Ngày 23/6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội Ukraine đã phóng một số tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất mang theo đạn chùm tấn công vào bán đảo Crimea dẫn đến nhiều thương vong cho dân thường.
Còn theo ông Mikhail Razvozhaev - Thống đốc Sevastopol do Nga bổ nhiệm nói, cuộc tấn công ngày 23/6 vào bán đảo đã làm 3 dân thường thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em. Ngoài ra hơn 100 người khác bị thương trong vụ việc.
Tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất. Ảnh: Getty Images
Theo số liệu của Bộ Y tế Nga, vụ tấn công làm 127 người bị thương, trong đó có 27 trẻ em. Ông Razvozhaev giải thích sở dĩ vụ tấn công gây ra thiệt hại lớn về người vì tên lửa ATACMS của Ukraine mang theo đạn chùm.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong số 5 tên lửa tấn công vào Crimea, phòng không Nga đã bắn hạ được 4 mục tiêu. Một tên lửa còn lại sau bị đánh chặn và mất phương hướng đã rơi xuống thành phố Sevastopol.
Về thiết kế, đạn chùm của tên lửa ATACMS có thể bắn ra hàng chục cho đến hàng trăm quả đạn con và có phạm vi sát thương lớn. Đạn chùm hiện đang bị cấm ở hơn 100 quốc gia, bao gồm cả Anh, Pháp và Đức. Loại vũ khí này được coi là cực kỳ nguy hiểm đối với dân thường vì đạn thường trải rộng trên các khu vực rộng lớn và có thể tồn tại dưới lòng đất trong nhiều năm.
Cả Mỹ, Ukraine và Nga đều chưa ký Công ước về Bom, đạn chùm. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 2023, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergey Shoigu cho biết Mosckva sẽ không triển khai loại vũ khí này chống lại Kiev vì lý do nhân đạo. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng Nga có thể đảo ngược chính sách này.
Về phía Mỹ, Washington tuyên bố cung cấp đạn chùm cho Ukraine vào tháng 7/2023. Tổng thống Mỹ Joe Biden vào thời điểm đó gọi quyết định này là “rất khó khăn” nhưng có lý, cho rằng việc chuyển giao vũ khí này là cần thiết để thúc đẩy một cuộc phản công của Ukraine.
Nga bắt đầu phóng tên lửa hành trình tầm xa Kalibr từ Biển Azov vào các mục tiêu của Ukraine từ tối 21/6. Theo War Zone, đây là lần đầu tiên chiến hạm Nga tấn công đối phương từ Biển Azov bằng tên lửa Kalibr kể từ khi chiến sự bùng phát.
Hải quân Nga trước đây thường bắn tên lửa tấn công mặt đất Kalibr từ Biển Đen vào Ukraine. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phương Tây, việc tấn công từ Biển Đen đã trở nên nguy hiểm hơn với Nga vì Ukraine thường huy động xuồng tự sát, UAV, tên lửa tấn công chiến hạm Nga ở khu vực này.
Nga bắt đầu phóng tên lửa hành trình tầm xa Kalibr từ Biển Azov vào các mục tiêu của Ukraine. Ảnh: Sputnik
"Điều này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng vì người Nga coi đây là khu vực an toàn hơn so với Biển Đen", người phát ngôn Hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk nói hôm 22/6. Nga đã phóng bốn tên lửa Kalibr từ Biển Azov, ông Pletenchuk cho biết.
Đây là một phần của cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các thành phố và các cơ sở năng lượng, gồm 6 UAV Shahed-136, 16 tên lửa phóng từ trên không, trên đất liền và trên biển. Các cơ sở năng lượng và thành phố trên khắp Ukraine đã bị tấn công, bao gồm Ivano-Frankvivsk, Lutsk, Lviv, Kiev, Vinnytsia, Zaporizhia. Theo Không quân Ukraine, họ đã bắn rơi 12 tên lửa và 6 UAV.
Nga đã di chuyển 9 tàu tới Biển Azov vào ngày 20/6, Hải quân Ukraine cho biết. Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công từ Biển Đen hôm 21/6. Ukraine lưu ý rằng hiện có ba tàu Nga ở Biển Azov có khả năng mang theo tổng cộng 20 tên lửa và một tàu ngầm ở Biển Đen có thể mang theo tới 4 tên lửa hành trình. Tàu ngầm hoạt động tương đối an toàn ở Biển Đen vì chúng khó bị phát hiện khi ở dưới lòng biển.
Tuy nhiên, ông Pletenchuk cho rằng, Nga "dường như đã quên Biển Azov cũng gần với tầm bắn của chúng tôi". Dù Ukraine có thể tấn công tàu Nga bằng tên lửa và UAV ở Biển Azov, nhưng tấn công bằng xuồng tự sát, một trong những vũ khí hiệu quả hàng đầu ở Biển Đen, sẽ là thách thức lớn.
Xuồng tự sát của Ukraine sẽ phải vượt qua cầu Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga nếu muốn đi vào biển Azov. Đây là khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài ra, lãnh thổ do Nga kiểm soát bao quanh vùng biển này bằng một vùng đệm khá lớn và một hệ thống phòng không uy lực được đặt ở đây.