Xuồng cao tốc Ukraine bị tiêu diệt gần Đảo Rắn
Theo tin tức quân sự được hãng thông tấn Tass đăng tải, quân đội Nga mới đây tuyên bố đã phá hủy một xuồng cao tốc Ukraine chở theo nhóm lính tấn công gần Đảo Rắn trên Biển Đen.
"Khoảng 11h ngày 22/8 (giờ địa phương), ở phía Đông Đảo Rắn, phi cơ Nga đã phá hủy một xuồng cao tốc Willard Sea Force do Mỹ sản xuất đang chở nhóm lính đổ bộ của Ukraine", Bộ Quốc phòng Nga cho biết nhưng không nêu cụ thể loại phi cơ, vũ khí được sử dụng hay có bao nhiêu lính Ukraine trên xuồng.
Bộ Quốc phòng Nga vài giờ trước đó cũng đã thông báo tiêm kích Su-30SM thuộc Hạm đội Biển Đen đã đánh chìm một xuồng trinh sát Ukraine xuất hiện gần cơ sở khí đốt trên Biển Đen đêm 21/8 nhưng không nêu rõ chủng loại xuồng của Ukraine.
Máy bay Nga tiêu diệt xuồng cao tốc của Ukraine. Ảnh: Getty Images
Quân đội Ukraine với sự tài trợ từ Mỹ đã mua 5 xuồng cao tốc từ công ty Willard Marine có trụ sở bang California vào năm 2013 và tiếp nhận tại Odessa năm 2015. Dòng Sea Force có nhiều phiên bản với kích thước khác nhau, có thể chở theo nhóm 6, 10 hoặc 26 binh sĩ.
Đảo Rắn hay còn gọi là đảo Zmiinyi có diện tích khoảng 17 ha và cách cảng Odessa của Ukraine khoảng 35 km. Trước chiến sự, khoảng 100 lính biên phòng Ukraine đồn trú trên đảo Rắn. Nga kiểm soát hòn đảo vài ngày sau khi chiến sự bùng phát.
Dù không có tài nguyên thiên nhiên hay căn cứ quân sự thường trực, đảo Rắn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát các tuyến vận tải trên Biển Đen. Bộ Quốc phòng Nga tháng 6/2022 thông báo rút lực lượng trên đảo Rắn sau khi "hoàn thành nhiệm vụ". Trong khi đó, Ukraine tuyên bố các đợt tập kích bằng tên lửa và pháo của lực lượng nước này khiến lính Nga phải rời đi.
Sau khi Nga rút đơn vị đồn trú trên đảo, Ukraine điều một nhóm binh sĩ tới đây thượng cờ và chụp ảnh. Nga thông báo mở đợt tập kích bằng vũ khí chính xác cao phóng từ máy bay, tiêu diệt một phần nhóm binh sĩ Ukraine nói trên, số còn lại rút về tỉnh Odessa.
Ông chủ Wagner tuyên bố sẽ 'làm cho nước Nga vĩ đại hơn' trong video mới nhất
Chiến thuật có thể giúp Nga đối phó phi đội F-16 của Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 20/8 thông báo về "quyết định lịch sử" của Hà Lan và Đan Mạch khi sẽ cung cấp 42 máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cho Kiev. Ông Zelensky sau đó cho biết, ông tin rằng Ukraine có thể chấm dứt cuộc xung đột với Nga khi sở hữu F-16.
Theo chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin, một vấn đề với F-16 mà Ukraine đang đối mặt chính là Kiev thiếu đi các cơ sở hạ tầng phù hợp để vận hành các tiêm kích này trong hoạt động chiến đấu. Trong kịch bản nếu Ukraine xây dựng các cơ sở nói trên, Nga có thể sẽ tăng cường các cuộc không kích để phá hủy chúng trước khi những căn cứ hoàn thành.
Tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất. Ảnh: Lực lượng Không quân Mỹ
Ông Litovkin cho biết, để dùng được máy bay Mỹ sản xuất, Ukraine sẽ cần cơ sở hạ tầng phức tạp bao gồm các sân bay, trạm radar được trang bị phù hợp, thiết bị đặc biệt cho quá trình chuẩn bị trước và sau chuyến bay cũng như các thiết bị lọc nhiên liệu hàng không và kho lưu trữ tên lửa.
"Ukraine không có bất cứ cơ sở hạ tầng nào như vậy. Nếu họ bắt đầu xây dựng tất cả, Nga sẽ không nhắm mắt làm ngơ. Lực lượng Vũ trang Nga sẽ đợi cho đến khi công việc xây dựng đạt đến một điểm nhất định và sau đó tiến hành các cuộc tấn công (để phá hủy những gì đã được xây dựng)", ông Litovkin phỏng đoán.
Trong khi đó, chuyên gia Alexey Leonkov cho rằng tiêm kích do Mỹ sản xuất có khả năng cao sẽ được bảo trì ở các nước thứ 3. Ông dự đoán để tránh bị các tổ hợp phòng không S-300V4, S-400 hay tiêm kích Su-35 của Nga bắn rơi, Ukraine có thể sẽ điều động những chiếc F-16 ở khoảng cách xa để phóng tên lửa,
"Tiêm kích F-16 Ukraine sẽ cố gắng phóng tên lửa mà không bay vào khu vực trong tầm phòng thủ của Nga giống như cách mà các máy bay Su-24 của Kiev đang thực hiện nhiệm vụ tấn công bằng tên lửa Storm Shadow và SCALP do phương Tây viện trợ. Tuy nhiên, những chiến thuật như vậy sẽ không đủ để ngăn cản Nga bắn hạ máy bay đối phương", ông Leonkov nhận định.
Ông Litovkin giải thích rằng "F-16 là máy bay một động cơ không có khả năng thực hiện các thao tác phức tạp trên không", khiến nó khó có thể né tránh tên lửa một cách hiệu quả và cơ động như các tiêm kích 2 động cơ của Nga.
Phương Uyên (T/h)