Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 14/6/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 14/6/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà lên tiếng về vụ thanh tra bộ bị lập biên bản ở Vĩnh Phúc vì đòi chung chi
Thông tin trên báo Dân Trí, bên hành lang Quốc hội chiều 13/6, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, vụ việc đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị công an lập biên bản vì hành vi või vĩnh, đòi “chung chi” cả chục tỷ đồng tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc chiều 12/6 là “rất đáng tiếc” khi Bộ này đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo lực lượng thanh tra trong sạch…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Thanh Niên |
Cụ thể, chia sẻ với báo chí, ông Phạm Hồng Hà cho biết: “Trong những năm qua, Bộ Xây dựng luôn luôn quan tâm, chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra của Bộ trong sạch cũng như nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả thanh tra theo quy định của pháp luật. Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã ban hành quy chế thanh tra Bộ, quy chế làm việc của đoàn thanh tra cũng như quy chế giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Bộ Xây dựng cũng có những chỉ thị để nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ thanh tra”.
Mặc dù Bộ Xây dựng đã ban hành quy chế hoạt động thanh tra Bộ, quy chế làm việc của đoàn thanh tra cũng như quy chế giám sát hoạt động của đoàn thanh tra nhưng vẫn xảy ra sự việc đáng tiếc chiều 12/6, ông Phạm Hồng Hà nhận định: “Rất đáng tiếc khi có sự việc này xảy ra vì chúng tôi đã thực hiện rất nhiều giải pháp như đã nói”.
Tư lệnh ngành Xây dựng cho biết, Bộ đang chỉ đạo thanh tra Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ thêm thông tin về vụ việc.
Thông tin trên báo Thanh Niên, quan điểm của Bộ Xây dựng là chỉ đạo kiên quyết xử lý và không bao che dung túng cho bất kỳ một cá nhân nào vi phạm quy định của pháp luật sau khi có kết luận của cơ quan chức năng.
“Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, thái độ của Bộ Xây dựng là chỉ đạo kiên quyết xử lý và không bao che dung túng cho bất kỳ một cá nhân nào vi phạm quy định của pháp luật”, ông Hà nhấn mạnh, đồng thời khẳng định sẽ theo dõi vụ việc và thông tin tình hình, kết quả xử lý vụ việc cho báo chí.
Cũng theo nguồn tin trên báo Thanh Niên, Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị cơ quan công an lập biên bản vì đòi "chung chi" chục tỷ đồng tại tỉnh Vĩnh Phúc do bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó trưởng phòng Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng, làm Trưởng đoàn.
Liên quan đến vụ việc trên, trưa nay (13/6), Bộ Xây dựng đã có thông cáo báo chí xác nhận đang phối hợp với cơ quan chức năng và theo dõi tình hình xử lý vụ việc.
Thông cáo của Bộ Xây dựng có đoạn: “Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng để theo dõi, nắm bắt tình hình. Sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, Bộ Xây dựng kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không bao che những cá nhân để xảy ra vi phạm. Bộ Xây dựng sẽ cung cấp thông tin kịp thời về kết quả xử lý vụ việc trên đến các cơ quan thông tấn báo chí".
Tuy nhiên, trong nội dung thông cáo của Bộ không nêu rõ danh tính, chức vụ của Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng cũng như thành phần đoàn tham gia công tác thanh tra tại huyện Vĩnh Tường vừa bị cơ quan công an lập biên bản ngày 12/6.
Được biết, Đoàn thanh tra thuộc Bộ Xây dựng thanh tra theo kế hoạch định kỳ, nằm trong kế hoạch đầu năm theo QĐ số 1369/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà ký duyệt, không phải thanh tra đột xuất. Nội dung là thanh tra công tác quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Theo kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng, Bộ giao Chánh Thanh tra Bộ chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch thanh tra theo quy định của luật Thanh tra và pháp luật khác có liên quan, định kỳ báo cáo Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ theo quy định.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra công tác quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản tại TP Vĩnh Yên, huyện Tam Đảo và huyện Vĩnh Tường…
Thời gian đoàn thanh tra Bộ Xây dựng thanh tra tại huyện Vĩnh Tường kéo dài gần 1 tháng. Một phó chủ tịch huyện phụ trách lĩnh vực kinh tế, xây dựng được giao nhiệm vụ phối hợp với đoàn.
