Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức Ukraine mới nhất ngày 16/12: Mỹ có thể phải hy sinh năng lực chiến đấu để viện trợ Ukraine

  • Phương Uyên
(DS&PL) -

Tin tức về tình hình Ukraine mới nhất ngày 16/12/2023. Cập nhật tin tức tình hình Ukraine mới nhất ngày 16/12/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Mỹ có thể phải hy sinh năng lực chiến đấu để viện trợ Ukraine

VnExpress dẫn nguồn từ FoxNews đưa tin, Lầu Năm Góc cảnh báo sẽ phải chọn giữa bảo đảm năng lực chiến đấu và hỗ trợ Ukraine nếu quốc hội Mỹ không duyệt ngân sách viện trợ.

"Chúng tôi còn khoảng 4,4 tỷ USD theo Quyền huy động nguồn lực quân sự của Tổng thống và một tỷ USD trong quỹ mua thiết bị thay thế, bù đắp vào vũ khí chuyển đi", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết hôm 14/12.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder. Ảnh: AP

Ông Ryder khẳng định quân đội Mỹ vẫn còn lựa chọn chi 4,4 tỷ USD để viện trợ Ukraine, nhưng đây sẽ là quyết định khó khăn, bởi ngân quỹ hỗ trợ Ukraine đang cạn dần.

"Chúng tôi sẽ phải chọn giữa bảo đảm năng lực sẵn sàng chiến đấu của chính mình hay tiếp tục hỗ trợ Ukraine để duy trì khả năng tác chiến của họ. Đây là lý do chúng tôi kêu gọi quốc hội thông qua ngân sách bổ sung càng sớm càng tốt, nhằm đồng hành với các đối tác và đầu tư vào chính nền tảng công nghiệp quốc phòng của Mỹ", phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói.

Mỹ đến nay vẫn là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, với hàng chục tỷ USD viện trợ an ninh và liên tục cam kết ủng hộ Kiev đến chừng nào còn cần thiết. Tổng thống Joe Biden hồi tháng 10 kêu gọi quốc hội Mỹ phê duyệt ngân sách 106 tỷ USD cho an ninh quốc gia, trong đó có khoản viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine cùng 14 tỷ USD hỗ trợ cho Israel.

Tuy nhiên, dự luật này bị chặn ở quốc hội Mỹ, do phe Cộng hòa vẫn yêu cầu siết chặt kiểm soát biên giới phía nam nước Mỹ và muốn chính quyền Tổng thống Joe Biden thể hiện trách nhiệm lớn hơn với các khoản ngân sách chi cho nước ngoài.

Sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng duy trì viện trợ của Mỹ, khi Ukraine đang chuẩn bị cho mùa đông thứ hai trong chiến sự.

4 thách thức lớn chờ đón Ukraine để gia nhập EU

Các lãnh đạo EU ngày 14/12 nhất trí khởi động đàm phán kết nạp Ukraine và Moldova. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng quá trình này sẽ đối mặt hàng loạt thách thức và các cuộc đàm phán dự kiến sẽ kéo dài hàng năm, do nhiều yếu tố.

Về kinh tế, GDP bình quân đầu người của Ukraine thấp hơn 1/3 mức trung bình của EU xét về sức mua, điều đó có nghĩa là nước này sẽ ngay lập tức trở thành nước nhận được nguồn vốn từ các quốc gia EU khác để cân bằng mức sống và hỗ trợ ngành nông nghiệp.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải). Ảnh: AFP.

Một nghiên cứu nội bộ của EU vào tháng 7 cho thấy nếu Ukraine được kết nạp, nước này sẽ nhận được 96,5 tỷ euro (106 tỷ USD) theo Chính sách nông nghiệp chung của khối trong 7 năm và 61 tỷ euro khác theo chính sách gắn kết của EU, nhằm mục đích cân bằng mức sống trên toàn khối. Mặt khác, những nước đang đóng góp chính cho EU sẽ phải chi thêm nhiều tiền hơn. Đây sẽ là vấn đề lớn đối với hầu hết 27 thành viên EU.

Về nông nghiệp, Ukraine là một cường quốc với diện tích đất canh tác là 41 triệu ha. Ukraine xuất khẩu hầu hết các sản phẩm nông nghiệp sang EU. Nhưng nếu Ukraine trở thành thành viên EU, nước này sẽ trở thành một phần của thị trường chung không có thuế quan hay hạn ngạch, nơi hàng hóa có thể di chuyển tự do qua biên giới.

Các quan chức kỳ vọng Ukraine có thể sẽ tăng sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu sang EU. Điều này có thể sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ nông dân trên khắp EU, tạo áp lực lớn lên các chính phủ.

Về nguồn lao động, nếu Ukraine gia nhập EU, toàn bộ thị trường lao động của khối sẽ mở ra hàng triệu người Ukraine, vốn yêu cầu đồng lương thấp hơn. Điều này có thể gây áp lực lên các nước trong khối.

Một lượng lớn công nhân Ba Lan đến Anh sau khi Warsaw gia nhập EU vào năm 2004 là một trong những yếu tố dẫn đến Brexit. Các nước EU khác đã phải có cơ chế chuyển tiếp trước khi mở cửa thị trường lao động cho các thành viên EU mới từ phía đông.

Về an ninh, các hiệp ước của EU bắt buộc các thành viên phải giúp đỡ "bằng mọi cách trong khả năng của mình" khi một quốc gia thành viên bị xâm phạm lãnh thổ. Nếu Ukraine trở thành thành viên EU khi Kiev vẫn đang trong cuộc chiến với Nga thì Liên minh châu Âu sẽ phải thực thi hiệp ước trên.

Ngoài ra, nếu đồng ý kết nạp Ukraine, EU sẽ có một đường biên giới dài mới với Nga và Belarus, điều này có thể tác động mạnh tới tình hình an ninh, di cư và quốc phòng của toàn khối.

Phương Uyên (T/h)

Tin nổi bật