Nhóm người Trung Quốc dụ dỗ thiếu nữ Việt đóng phim sex
TAND TP.Đà Nẵng vừa mở phiên xét xử sơ thẩm, đường dây người Trung Quốc dụ dỗ các cô gái và cả trẻ em ở Đà Nẵng đóng phim sex, livestream giao cấu, khiêu dâm để thu tiền trên mạng xã hội.
Các đối tượng tại phiên tòa xét xử. Ảnh: VOV
Theo hồ sơ bản cáo trạng, đầu năm 2019, các bị cáo Trương Huệ Mẫn (40 tuổi), Lưu Tiểu Vệ (32 tuổi), Tưởng Đăng Quân (32 tuổi), Đới Hồng Hi (24 tuổi), Phương Tuấn Kiệt (35 tuổi) từ Trung Quốc qua Việt Nam thuê nhà khu vực biển Đà Nẵng làm động sex, phát trên mạng xã hội để thu tiền.
Đối tượng Sầm Thị Sen (26 tuổi, ngụ xã Tân An, huyện Đắc Cơ, tỉnh Gia Lai) làm phiên dịch cho Mẫn, sau đó làm người yêu và chung sống như vợ chồng cùng đối tượng này tại ngôi nhà thuê ở đường Lê Minh Trung, quận Sơn Trà.
Thông qua mạng xã hội Facebook, Sen đăng tin tuyển các cô gái trẻ, có ngoại hình đẹp để "làm việc nhẹ nhàng với mức lương cao".
Từ tháng 2 - 9/2019, Sen tuyển được 4 cô gái, ban đầu chỉ nói công việc livestream. Tuy nhiên, sau khi hẹn gặp, Sen dụ dỗ họ đóng phim sex, livestream khiêu dâm, quan hệ và kích dục với các bị cáo.
Từ cấp độ nhẹ, Sen dần dụ dỗ các cô gái cởi đồ, thực hiện các động tác, tư thế kích dục và cuối cùng là quan hệ tình dục với nhóm đối tượng Trung Quốc này để đóng phim sex.
Mỗi cô gái được trả thù lao 700.000 đồng/6 giờ thoát y và 1 triệu đồng/lượt giao cấu. Đáng chú ý, trong số các em gái bị Sen dụ dỗ, nạn nhân N.T.K.D mới 15 tuổi.
Theo cơ quan Công an, do việc tổ chức mua bán dâm, sex trực tuyến, livestream kích dục bị cấm ở Trung Quốc, nên nhóm đối tượng này đã nhập cảnh vào Việt Nam theo visa du lịch. Trong đó, Trương Huệ Mẫn là đối tượng cầm đầu kiêm đạo diễn, quay phim.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tại thời điểm toàn bộ 5 đối tượng đều tập trung tại 31 Lê Minh Trung, các trinh sát đã "đột kích" vào ngôi nhà các đối tượng thuê và phát hiện trong máy móc, thiết bị của các đối tượng này có hình ảnh, clip đồi trụy.
Tại phiên tòa xét xử, HĐXX tuyên phạt 5 bị cáo phạm tội giao cấu, thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ 13 đến dưới 16 tuổi, và tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
Cụ thể, Trương Huệ Mẫn lĩnh 13 năm tù; Lưu Tiểu Vệ lĩnh 8 năm 6 tháng tù; Tưởng Đăng Quân lĩnh 7 năm 6 tháng tù; Đới Hồng Hi lĩnh 7 năm 6 tháng tù. Còn bị cáo Sầm Thị Sen lĩnh 10 năm 6 tháng tù. Riêng bị cáo Phương Tuấn Kiệt bị tuyên phạt 2 năm 3 tháng tù cho tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Sau khi chấp hành xong án tù, ngoài Sầm Thị Sen, các bị cáo người Trung Quốc bị buộc rời khỏi Việt Nam.
TP.HCM dự kiến tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu
Tuổi Trẻ đưa tin, chiều ngày 30/10, Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 của ngành y tế TP.HCM trong đợt dịch thứ 4 đã được tổ chức tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).
Thông tin tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc sở Y tế TP.HCM cho biết Sở đang đề xuất với UBND TP.HCM tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch trong tháng 11/2021 và 12/2021, tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên năm 2022.
Theo đề xuất, kế hoạch dự kiến 2 tháng cuối năm 2021 của ngành y tế TP.HCM là tiêm vét mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi; tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và tiêm nhắc mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Sang năm 2022, ngành y tế TP.HCM dự kiến sẽ triển khai tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, bên cạnh đó tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 3 và mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của bộ Y tế.
Theo Lao Động, tính đến ngày 28/10, TP.HCM có hơn 7,1 triệu người được tiêm mũi 1 và hơn 5,6 triệu người được tiêm mũi 2.
Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn đang được TP.HCM tích cực triển khai trên tinh thần nhanh chóng, tận dụng mọi thời điểm để tiêm.
TP.HCM hiện đang trong thời gian triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12 – 17 tuổi trên diện rộng. Để trẻ sớm được tiếp cận vaccine, sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ sở tiêm chủng phải có kết luận đúng trẻ nào đủ điều kiện tiêm, chống chỉ định, trì hoãn, thận trọng tiêm hoặc cần tiêm tại bệnh viện; không tự ý chỉ định tạm hoãn tiêm trẻ.
