Ukraine không giành được kết quả như mong đợi. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu vào cuối tháng 12/2023 tuyên bố rằng rằng các lực lượng vũ trang Nga đã đạt được mục tiêu chính của năm ngoái bằng cách ngăn chặn cuộc phản công mùa hè của Ukraine .
"Mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt trong năm 2023 trọng tâm chính là ngăn chặn cuộc phản công của Lực lượng vũ trang Ukraine, vốn đã được Ukraine và các đồng minh NATO công khai từ đầu năm. Nhiệm vụ này đã hoàn thành thành công”, ông Shoigu nhấn mạnh.
Ukraine sẽ nhận F-16 từ Đan Mạch theo đúng kế hoạch
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen ở Mykolaiv ngày 26/1 rằng việc chuẩn bị chuyển máy bay chiến đấu F-16 từ Đan Mạch sang Ukraine đang được tiến hành theo đúng kế hoạch.
“Rất cám ơn ông Lars vì đã đảm bảo rằng việc chuẩn bị chuyển giao F-16 từ Đan Mạch đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Cho đến nay, không có mối đe dọa nào làm gián đoạn chương trình này”, ông Kuleba nói.
Tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất. Ảnh: Getty Images
Tuyên bố của ông Kuleba đưa ra sau khi tờ Berlingske của Đan Mạch đầu tháng này đưa tin rằng việc 6 chiếc tiêm kích F-16 cho Ukraine có thể bị trì hoãn tới 6 tháng. Kể từ khi chiến sự với Nga nổ ra vào tháng 2/2022, Ukraine nhiều lần kêu gọi phương Tây nhanh chóng cung cấp tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất và lập luận rằng những chiến đấu cơ này cùng với tên lửa tầm xa có thể giúp nước này giành chiến thằng trước Nga.
Đến tháng 8/2023, Mỹ cuối cùng đã ủy quyền cho các đồng minh cung cấp cho Ukraine các tiêm kích F-16. Trong đó, Đan Mạch cam kết cung cấp cho Ukraine 19 chiếc F-16, với lô 6 chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được giao vào mùa xuân năm 2024 và số còn lại vào năm 2025. Tuy nhiên, các quan chức Đan Mạch và Hà Lan cho biết thời điểm cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của cơ sở hạ tầng và phi công của Ukraine cũng như nhiều yếu tố khác.
Người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine Yury Ignat mới đây tiết lộ với đài truyền hình quốc gia rằng các đồng minh phương Tây đang tiến hành đào tạo phi công của họ lái máy bay chiến đấu F-16 – vũ khí được cho là có thể xoay chiều tình hình chiến sự một cách "rất bí mật".
“Quá trình này đang được tiến hành, các phi công đã bay trên bầu trời cùng với người hướng dẫn như một phần trong kế hoạch hành động rõ ràng của các đối tác trong khuôn khổ liên minh hàng không của chúng tôi. Các phi công, kỹ sư và cơ sở hạ tầng đang được chuẩn bị”, ông Ignat nói rõ.
Phương Uyên (Theo Sputnik và Kyiv Independent)