Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức thời sự mới nóng nhất hôm nay 25/9: Đào đất chơi, 3 trẻ em bị đất vùi lấp tử vong

(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 25/9/2021. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 25/9/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Lâm Đồng: Đào đất chơi, 3 trẻ em bị vùi lấp tử vong

Chiều 24/9, ông Trương Hữu Đồng- Chủ tịch UBND huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) cho biết địa phương đã bàn giao thi thể 3 em nhỏ bị tử vong do đất đá vùi lấp cho gia đình lo hậu sự.

Khu vực đất vùi lấp khiến 3 em nhỏ tử vong. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Nạn nhân là các em: Liêng Hót Na Th. (7 tuổi), Liêng Hót Hữu T. (10 tuổi, cùng trú xã Đạ Long, huyện Đam Rông) và K’H., ngụ xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà.

Trước đó, khoảng 11h30 cùng ngày, cả 3 em cùng đi chăn bò tại tiểu khu 66, khu vực giáp đường liên xã Đạ Long và Đạ Tông và đào đất chơi đùa bên bờ taluy, sát đường vào khu vực suối nước nóng Đạ Tông.

Bất ngờ đất cát bên trên ập xuống vùi lấp cả 3 em nhỏ. Mặc dù lực lượng chức năng nhanh chóng đào đất đá đưa các em ra ngoài nhưng cả 3 không may đã tử vong.

Theo thông tin từ Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, trước thời điểm xảy ra vụ việc trời không có mưa và đã có người lớn đi ngang qua, nhắc nhở các em không chơi đùa dưới taluy.

Được biết, gia đình em Th. và T. là hộ nghèo. Bước đầu địa phương đã hỗ trợ 18 triệu đồng cho mỗi gia đình để lo liệu hậu sự. Người thân nạn nhân ở huyện Lâm Hà hỗ trợ 2 triệu đồng.

Bộ Y tế vào cuộc vụ rao bán rộng rãi thuốc Molnupiravir với giá cao cho người dân

Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo - bộ Y tế đã ban hành công văn gửi sở Y tế TP.HCM. Theo công văn này, bộ Y tế nhận được thông tin qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội cho thấy có việc kinh doanh, quảng cáo, rao bán rộng rãi thuốc Molnupiravir tại TP.HCM với giá cao cho người dân.

Theo văn bản này, Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo đề nghị sở Y tế TP.HCM khẩn trương kiểm tra thông tin về việc mua bán thuốc, hoạt động quản lý thuốc nghiên cứu tại các cơ sở y tế trực thuộc sở, đồng thời bảo đảm tuân thủ đề cương nghiên cứu và những hướng dẫn, quy định hiện hành liên quan.

Việc này nhằm mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của người bệnh, tránh việc các đối tượng xấu lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến y tế xã hội, cũng như bảo đảm các quy định về việc quản lý thuốc nghiên cứu.

TS.Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, bộ Y tế cho biết, trước đó Cục này đã liên tục có văn bản đề nghị sở Y tế TP.HCM quản lý chặt chẽ thuốc nghiên cứu theo các quy định hiện hành và chịu trách nhiệm từ tiếp nhận, bảo quản cấp phép, theo dõi sử dụng, thu hồi và tiêu huỷ thuốc không sử dụng.

Văn bản của Bộ Y tế cũng cho biết thuốc kháng virus Molnupiravir chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cũng như thế giới. Vào cuối tháng 8/2021, bộ Y tế cho phép đưa thuốc Molnupiravir kháng virus cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ tại TP.HCM sử dụng. Theo quy trình, loại thuốc này được sở Y tế cấp phát xuống Trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức để sau đó cấp phát cho các trạm y tế lưu động và nơi này phát cho F0 cách ly tại nhà.

Trước đó, Cục Quản lý dược (bộ Y tế) có công văn gửi 14 công ty dược yêu cầu báo cáo tình hình nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose. Nội dung công văn nêu, cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm, không sử dụng vào mục đích khác, không lưu hành trên thị trường. Cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để sản xuất thuốc xuất khẩu, không sử dụng vào mục đích khác. Thuốc thành phẩm sản xuất không được lưu hành tại Việt Nam.

Ăn nhầm lá ngón, nữ sinh lớp 7 tử vong thương tâm

Ảnh minh họa

Sáng ngày 24/9, ông Lữ Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Nậm Nhóng, huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa có một người tử vong do ăn nhầm lá ngón.

Nạn nhân là em V.T.T.H. (SN 2008) trú tại bản Na, xã Nậm Nhóng, huyện Quế Phong.

Trước đó, chiều ngày 23/9, em V.T.T.H. cùng mẹ đang ở nại (Khu sản xuất trong rừng) thì thấy đau bụng nên đã đi lấy lá ổi để ăn. Sau khi lấy lá ổi về chữa trị không lâu thì em H. có biểu hiện bị ngộ độc.

Gia đình và người thân tức tốc đưa em đến Trạm Y tế xã để chữa trị nhưng đến 1h ngày 24/9 em đã không qua khỏi. Nhiều người nhận định em H. vô tình hái và ăn nhầm lá ngón dẫn đến sự việc đáng tiếc.

“Có thể do trời tối nên khi hái lá ổi ăn, cháu không để ý nên hái ăn nhầm lá ngón. Đây cũng là trường hợp đầu tiên tử vong do ăn nhầm phải lá ngón”, ông Thành nói.

CSGT Sóc Trăng dẫn đường cho hàng trăm người dân chạy xe máy về quê

Sáng ngày 24/9, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Sóc Trăng cử lực lượng dẫn đường cho 2 đoàn người từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam tự ý về quê bằng xe máy. Những người này được CSGT Công an tỉnh Hậu Giang đón về từ khu vực giáp ranh Cần Thơ rồi bàn giao cho CSGT Sóc Trăng tại chốt cửa ngõ vào tỉnh này.

Nguồn tin cho hay, đoàn đầu tiên có 48 xe máy, chở theo 104 người (19 trẻ em) di chuyển thẳng vào khu cách ly tập trung của xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị. Đoàn thứ 2 có 22 xe máy (42 người) được CSGT dẫn đường vào khu cách ly tập trung xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên.

146 người này có hộ khẩu thường trú tại nhiều huyện, thị và thành phố của tỉnh Sóc Trăng. Sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung, cơ quan chức năng tiếp tục đưa họ về gia đình để cách ly tại nhà.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, cho biết tỉnh này đã đón 31 người từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê bằng xe máy. Nhóm này bị kẹt tại chốt cửa ngõ của tỉnh Hậu Giang vào chiều 23/9.

Tại Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân cho biết 2 ngày qua, có trên 50 công dân tỉnh này từ nhiều tỉnh, thành trở về quê.

Trả lời PV báo Tuổi Trẻ, ông Đồng Hoàng Dũng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang - cho biết mấy ngày qua có hàng trăm người dân ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long… tự phát đi xe máy về quê ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có đi ngang qua địa phận tỉnh, trong đó cũng có hàng chục người về quê Hậu Giang. Trường hợp người dân về quê, nếu địa phương đó có văn bản đồng ý thì tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch bệnh tại cửa ngõ tạo điều kiện cho người dân qua chốt và CSGT đưa đến địa bàn giáp ranh.

"Còn người dân về quê Hậu Giang thì phải đi cách ly theo quy định và phải trả phí. Hiện tại các khu cách ly tập trung của tỉnh chưa đáp ứng được nên tỉnh tạm dừng kế hoạch đón công dân về", ông Dũng cho hay.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật