Nga bác cáo buộc tìm kiếm đàm phán với Ukraine để câu giờ
Ngày 1/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lên tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng nước ông đang tìm kiếm hòa đàm với Ukraine nhằm tận dụng thời gian để tập hợp và xây dựng lại lực lượng, theo đài RT.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Lavrov nói rằng các cáo buộc trên "vô lý và khó chịu".
Ông Lavrov cho hay: "Chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu bất kỳ cuộc đàm phán nào. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tuyên bố rằng nếu ai quan tâm tới việc đàm phán, chúng tôi sẽ sẵn sàng lắng nghe. Chúng tôi không chỉ lắng nghe mà còn sẵn sàng thỏa thuận về các điều khoản mà (người Ukraine) tự đề xuất".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Reuters
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng đề cập việc Ukraine và Nga dường như sắp đạt được một thỏa thuận hòa bình sau các cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối tháng 3.
Vào thời điểm đó, theo ông Lavrov, hai nước đã ký một thỏa thuận đã được đề xuất nhưng phía Ukraine lại rút khỏi các cuộc đàm phán sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga phạm "tội ác chiến tranh" - điều mà Moscow đã bác bỏ.
Ngoài ra, cũng trong buổi họp báo trên, Ngoại trưởng Nga chỉ ra rằng Mỹ và Anh là các bên đang chỉ đạo trực tiếp các hành động của Ukraine. Ông Lavrov nhấn mạnh mục tiêu của Washington là làm suy yếu nước Nga và thu lợi từ việc bán vũ khí mà người dân Ukraine phải trả giá đắt.
Ông cũng cho biết Mỹ và các đồng minh đã từ chối các biện pháp giảm căng thẳng với Nga cũng như bỏ qua các cảnh báo của Nga rằng việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang vượt qua lằn ranh đỏ của Moscow.
Khối quân sự này đã gạt sang một bên thỏa thuận an ninh được Nga đề xuất vào cuối năm 2021 mà theo quan điểm của nước này sẽ giải quyết được tình trạng căng thẳng.
Ukraine nói tất cả các thành viên NATO chấp thuận để nước này gia nhập
Phó Thủ tướng Ukraine phụ trách Hội nhập châu Âu và châu Âu - Đại Tây Dương, bà Olga Stefanishina, ngày 1/12 cho hay NATO đã đạt được sự nhất trí về việc kết nạp Ukraine vào khối. Cụ thể, bà khẳng định: "Chúng tôi đã đạt được bước tiến trong việc tiến gần hơn tới việc gia nhập NATO".
Phó thủ tướng Ukraine tiếp tục: "Tại hội nghị gần đây ở Bucharest, tất cả 30 nước thành viên đều nhất trí về nhu cầu cần cung cấp tư cách thành viên cho Ukraine. Các nước thành viên NATO đã xác nhận rằng cánh cửa của liên minh vẫn để ngỏ với Ukraine".
Bà Olga Stefanishina nói thêm rằng sự phản đối của Hungary trước sự gia nhập của Ukraine - do những bất đồng liên quan đến người thiểu số Hungary sống ở Ukraine, sẽ được giải quyết bằng "các công cụ chính trị".
Tuy nhiên, một số nước lớn trong NATO như Pháp và Đức vẫn còn thái độ do dự khả năng kết nạp Ukraine vào liên minh thời điểm hiện tại. Ngoài ra, những tranh chấp lãnh thổ giữa Ukraine với Nga cũng khiến Kiev không đủ điều kiện để gia nhập theo các quy tắc hiện tại của NATO.
Minh Hạnh (T/h)