Tổng thống Zelensky nói Đảo Rắn "được tự do trở lại"
Trong bài phát biểu tối 30/6 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Đảo Rắn đã "được tự do trở lại".
Cụ thể, ông Zelesnky cho biết: "Đảo Zmiinyi (Đảo Rắn) là một địa điểm chiến lược và khu vực này đã thay đổi đáng kể tình hình ở Biển Đen. Chúng tôi chưa thểm đảm bảo an toàn trọn vẹn cũng như chưa thể đảm bảo đối phương sẽ không quay trở lại. Nhưng việc này đã đã hạn chế đáng kể hành động của họ. Từng bước, chúng ta sẽ đẩy lùi họ ra khỏi vùng biển, đất liền và bầu trời của chúng ta".
Ukraine tuyên bố giành lại quyền kiểm soát Đảo Rắn. Ảnh: Maxar
Vùng lãnh thổ nhỏ bé nhưng mang tính chiến lược này có ý nghĩa biểu tượng trong thời gian đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Khi ấy, một tàu chiến Nga đã tiến vào khu vực và kêu gọi quân phòng thủ Ukraine đầu hàng. Đáp lại lời đe doạ từ lực lượng Nga, các binh sĩ Ukraine đã nói: "Tàu chiến Nga, hãy biến đi".
Được biết đến với cái tên Zmiinyi Ostriv trong tiếng Ukraine, Đảo Rắn nằm cách bờ biển Ukraine khoảng 48 km và gần với các tuyến đường biển dẫn đến eo biển Bosphorus và Địa Trung Hải.
Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết quân đội Nga đã rời hòn đảo vào ngày 30/6, sau một chiến dịch "thành công". Trong khi đó, phát ngôn viên quân đội Nga Igor Konashenkov cho biết tại một cuộc họp báo rằng việc các lực lượng Nga rời hòn đảo được xem là một "hành động thiện chí".
Nga nói đã toàn quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu Lysychansk
Ông Vitaliy Kiselev, một quan chức phe ly khai Luhansk, cho biết các cuộc giao tranh vẫn đang tiếp diễn ở phía Đông Ukraine và quân đội Nga đã tiếp quản hoàn toàn nhà máy lọc dầu ở Lysychansk.
Cụ thể, ông Kiselev thông tin: "Hôm nay, quân đội của chúng tôi đã tiếp quản hoàn toàn nhà máy lọc dầu, việc dọn dẹp đang được tiến hành. Các bộ phận của chúng tôi tiến vào nhà máy lọc dầu. Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã kiểm soát một phần thành phố từ phía nhà máy lọc dầu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có các đơn vị tiến vào từ phía Đông, băng qua sông Siverskyi Donets và đâm vào các tòa nhà dân cư. Và chúng tôi cũng có tình huống tương tự, thậm chí còn tốt hơn, sau khi chúng tôi giành được Vovchoiarivka, các đơn vị của chúng tôi thậm chí còn tiến gần hơn tới thành phố. Và từ phía Toshkivka, chúng tôi tiến vào các khu dân cư. Hầu như từ mọi phía, chúng tôi kiểm soát Lysychansk, vào khoảng 50%".
Cột khói lớn bốc lên từ khu vực nhà máy lọc dầu Lysychansk. Ảnh: CNN
Trong khi đó, Ukraine thừa nhận Nga vẫn đang tiến hành các hoạt động tấn công trong khu vực của nhà máy lọc dầu Lysychansk và "đã thành công một phần và nắm giữ các phần phía Tây Bắc và Đông Nam của nhà máy".
Tối 30/6, ông Serhiy Hayday, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Luhansk, một lần nữa nhấn mạnh rằng tình thế tại Lysychansk đang vô cùng khó khăn.
Ông nói: "Các cuộc pháo kích đến từ nhiều hướng. Vì quân đội Nga đã tiếp cận Lysychansk từ nhiều hướng khác nhau. Như mọi khi, họ báo cáo rằng họ đã kiểm soát một nửa thành phố. Điều đó không đúng. Nhưng các cuộc pháo kích rất mạnh mẽ. Họ thậm chí đang cố tình tấn công nhằm vào các trung tâm nhân đạo của chúng tôi. Có những người bị thương. Bây giờ chúng tôi khuyên mọi người nên ở trong những nơi trú ẩn. Sơ tán là điều không thể. Việc sơ tán hiện nay cực kỳ nguy hiểm. Họ tiến vào thành phố bằng mìn chống tăng. Các lực lượng Nga hiện đang ở ngoại ô. Không có các cuộc giao tranh ở trong thành phố".
Nga cảnh báo về "Bức màn sắt" mới
Ngày 30/6, tại Minsk (Belarus), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavov cảnh báo một "nức màn sắt" mới đang được dựng lên trên khắp châu Âu, bởi các cường quốc phương Tây đang tìm cách cắt đứt quan hệ với Nga và Belarus sau cuộc xung đột ở Ukraine. Theo ông Lavov, EU đã huỷ hoại tất cả các mối quan hệ với Moscow mà họ đã xây dựng trong nhiều thập kỷ.
Cũng trong sự kiện này, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei nhận xét: "Bức màn sắt hiện đang được dựng lên bởi chính những người phương Tây". Trong đó, ông Makei nói rằng ông không chỉ đề cập đến việc cắt đứt liên lạc chính trị và kinh tế, mà còn đề cập đến rào cản vật lý vừa kéo dài dọc biên giới Ba Lan-Belarus.
Ông Makei nói hành động này đến từ một phía vì Belarus hiện vẫn tiếp tục vận động đối thoại với phương Tây và tìm giải pháp ngoại giao cho các vấn đề.
Cụm từ "bức màn sắt" được sử dụng lần đầu bởi ông Winston Churchill, chính trị gia người Anh, người đã lãnh đạo Vương quốc Anh vượt qua Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng thua cuộc trong cuộc bầu cử ngay sau đó. Vào tháng 3/1946, cựu thủ tướng Anh đã nhận lời mời của Tổng thống Mỹ khi ấy là Harry Truman đến phát biểu tại một trường cao đẳng ở Fulton, Missouri cảnh báo trước về Chiến tranh Lạnh bằng tuyên bố "một bức màn sắt đã phủ xuống khắp lục địa", liên quan đến việc thành lập các chính phủ xã hội chủ nghĩa trên các vùng lãnh thổ do Hồng quân giải phóng ở Đông Âu.
Minh Hạnh (Theo RT, CNN)