Theo nguồn tin trên báo Tiền Phong, trước đó, đoàn này đã hoàn tất việc thanh tra công tác quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản tại TP Vĩnh Yên, khi đang thực hiện thanh tra tại huyện Vĩnh Tường thì có việc lập biên bản vào ngày 12/6.
Đình chỉ công tác Tổng giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng
Theo nguồn tin trên báo Tuổi Trẻ, chiều ngày 12/6, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ công tác tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI) đối với ông Lê Tấn Hùng, theo chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM.
Quyết định do Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm ký nêu rõ: "Đình chỉ công tác đối với ông Lê Tấn Hùng, thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên, đã có các sai phạm được Thanh tra TP, Kiểm toán Nhà nước và Chủ tịch UBND TP kết luận đã thể hiện vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành Tổng công ty".
Ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI). Ảnh: VTC News |
Ông Lê Tấn Hùng không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành Tổng công ty.
Trước đó, ngày 21/2/2019, Thanh tra TP ban hành kết luận thanh tra số 05 về thanh tra chỉ ra nhiều thiếu sót, sai phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án tại SAGRI.
Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2018 gửi Quốc hội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước, trong đó có sai phạm về đất đai và tài chính của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri)…
Đối với việc sử dụng vốn vay sai mục đích, KTNN nêu cụ thể Sagri có 4 hợp đồng vay 11 triệu Euro và 150 tỷ đồng mục đích vay là bổ sung vốn lưu động nhưng lại chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn.
Cụ thể, Sagri ký vay 3 hợp đồng ngoại tệ với Ngân hàng Shinhan Bank Viet Nam với số tiền là 11,3 triệu Euro, quy đổi thành VNĐ là 274, 727 tỷ đồng. Mục đích vay tại các hợp đồng này là bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Sagri đem đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khác.
Do đó, tại thời điểm đáo hạn, vốn gốc phải trả 11,3 triệu Euro quy đổi tiền VNĐ là 299,722 tỷ đồng. Kết luận của Thanh tra TP.HCM sau đó khẳng định khẳng định chênh lệch tỷ giá đối với vốn gốc phải trả ngân hàng là 24,995 tỷ đồng.
Mặc dù có một lượng lớn tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng nên Tổng công ty này đi vay tiền để bổ sung vốn lưu động là không cần thiết, làm phát sinh chi phí lãi vay, lỗ do chênh lệch tỷ giá, giảm hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước.
Về quản lý và sử dụng đất đai, hàng nghìn ha đất do Sagri quản lý đã lần lượt bị “chia năm xẻ bảy”, sử dụng sai mục đích.
Cụ thể, năm 2016, Tập đoàn Trung Thuỷ và Sagri ký hợp đồng hợp tác và thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Agri với vốn điều lệ ban đầu là 164 tỷ đồng, trong đó Sagri đóng góp 36% vốn điều lệ (tương đương 59 tỷ đồng) và Tập đoàn Trung Thuỷ đóng 64% (tương đương 104 tỷ đồng). Pháp nhân mới này ra đời để thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp có quy mô 650 ha tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi trên khu đất của Công ty Bò sữa.
Việc bàn giao đất cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Agri để hợp tác sản xuất nông nghiệp khi chưa được UBND TP.HCM chấp thuận giao đất, chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất là vi phạm quy định tại Điều 2, Quyết định công nhận quyền sử dụng đất số 5039, bởi Sagri "không được chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào”.
Riêng đối với trường hợp ông Lê Tấn Hùng- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI), thông tin trên VTC News, kết luận của Thanh tra thành phố chỉ ra 2 sai phạm của ông Lê Tấn Hùng về quản lý đất đai và điều hành Sagri. Trong đó, sai phạm liên quan đất đai đã xảy ra từ 2 nhiệm kỳ trước, còn sai phạm trong quản lý điều hành thuộc về ông Lê Tấn Hùng.
Bên cạnh đó, ông Lê Tấn Hùng và bà Nguyễn Thị Thúy - kế toán trưởng - có liên quan trực tiếp đến việc ký khống, chi khống hơn 13 tỉ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động học tập nước ngoài.
UBND TP.HCM đã có quyết định kỷ luật ông Hùng bằng hình thức khiển trách, sau đó nâng lên cảnh cáo vì bị xác định vi phạm nguyên tắc kế toán được quy định tại Khoản 4 Điều 6 Luật Kế toán năm 2003.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Quốc Khánh giữ chức Chủ tịch tỉnh
Theo thông tin trên báo Dân trí, HĐND tỉnh Sơn La đã tiến hành miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đối với ông Cầm Ngọc Minh. Ông Minh nghỉ hưu theo chế độ.
Ngày 12/6, Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức kỳ họp thứ 8 bầu Chủ tịch UBND tỉnh. Kết quả có 67/67 phiếu đại biểu HĐND tỉnh đồng ý bầu ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, đạt 94,36% (có 4 đại biểu vắng mặt có lý do).
Thông tin trên Người Đồng Hành, ông Hoàng Quốc Khánh sinh ngày 2/9/1969, dân tộc Thái, quê xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Tân Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là Tiến sĩ Kinh tế; trình độ lý luận chính trị cao cấp.
Từ tháng 8/1988 đến tháng 7/2003, ông Khánh từng học tập và nghiên cứu tại Liên bang Nga. Trước khi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Khánh từng công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Sơn La và giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên; Bí thư Huyện ủy Phù Yên; Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Sơn La; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La và Phó Bí thư Tỉnh ủy.
TP HCM: Phân chia lại lĩnh vực phụ trách của thường trực UBND
Thông tin trên Pháp luật TP HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký quyết định về việc điều chỉnh phân công công tác Thường trực lãnh đạo UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021 sau khi có thêm 2 Phó chủ tịch.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến. Ảnh: Pháp luật TP HCM |
Theo nội dung quyết định này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của UBND thành phố; lãnh đạo các ủy viên UBND thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc UBND thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện; theo dõi chỉ đạo chung các quận 1, 3, 10 và huyện Cần Giờ.
Ông Phong cũng chịu trách nhiệm tổ chức bộ máy - cán bộ; an ninh, nội chính; công tác thanh tra; xét duyệt các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố...
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến không còn phụ trách mảng đô thị nữa mà sẽ giúp Chủ tịch UBND TP phụ trách công tác cải cách hành chính, kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Ông Tuyến cũng trực tiếp phụ trách các lĩnh vực: tài chính - ngân sách; ngân hàng; quản lý công sản; thương mại, dịch vụ; du lịch; những vấn đề chung về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; xét duyệt các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực và đơn vị phụ trách… Trực tiếp chỉ đạo các đề án, chương trình, công trình: Chương trình cải cách hành chính; Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Chương trình phát triển bán buôn, bán lẻ; Chương trình kích cầu đầu tư; Đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế… Trực tiếp chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Du lịch, các Công ty Kiểm toán thuộc TP; phối hợp chỉ đạo Cục thuế, Cục Hải quan TP, Kho bạc Nhà nước TP, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP, Sở Giao dịch Chứng khoán TP, các Công ty bảo hiểm trên địa bàn.
Ông Tuyến cũng theo dõi, chỉ đạo chung quận 4, 11, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn. Ông cũng được giao tạm thời phụ trách lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
Mảng đô thị trước do ông Lê Vĩnh Tuyến phụ trách nay do ông Võ Văn Hoan- tân Phó Chủ tịch UBND TP đảm nhận.