Theo kế hoạch tiêm chủng diễn ra trong vòng 7 ngày, TP.HCM có 780.000 trẻ được tiêm. Nguồn vaccine Pfizer của bộ Y tế phân bổ trước đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên còn tồn kho gần 700.000 liều, khả năng sẽ đủ khi tiêm cho trẻ em.
Nguyên nhân là do trên thực tế, có nhiều trẻ nơi ở và nơi theo học không chung quận huyện, khi lên danh sách sẽ bị trùng, từ đó có một số điểm tiêm dư vaccine ngừa COVID-19. Số vaccine dư này sẽ được chuyển về điểm tiêm còn thiếu nên số vaccine tồn kho cơ bản sẽ đủ.
Đắk Lắk: Thành lập Bệnh viện dã chiến số 2, quy mô 1.500 giường bệnh
Bệnh viện dã chiến số 1 ở Đắk Lắk. Ảnh: Tiền Phong
Ngày 30/10, VTC News dẫn thông tin từ UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh này vừa ban hành quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến số 2 để điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo đó, bệnh viện quy mô 1.500 giường bệnh, trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin và đặt tại Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk (phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột).
Bệnh viện dã chiến số 2 có chức năng chuyên môn là cách ly, chăm sóc, điều trị bệnh nhân dương tính COVID-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ; thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ và có bệnh lý nền ổn định.
Theo Thanh Niên đưa tin, trước đó Bệnh viện dã chiến số 1 tại trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk (P.Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột) với quy mô 1.000 giường bệnh được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 7.
Theo sở Y tế Đắk Lắk, thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, nhiều ổ dịch xuất hiện trong cùng thời điểm; nhiều nguồn lây từ số người từ các địa phương khác di chuyển về Đắk Lắk.
Đặc biệt, xuất hiện nhiều nguồn lây ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số nên nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao.
Ngành y tế tỉnh này gặp nhiều khó khăn do vừa phải đảm bảo công tác khám chữa bệnh an toàn cho người dân, vừa tập trung phòng chống dịch, khống chế không để dịch lan rộng.
Tính đến sáng 30/10, Đắk Lắk ghi nhận 3.874 ca mắc COVID-19; trong đó, 2.096 ca khỏi bệnh, 1.754 ca đang điều trị, 24 ca tử vong. TP.Buôn Ma Thuột có số ca mắc COVID-19 cao nhất tỉnh (802 ca), tiếp đó là thị xã Buôn Hồ (750 ca).
TP.HCM: Thêm 8 tuyến xe buýt hoạt động trở lại từ 1/11
VOV dẫn thông tin từ Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM cho biết, từ ngày 1/11, TP sẽ có thêm 8 tuyến xe buýt tiếp tục chạy lại.
Trong số đó, có 7 tuyến hoạt động với tần suất 60 chuyến/ngày, gồm tuyến số 4 (Bến Thành - Cộng Hòa - Bến xe An Sương); tuyến số 28 (Bến xe buýt Sài Gòn - Chợ Xuân Thới Thượng); tuyến số 31 (Đại học Tôn Đức Thắng - Bến Thành - Đại học Văn Lang); tuyến số 36 (Bến Thành - Thới An); tuyến số 45 (Bến xe buýt Quận 8 - Bến Thành - Bến xe Miền Đông); tuyến số 72 (Bến xe buýt Sài Gòn - Hiệp Phước), tuyến số 102 (Bến xe buýt Sài Gòn - Nguyễn Văn Linh - Bến xe Miền Tây). Các tuyến xe buýt này sẽ hoạt động trong khoảng thời gian từ 5h – 18h.
Riêng tuyến xe buýt số 151 (Bến xe Miền Tây - Bến xe An Sương) hoạt động với 54 chuyến/ngày. Thời gian hoạt động của tuyến xe buýt 151 tại Bến xe Miền Tây là từ 4h30 - 17h30 và Bến xe An Sương từ 5h - 18h.
Theo VnExpress, TP.HCM đã dừng hoạt động xe buýt cũng như nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng khác từ tháng 6/2021 để phòng chống dịch COVID-19.
Từ ngày 25/10, 8 tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP.HCM là các tuyến trục chính, tuyến có lộ trình đi qua bến xe, bệnh viện đã được hoạt động trở lại. Đó là tuyến số 14, 20, 27, 29, 141, 65, 74 và 79. Riêng 4 tuyến xe buýt tại huyện Cần Giờ là 77, 90, 127, 128 đã hoạt động từ ngày 4/10.
Trước đó, theo đề xuất của Trung tâm quản lý giao thông công cộng trong khôi phục hệ thống xe buýt, dự kiến từ ngày 8/11 sẽ có thêm 29 tuyến trợ giá hoạt động. 41 tuyến còn lại dự kiến được khôi phục từ ngày 15/11. Dựa trên tình hình phòng chống dịch, nhu cầu đi lại ở từng khu vực, hoạt động ở các tuyến xe sẽ được trung tâm điều chỉnh phù hợp.
Được biết, TP.HCM hiện có 126 tuyến xe buýt, trong đó có 90 tuyến trợ giá. Đối với 36 tuyến không trợ giá, việc khôi phục hoạt động sẽ do doanh nghiệp khai thác đăng ký thời gian, phương án, khi đáp ứng các điều kiện phòng dịch... Riêng các tuyến buýt không trợ giá liên tỉnh, việc mở lại sẽ được phối hợp các địa phương.
Bạch Hiền (t/h)