Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức thời sự mới nóng nhất hôm nay 20/9: Phát hiện 80 chiếc iPhone không rõ nguồn gốc xuất xứ

(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 20/9/2021. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 20/9/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Hà Nội: Phát hiện 80 chiếc điện thoại di động iPhone không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 19/8, Công an TP.Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng mới đây đã phát hiện chiếc ô tô 7 chỗ chở 1 thùng caton, bên trong có chứa 80 chiếc điện thoại đi động ghi nhãn hiệu iPhone không rõ nguồn gốc xuất xứ.

80 chiếc iPhone không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phát hiện. Ảnh: Báo dân sinh

Cụ thể, khoảng 20h ngày 15/9/2021, Tổ công tác thuộc Đội CSGT số 1, làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch 26C, vị trí đê 401 lên cầu Chương Dương, đã dừng kiểm tra một xe ô tô 7 chỗ mang BKS: 34A-316xx.

Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên xe có chở 1 thùng caton, bên trong có chứa 80 chiếc điện thoại đi động ghi nhãn hiệu iPhone, bao gồm: 25 máy màu đen, 02 máy màu trắng bạc, 11 máy màu vàng, 35 máy màu hồng và 07 máy màu xám.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe là anh Phạm Văn Q (SN 2001; HKTT: Thanh Miện, Hải Dương) không xuất trình được giấy tờ chứng minh xuất xứ nguồn gốc của số hàng hóa trên.

Ngay sau đó, tổ công tác đã tiến hành bàn giao người, phương tiện cùng tang vật cho Công an phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) để làm rõ và xử lý theo quy định.

Hà Nội: Quận Hai Bà Trưng đề xuất mở lại tất cả hoạt động, dịch vụ từ ngày 1/10

Ngày 19/9, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vừa có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 20, Công điện 20 của Chủ tịch UBND thành phố và phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ngày 21/9/2021.

Theo báo cáo, từ ngày 24/7 đến 17/9, quận ghi nhận 243 trường hợp F0. Từ ngày 4/9 đến 17/9, quận có 39 ca F0, gồm 22 ca cộng đồng, 17 ca tại khu cách ly.

Đến nay, trên 98% người dân trong độ tuổi quy định trên địa bàn quận được tiêm chủng mũi 1 vắc xin COVID-19. Tổng 6 đợt xét nghiệm diện rộng trên địa bàn, lấy 221.421 mẫu có 1 mẫu RT-PCR dương tính, 3.635 mẫu RT-PCR chưa có kết quả.

Quận cho biết, dự kiến đến 21/9, 17/18 phường thuộc quận không còn khu vực cách ly, phong toả; không có F0 trong cộng đồng. Khu vực Ngõ Hoà Bình 4 phường Minh Khai có ca mắc cuối cùng ngày 12/9, sẽ thu hẹp khu vực phong toả các hộ dân trong ngách 33, đến 8h ngày 25/9.

Căn cứ kết quả đã đạt được trong thời gian giãn cách xã hội, UBND quận Hai Bà Trưng đề xuất UBND thành phố Hà Nội phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ngày 21.9, trên cơ sở tiếp tục xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là trọng tâm, thường xuyên và gắn với phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo Vietnamnet, cụ thể, trong giai đoạn 1 (từ 8h ngày 21/9 đến 30/9), quận đề xuất thành phố cho phép doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh mở cửa hoạt động trở lại với 50% công suất và phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, trừ một số loại hình kinh doanh chờ chỉ đạo của thành phố (karaoke, vũ trường, quán bar dịch vụ spa, làm đẹp, phòng khám thẩm mĩ, thẩm mĩ viện, thể dục thể thao trong nhà, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao ngoài trời, dịch vụ game, internet). Trong đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hằng ngày.

Đồng thời, các chợ Bách Khoa, Nguyễn Công Trứ, Quỳnh Mai tiếp tục đóng cửa; 3 chợ Hôm - Đức Viên, Mơ, Đồng Tâm chỉ kinh doanh mặt hàng thiết yếu tại chợ, bảo đảm tuân thủ nghiêm thông điệp “5K” và hướng dẫn của Bộ Y tế, 100% người ra - vào chợ phải quét mã QR.

Các siêu thị, cửa hàng tiện ích, tiện lợi, chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động 100% công suất. Tiếp tục hoạt động 19 điểm bán hàng lưu động tại các phường, sắp xếp hợp lý và thuận tiện nhất cho người dân.