Cụ thể, theo thông tin trên TheLEADER, ông Võ Văn Hoan phụ trách các lĩnh vực: quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị; xây dựng; quản lý đất đai - tài nguyên và môi trường; giao thông, vận tải; cấp, thoát nước; quản lý nhà; xét duyệt các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực và đơn vị phụ trách.
Ông Hoan trực tiếp chỉ đạo chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị; chương trình giảm ngập nước; chương trình giảm ô nhiễm môi trường; chương trình nhà ở…
Ông Hoan chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông… phối hợp chỉ đạo các ga đường sắt quốc gia, các cảng sông, cảng biển, cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Theo dõi quận 2, 6, 9 và Thủ Đức...
TP HCM có sự điều chỉnh về nhân sự là do trước đó, Phó chủ tịch Lê Văn Khoa (phụ trách lĩnh vực đô thị) xin từ chức vì lý do sức khỏe và bà Nguyễn Thị Thu (phụ trách lĩnh vực văn - xã) qua đời vì bệnh nặng nên Thường trực UBND thành phố thiếu nhân sự. Vì vậy lĩnh vực theo dõi cũng thay đổi để đảm bảo công việc không bị đình trệ.
HĐND thành phố cũng đã bầu bổ sung 2 Phó chủ tịch là ông Võ Văn Hoan và Ngô Minh Châu, Thường trực UBND TP.HCM hiện có Chủ tịch Nguyễn Thành Phong và 4 Phó chủ tịch, vẫn thiếu một Phó chủ tịch so với quy định cho phép.
Vụ phát hiện hơn 300 thi thể thai nhi ở nhà máy rác Cà Mau: Bộ Y tế vào cuộc
Liên quan đến việc phát hiện hơn 300 thi thể thai nhi ở Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau (Cà Mau) trong vòng 7 năm (2012-2019), do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý làm chủ đầu tư, chiều tối 13/6, nguồn tin báo Giao thông cho biết, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) vừa có đề nghị Sở Y tế tỉnh Cà Mau phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh thông tin nêu trên.
Một vị trí được cho là nơi chôn cất thi thể thai nhi bên trong khuôn viên Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau. Ảnh: Giao Thông |
Đồng thời, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em còn đề nghị Sở Y tế tỉnh Cà Mau kiểm tra việc thực hiện các quy định hiện hành về xử lý chất thải y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh (bao gồm cả trong và ngoài công lập) có cung cấp dịch vụ phá thai trên địa bàn toàn tỉnh.
Như đã đưa tin về thông tin vụ việc, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau) có tờ trình UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ chi phí chôn cất cho thai nhi, đồng thời kiểm tra, kiểm soát rác từ đầu nguồn để giảm thiểu việc thai nhi theo xe rác vào nhà máy.
Cụ thể, báo Thanh Niên dẫn nội dung tờ trình, Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau phát hiện nhiều xác thai nhi khi xử lý rác thải. Trong đó, tính từ khi đi vào hoạt động (năm 2012) đến nay, nhà máy rác đã phát hiện hơn 300 xác thai nhi.
Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý cho biết nhà máy đã phải thực hiện chôn các xác thai nhi trên trong khuôn viên nhà máy, đến nay quỹ đất đầy, không còn chỗ chôn cất; mà hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí.
Trong quá trình kiểm tra bước đầu vào ngày 25 - 26/4/2019, tổ công tác của TP.Cà Mau phát hiện có 9 hũ sành được cho là đựng thi thể thai nhi. Ngoài ra, tổ công tác cũng kiểm tra nhiều vị trí khác nhưng không phát hiện gì.
Ngay sau khi có kết quả xác minh bước đầu, UBND TP.Cà Mau đã có báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, giám định mẫu vật bên trong các hũ sành chứa gì, nếu đúng là thi thể thai nhi thì tiếp tục mở rộng tìm kiếm. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Y tế thành lập tổ công tác kiểm tra mẫu vật phát hiện được.