Tin tức trên báo Công an nhân dân, mới đây, trước sự chứng kiến của Công an thị trấn Đức An, huyện Đắk Song (Đắk Nông), em Nguyễn Lê Hoàng và Trần Xuân Anh là học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, thị trấn Đức An đã trả lại hơn 10 triệu đồng cho anh Nguyễn Văn Tuất (SN 1970, thị trấn Đức An).
Trước đó, chiều 11/1, em Nguyễn Lê Hoàng và Trần Xuân Anh nhặt được số tiền trên tại khu vực tổ dân phố 2, thị trấn Đức An. Hai em đã đến Công an thị trấn Đức An trình báo sự việc.
Em Nguyễn Lê Hoàng và Trần Xuân Anh trả lại tài sản cho người đánh rơi. (Ảnh: CAND)
Công an đã tiến hành xác minh, tìm chủ sở hữu để trao trả lại cho người bị mất. Công an xác định hơn 10 triệu đồng này là của anh Nguyễn Văn Tuấn.
Sáng 14/1, Công an thị trấn Đức An đã mời anh Nguyễn Văn Tuất lên trụ sở để nhận lại tài sản. Anh Tuất đã vô cùng cảm kích trước hành động của em Nguyễn Lê Hoàng và Trần Xuân Anh.
Chiều 15/1, anh P.D. - người dân làm du lịch ở TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cho biết trên báo Tuổi trẻ, vào khoảng 10h sáng cùng ngày, bạn của anh D. đi chơi ở hòn Thầy Bói (xã Gành Dầu) thì phát hiện một đàn cá heo rất đông bơi chậm rãi, nô đùa trên mặt biển.
Cảnh tượng thú vị của đàn cá heo trên đã thu hút bạn của anh D. và nhiều du khách xem rồi dùng điện thoại chụp ảnh, quay lại những thước phim ngắn làm kỷ niệm.
Du khách quay lại khoảnh khắc đàn cá heo xuất hiện ở khu vực vùng biển xã Gành Dầu (TP.Phú Quốc). Ảnh: Tuổi trẻ
Trên cộng đồng Facebook Phú Quốc ngày 15/1 có đăng tải chia sẻ đoạn clip ngắn khoảng 30 giây ghi lại đàn cá heo (ước hơn 10 con) bơi lội chậm rãi, ấn tượng. Video đàn cá heo trên nhanh chóng thu hút nhiều người xem và bình luận.
Theo tin tức trên Thanh niên, các nhà khoa học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội cùng một số nhà khoa học ở các đơn vị khác vừa công bố việc phát hiện một loài ốc cạn mới cho khoa học.
Mẫu vật đã được phát hiện tại vị trí Hố Sụt 1 của hang động Sơn Đoòng, thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bảng, tỉnh Quảng Bình. Loài ốc cạn mới này được nhóm nghiên cứu đặt tên Việt Nam là ốc nón Sơn Đoòng.
Hình ảnh mẫu chuẩn của loài Calybium plicatus. (Ảnh: Thanh niên)
Loài ốc mới được đặt tên khoa học là Calybium plicatus sp. nov, dựa trên đặc điểm có các gờ xuất hiện trên cạnh đỉnh trong miệng vỏ (theo tiếng Latin thì plicatus nghĩa là gờ, nếp gấp). Đây là loài thứ hai thuộc giống (chi) ốc cạn Calybium Morlet, 1892 (Gastropoda: Helicinidae) được phát hiện trên thế giới, đồng thời cũng là lần đầu tiên ghi nhận giống ốc cạn này cho khu hệ động vật Việt Nam.
Theo nhóm nhà khoa học, phát hiện loài ốc cạn mới này càng khẳng định Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới, đặc biệt là ở hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi và hang động.