Các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu vực phong tỏa vẫn dừng hoạt động. Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Giai đoạn 2, từ ngày 1/10, quận xác định là vùng xanh, trạng thái bình thường mới: Cho phép các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn quận được hoạt động 100% công suất trong trạng thái bình thường mới.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép hoạt động trong trạng thái bình thường mới nhưng phải chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh (5K, mã QR…).

Các chợ được mở cửa, hoạt động trở lại khi đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch: tuân thủ nghiêm thông điệp 5K và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các siêu thị, cửa hàng tiện ích, tiện lợi, các chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu được phép hoạt động 100% công suất.

Các loại hình kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn quận trở về hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Hạn chế tụ tập đông người ngoài công sở, bệnh viện, trường học.

Tiền Giang: Cụ ông 85 tuổi được cấp giấy đi đường tới bệnh viện “khám thai”

Giấy đi đường được cấp cho cụ L.. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Vào ngày 19/9, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Long Định, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) cho biết đã làm báo cáo gửi UBND huyện Châu Thành về trường hợp cấp giấy đi đường cho hai người đàn ông, với mục đích đến bệnh viện khám thai.

Được biết, hai người đàn ông được cấp giấy đi đường là ông N.V.L (85 tuổi, trú tại xã Long Định, huyện Châu Thành) và ông T.T.T. Mục đích ra đường được ghi trên giấy đi đường là đi "khám thai tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang".

Theo giải trình của cán bộ cấp giấy, vào ngày 18/9, xã Long Định có trường hợp gần sinh con nên đã tới UBND xã xin cấp giấy đi đường để đi khám thai.

Cùng ngày, cán bộ soạn thảo đã lấy mẫu văn bản này có sẵn trong máy tính chỉnh sửa, bổ sung thông tin và trình ký để cấp giấy đi đường cho cụ ông 85 tuổi và người thân đi cùng.

Tuy nhiên, cán bộ soạn thảo không rà soát kỹ, dẫn tới việc lãnh đạo xã ký giấy đi đường cấp cho ông L. và ông T. với mục đích tham gia giao thông là đến bệnh viện khám thai.

Tri Thức Trực Tuyến cho biết, hình ảnh chụp giấy đi đường nói trên sau đó đã lan truyền trên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận.

Lãnh đạo xã Long Định cho biết mục đích cấp giấy đi đường cho người dân tham gia giao thông là đúng. Vậy nhưng, cán bộ soạn thảo văn bản không rà soát kỹ, đã trình lãnh đạo ký, dẫn đến sự nhầm lẫn.

"Công tác phòng, chống dịch tại địa phương cũng có nhiều áp lực. Cán bộ trong lúc làm việc khó tránh khỏi những sai sót nhưng địa phương sẽ họp, có hình thức xử lý, trong đó cũng có trách nhiệm của lãnh đạo vì không kiểm tra kỹ", bà Nguyễn Thị Nga cho hay.

Hà Nội: Phát hiện gần 10 tấn bánh kẹo không rõ nguồn gốc

Thực hiện kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2021, Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh bánh kẹo của nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có chứng nhận an toàn thực phẩm, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân.

Cụ thể, tại cơ sở kinh doanh của Lê Văn Đ (SN: 1990, trú tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai), lực lượng liên ngành phát hiện 47 thùng bánh kẹo do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Tại cơ sở kinh doanh thực phẩm tại số 54 La Phù, Hoài Đức, HN, do bà Lê Thị L (SN 1989, trú tại xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội) làm chủ cơ sở, lực lượng chức năng đã phát hiện, tạm giữ 30 thùng bánh kẹo các loại (1.000 gói) do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Tại một cơ sở kinh doanh tại địa bàn huyện Đan Phượng, phát hiện, thu giữ trên 1000 thùng, khoảng trên 10.000 sản phẩm (bánh kẹo trẻ em, thạch các loại).

Chủ hàng là Lê Hồng S (SN: 1987, trú tại Thọ An, Đan Phượng, Hà Nội) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và hoá đơn chứng từ của lô hàng trên. Bước đầu, Lê Hồng S khai nhận đã thu mua số hàng hóa trên từ các tỉnh biên giới phía Bắc, mục đích phân phối tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Cơ quan chức năng lập biên bản tạm giữ toàn bộ số bánh kẹo để xử lý theo quy định.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật