"Nga không có mặt ở đây hôm nay. Tại sao? Bởi vì nếu Nga quan tâm đến hòa bình, chiến tranh đã không nổ ra. Chúng ta phải cùng nhau quyết định xem nền hòa bình công bằng có ý nghĩa như thế nào đối với thế giới và làm thế nào để đạt được nó một cách thực sự lâu dài. Hiến chương Liên hợp quốc là cơ sở cho chúng ta", Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ hôm 15/6.
"Sau đó, khi kế hoạch hành động được đưa ra xem xét, được tất cả các quốc gia nhất trí và đảm bảo minh bạch, kế hoạch này sẽ được thông báo tới các đại diện của Nga để chúng ta có thể thực sự chấm dứt chiến tranh tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần hai", ông Zelensky nói thêm.
Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ hôm 15/6. Ảnh: France 24
Ông Zelensky cho biết đại diện của 101 quốc gia và tổ chức quốc tế đã có mặt tại hội nghị thượng đỉnh về Ukraine ở Thụy Sĩ. "Chúng ta đã tránh được một trong những điều khủng khiếp nhất: Sự chia cắt thế giới thành các khối đối lập. Có các đại diện đến từ Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông, châu Á, Thái Bình Dương và Bắc Mỹ, cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo. 101 người tham dự. Và không ai có đặc quyền quyết định thay người khác. Đây thực sự là một thế giới đa cực", ông cho hay.
Tổng thống Zelensky nói thêm rằng mọi quốc gia không có đại diện tại hội nghị thượng đỉnh, "nhưng có chung giá trị trong hành động và lời nói, sẽ có thể tham gia hoạt động của chúng tôi trong các giai đoạn tiếp theo của công thức hòa bình".
Mặc dù một trong những nội dung quan trọng trong công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky là Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, song Tổng thống Zelensky nói rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ tập trung vào ba điểm khác nhau: An toàn hạt nhân, an ninh lương thực, thả tù nhân và người bị trục xuất.
"Chúng ta sẽ tập trung vào những điểm ban đầu của công thức hòa bình và trong quá trình làm việc, chúng ta có thể đạt được thỏa thuận và lập kế hoạch hành động cho từng điểm của công thức hòa bình", ông Zelensky nói thêm.
Ông nhấn mạnh rằng các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc cần được thực thi và Ukraine cũng như các bên tham gia hội nghị thượng đỉnh cần quyết định các nước sẽ hợp tác như thế nào và ai sẽ là đồng lãnh đạo để thực hiện kế hoạch hành động.
Phó Tổng thống Mỹ công bố viện trợ hơn 1,5 tỷ USD cho Ukraine
Ngày 15/6, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố khoản viện trợ hơn 1,5 tỷ USD cho Ukraine, một phần cho ngành năng lượng và hỗ trợ nhân đạo ở nước này.
Thông báo được đưa ra khi Phó Tổng thống Harris tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine diễn ra tại Thụy Sĩ. Tại đây, bà sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và phát biểu tại phiên họp toàn thể của hội nghị.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Reuters
Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ cho biết, 1,5 tỷ USD gồm 500 triệu USD tài trợ mới cho hỗ trợ năng lượng và chuyển 324 triệu USD đã công bố trước đó sang sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng khẩn cấp và các nhu cầu khác ở Ukraine. Sự hỗ trợ này sẽ giúp Ukraine sửa chữa và phục hồi trước sự gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng và đặt nền tảng để sửa chữa và mở rộng hệ thống năng lượng.
Phó Tổng thống Mỹ cũng công bố hơn 379 triệu USD hỗ trợ nhân đạo từ Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ để giúp đỡ những người tị nạn và những người bị ảnh hưởng do chiến tranh. Số tiền này dùng để trang trải hỗ trợ lương thực, dịch vụ y tế, chỗ ở và nước, các dịch vụ vệ sinh cho hàng triệu người Ukraine.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia phương Tây viện trợ nhiều nhất cho Ukraine với khoảng 113 tỷ USD trong các dự luật chi tiêu được thông qua tính đến tháng 4. Tại cuộc họp giao ban vừa diễn ra hôm 10/6, trả lời câu hỏi liệu sự xuất hiện của viện trợ Mỹ có ảnh hưởng đến tình hình ở mặt trận ở Ukraine, người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết điều này đã giúp Ukraine làm chậm bước tiến của quân Nga ở tỉnh Kharkiv.