Động thái của Ukraine sau khi Nga tuyên bố rút quân khỏi Kherson
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa ký sắc lệnh thành lập 4 chính quyền quân sự ở Kherson sau khi Nga tuyên bố rút quân khỏi thành phố này và chuyển sang bờ Đông sông Dnipro (Dnieper).
Ngày 9/11, CNBC dẫn thông báo từ văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết: "Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh về việc thành lập 4 cơ quan chính quyền quân sự ở khu vực Kherson, gồm: Dolmativska, Holoprystanska, Kakhovska và Khrestivska. Sắc lệnh của Tổng thống Volodymyr Zelensky có hiệu lực ngay lập tức".
Được biết, Ukraine vẫn tiếp tục tiến công Kherson nhưng Tổng thống Zelensky yêu cầu lực lượng cẩn trọng "không vui mừng quá sớm" khi Nga thông báo rút khỏi thành phố này.
Lực lượng pháo binh Ukraine bên ngoài Bakhmut ngày 8/11. Ảnh: CNBC
Ông Zelensky nói thêm: "Đối phương không tặng quà hay có 'động thái thiện chí' nào mà tất cả là do chúng ta giành được. Lực lượng Ukraine đang tiến quân rất cẩn trọng, tránh mọi cảm xúc và nguy hiểm không cần thiết nhằm mục tiêu giải phóng toàn bộ lãnh thổ với thương vong ít nhất có thể".
Phát biểu được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ra lệnh rút quân khỏi thành phố Kherson ở miền nam Ukraine, sang bờ Đông sông Dnipro để thiết lập phòng tuyến.
Mệnh lệnh được Đại tướng Shoigu đưa ra trong cuộc họp với tổng chỉ huy chiến dịch quân sự Nga tại Ukraine Sergey Surovikin. Tướng chỉ huy chiến trường Surovikin giải thích Nga không còn khả năng tiếp tế cho Kherson nên đề nghị rút quân.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng nói rằng các cuộc giao tranh vẫn còn dữ dội trên toàn bộ chiến tuyến ở phía Nam và phía Đông của Ukraine.
Ông Zelensky cho biết: "Tình hình khó khăn trên toàn bộ mặt trận. Các trận chiến giành vị trí ở một số khu vực vẫn tiếp tục diễn ra khốc liệt, đặc biệt ở Donetsk. Bên chiếm đóng đang chịu tổn thất cực kỳ lớn trên diện rộng nhưng lệnh di chuyển đến biên giới hành chính của vùng Donetsk của họ vẫn không thay đổi. Chúng ta không nhượng bộ bất kỳ một tấc đất nào của chúng ta ở đó".
Trong bối cảnh đó, giới chức Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine nhưng đôi bên phải "chấp nhận thực tế mới".
"Chúng tôi vẫn luôn mở cửa cho các cuộc đàm phán. Chúng tôi chưa bao giờ từ chối đàm phán. Tất nhiên, chúng tôi sẵn sàng đàm phán có tính đến những ‘thực tế’ đang diễn ra ở thời điểm hiện tại", hãng thông tấn Tass (Nga) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.
Phía Nga cũng cáo buộc phương Tây "giật dây" khiến Ukraine rút khỏi tiến trình đàm phán hòa bình, cũng như ra điều kiện để hai bên tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán.
Tổng thống Mỹ Biden nói Ukraine tự quyết chuyện nhượng đất
Trong bài phát biểu tại cuộc họp báo ngày 9/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết việc có nhượng đất hay không là quyết định tuỳ thuộc vào Ukraine và Washington sẽ không thúc ép Kiev về điều đó.
“Điều đó tuỳ thuộc vào người Ukraine. Không có gì về Ukraine mà vắng Ukraine. Tôi không có bất kỳ (suy nghĩ nào về việc nhượng bộ của Ukraine) trong tư tưởng. Tôi nghĩ bối cảnh là liệu họ có rút khỏi Falluja, ý tôi là Kherson hay không”, ông Biden nói.
“Chúng tôi sẽ không báo họ phải làm gì”, Tổng thống Mỹ khẳng định.
Lính Ukraine sử dụng pháo tự hành 2S7 Pion. Ảnh: TASS
Ông cho biết Mỹ không làm mọi thứ Ukraine muốn và đã từ chối lập vùng cấm bay ở Ukraine hay cung cấp bệ phóng đa tên lửa tầm xa HIMARS.
Khi được hỏi Mỹ có tiếp tục viện trợ cho Ukraine hay không, ông Biden nói: “Đó là kỳ vọng của tôi”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi không trao séc trắng cho Ukraine. Có rất nhiều thứ mà Ukraine muốn nhưng chúng tôi không làm. Tôi được hỏi rằng liệu chúng tôi có cung cấp máy bay chiến đấu để bảo vệ bầu trời Ukraine hay không. Và tôi nói không, chúng tôi sẽ không làm điều đó. Chúng tôi sẽ không bước vào chiến tranh thế giới thứ ba khi đối đầu với máy bay chiến đấu của Nga”.
Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh rằng Washington sẽ không cung cấp hệ thống HIMARS với tên lửa có tầm bắn trên 965km. “Chúng tôi không mong họ ném bom xuống đất Nga”, ông Biden nói.
Ông nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống để tự bảo vệ mình. “Có rất nhiều thứ rủi ro”, ông nói. Ông bày tỏ nghi ngờ rằng phe Cộng hoà sẽ từ chối viện trợ và cung cấp vũ khí cho Ukraine nếu đảng này chiến thắng trong cuộc đua ở Hạ viện.
Nga nhiều lần cảnh báo rủi ro của việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng nỗ lực của phương Tây nhằm quân sự hoá Ukraine đang gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh châu Âu và toàn cầu.
Minh Hạnh (T/h)