WHO ấn tượng với tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 tại Việt Nam
Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, Tiến sĩ Takeshi Kasai - Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, nhằm củng cố những hỗ trợ của WHO với Chính phủ Việt Nam trong công tác đáp ứng với đại dịch COVID-19 và tăng cường hệ thống y tế.
Takeshi Kasai - Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương có cuộc gặp mặt với Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vào chiều 10/1. (Ảnh: WHO)
Thông tin trên VOV, tại cuộc gặp Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Tiến sẽ Kasai đánh giá cao tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19, cũng như những nỗ lực đến cuối cùng để tiêm chủng cho những người dễ tổn thương và ở các khu vực khó khăn, khó tiếp cận tại Việt Nam.
Tới nay, đã có hơn 92% dân số trên 18 tuổi tại Việt Nam được tiêm đủ liều vaccine COVID-19 cơ bản. Hiện tại, Việt Nam đang tiếp tục chiến dịch tiêm chủng để bao phủ 100% dân số, và đảm bảo tiêm chủng các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Theo thống kê mới nhất đến ngày 11/1, Việt Nam đã thực hiện tiêm tổng số 163.533.682 liều vaccine COVID-19, trong đó tiêm mũi 1 là 78.413.199 liều, tiêm mũi 2 là 71.510.069 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 13.610.414 liều.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịp Tết
TTXVN thông tin, Bộ trưởng bộ Y tế vừa ký ban hành Chỉ thị 01/CT-BYT về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022.
Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc bộ Y tế, Giám đốc sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị y tế các ngành xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022; tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron.
Các đơn vị y tế phân công trực 24/24 giờ hợp lý, khoa học, hiệu quả; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định. Phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh; nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường ngay sau kỳ nghỉ Tết. Quan tâm, tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên đối với các cán bộ y tế công tác tại đơn vị.
Nhân viên y tế làm công tác phòng chống dịch. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Chỉ thị yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán 2022. Chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các khu vực đông dân cư, đô thị lớn, khu công nghiệp; các thời điểm người dân, công nhân di chuyển về quê, trở lại thành phố lao động, sản xuất; giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus, không để lây lan ra cộng đồng.
Các địa phương chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an, nhất là tại tuyến cơ sở để thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao để có phương án đáp ứng, hỗ trợ kịp thời; tổ chức tiêm vét vaccine phòng COVID-19; bảo đảm thực hiện nghiêm việc cách ly tại nơi cư trú, tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Các tỉnh cần chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn; Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị, cơ sở vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định...
Lên kịch bản ứng phó với biến chủng mới Omicron lên tới 10.000 ca bệnh/ngày
Tiền phong cho hay, ngày 13/1, đại diện sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng, chống biến thể Omicron trên địa bàn để kịp thời ứng phó trong bối cảnh ngày Tết cận kề, người dân đi lại nhiều.
Cụ thể, ngành y tế Bình Dương chuẩn bị sẵn sàng các khu điều trị theo mô hình tháp 3 tầng như trước đây, đáp ứng theo từng tình huống dịch từ 4.000 - 5.000 ca bệnh/ngày tăng lên 8.000 - 10.000 ca/ngày và có thể đạt trên 10.000 ca bệnh/ngày.
Theo phương án đưa ra, nếu trường hợp dưới 10.000 ca bệnh/ngày, thời gian điều trị trung bình 10 ngày, ngành y tế Bình Dương chuẩn bị dưới 100.000 giường bệnh, trong đó 95% giường bệnh dành cho các trường hợp nhẹ, không triệu chứng tương ứng với 95.000 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú; 4% giường bệnh (4.000 giường) dành cho bệnh nhân tầng 2 tại các huyện, thị, thành phố và 1% giường cho các bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện tầng 3.
Đối với điều trị 3 tầng, ở tầng cấp cứu bệnh nhân nặng và nguy kịch sẽ bố trí tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và bệnh viện Quốc tế Becamex. Trong trường hợp tình huống xấu nhất, số ca bệnh trên 10.000 ca/ngày sẽ quá khả năng đáp ứng của ngành y tế, Bình Dương sẽ đề xuất giãn cách xã hội, tập trung điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 (kể cả ICU) tại các huyện, thị, thành phố và 2 bệnh viện tầng 3.
Việt Hương (T/h)