Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 15/3/2019: Người đàn ông bị phạt 2 triệu đồng vì lấy 2 vợ ở Đắk Lắk

(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 15/3/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 15/3/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 15/3/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 15/3/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bộ Ngoại giao lên tiếng khi Malaysia không trả tự do cho Đoàn Thị Hương

Chiều 14/3, tại Hà Nội, trong phiên họp báo thường kỳ của bộ Ngoại giao, các phóng viên đã đặt câu hỏi cho phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng về phản ứng của Việt Nam khi tòa án Malaysia nay đã từ chối hủy truy tố đối với công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương, trong nghi án ám sát công dân Triều Tiên đang được xét xử.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

“Trong những ngày qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp bảo hộ công dân, đảm bảo công bằng, quyền và lợi ích hợp pháp cho Đoàn Thị Hương. Chiều ngày 12/3/2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah; tiếp đó, ngày 13/3, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng có thư gửi Tổng Chưởng lý Malaysia Tommy Thomas; ngày 14/3/2019, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã gặp Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Zamruni Khalid, đề nghị phía Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, khách quan, trả tự do cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương”, bà Hằng khẳng định.

Theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã thăm lãnh sự đối với Đoàn Thị Hương ngay sau phiên tòa ngày 11/3. Tại phiên tòa sáng nay, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh cũng trực tiếp tham dự phiên tòa để kịp thời hỗ trợ công dân Đoàn Thị Hương khi cần thiết. Đại sứ Lê Quý Quỳnh đã gặp và thăm hỏi, động viên Đoàn Thị Hương ngay sau khi kết thúc phiên tòa.

“Cần phải nói thêm rằng, ngay từ khi vụ việc xảy ra, bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp xúc với công dân Đoàn Thị Hương và gia đình, giải thích, hỗ trợ pháp lý, tìm luật sư, tìm kiếm nhân chứng theo đúng quy định của pháp luật sở tại và thông lệ quốc tế. Đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thường xuyên tiếp xúc với Đoàn Thị Hương và có mặt tại các phiên tòa, sẵn sàng hỗ trợ Đoàn Thị Hương khi cần thiết. Việt Nam cũng nhiều lần nêu vụ việc trong trao đổi các cấp kể cả cấp cao với Malaysia, đề nghị phía Malaysia xét xử công bằng, đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương”, bà Hằng nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp kêu gọi người dân không quay lưng với thịt lợn

Chiều 14/3, tại cuộc họp khẩn với các tỉnh phía Bắc bàn giải pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, dù thực hiện động bộ các giải pháp, nhưng đến nay ASF đã lan ra hơn 220 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành. Tổng số lợn tiêu hủy đã lên đến 23.500 con.

Bộ trưởng Cường yêu cầu các địa phương phải tập trung đồng bộ các giải pháp theo chỉ thị 04 của Thủ tướng, và các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, và bám sát thực tiễn để đưa ra giải pháp khống chế dịch phù hợp.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kêu gọi người không quay lưng với thịt lợn. Ảnh: Tiền Phong

Theo Bộ trưởng, cần tập trung xử lý an toàn sinh học trong chăn nuôi, xử lý môi trường triệt để ngay từ hộ chăn nuôi, cứ hộ chăn nuôi lợn là rắc vôi bột triệt để. Cách làm này vừa không tốn tiền, vừa hiệu quả. Nếu xử lý vôi bột mỗi năm 2-3 lần thì chuồng trại chăn nuôi rất an toàn. Thức ăn thừa cần xử nấu chín để bảo vệ đàn lợn.

Đối với nhóm trang trại lớn, ông Cường đề nghị lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo, đôn đốc qua điện thoại, bằng mọi kênh, đừng đi đến trực tiếp chuồng trại, tránh để dịch bệnh lây lan.

Bộ trưởng Cường cũng lưu ý, kiểm soát chặt quá trình luân chuyển, từ nhân lực, mẫu phân tích, đặc biệt lưu ý các chốt chặn từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ vùng này sang vùng khác. Nhất là trục đường quốc lộ 1 phải khóa thật chặt.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng kêu gọi người dân không quay lưng với thịt lợn, mà sử dụng bình thường, bởi tất cả các ổ dịch bùng phát, đã tiêu hủy, khoanh vùng và khống chế ngay rồi.

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Cường giao Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, xây dựng kế hoạch để chuẩn bị 3 bộ: NN&PTNT, Y Tế, KH&CN, cùng với Tổ chứ Thú y Thế giới (OIE), Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO)... và các tập đoàn chăn nuôi lớn, các chuyên gia khoa học bàn giải pháp chăn nuôi bền vững, xây dựng đề án sản xuất vaccine với dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời cần nghiên cứu chuyên sâu các véc-tơ gây bệnh của dịch bệnh này, không chờ để “ăn sẵn”.

Người đàn ông bị phạt 2 triệu đồng vì lấy 2 vợ ở Đắk Lắk

Ngày 14/3, thông tin từ UBND phường Tân Lập (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.H.T (SN 1987, trú phường Tân Lập).

Theo nội dung quyết định, ông T. bị xử phạt hành chính vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Trụ sở UBND phường Tân Lập nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Báo Bảo vệ Pháp luật

Ông N.H.T được xác định đang có vợ mà vẫn đăng ký kết hôn với người phụ nữ khác. Ông T. bị xử phạt số tiền 2 triệu đồng.

Được biết, UBND phường Tân Lập cũng đã hướng dẫn bà Đ.T.L. (SN 1987, trú thị xã Buôn Hồ) gửi đơn đến Tòa án TP.Buôn Ma Thuột để tuyên hủy giấy đăng ký kết hôn trái luật giữa bà với ông N.H.T.

Liên quan đến sự việc này, UBND TP.Buôn Ma Thuột đã có văn bản chỉ đạo phường tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xem xét xử lý các cá nhân có liên quan trong tham mưu đăng ký hộ tịch và buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm.

Trước đó, bà L. có đơn thư phản ánh gửi đến các cơ quan chức năng. Nội dung đơn thư cho thấy, bà và ông T. kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện, có tổ chức lễ cưới theo phong tục, đăng ký kết hôn tại UBND phường Tân Lập vào ngày 4/4/2014.

Tuy nhiên, sau khi có với nhau một người con 2 tuổi, bà L. phát hiện ông T. đang chung sống với một phụ nữ khác là N.T.V.A. Qua tìm hiểu, bà L. biết được UBND phường Tân Lập đã cấp giấy chứng nhận kết hôn cho ông T. và bà A. vào ngày 23/12/2013.

Phát hiện thi thể người phụ nữ dưới mương nước

Theo thông tin ban đầu, khoảng 8h ngày 14/3 tại ngã ba Bến Tượng thuộc xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, người dân đi qua đường thì hoảng hồn phát hiện một người phụ nữ nằm dưới mương nước, bên cạnh là một chiếc xe máy.

Tiến lại gần kiểm tra, người dân bàng hoàng phát hiện nạn nhân đã chết nên vội vàng báo cơ quan chức năng.

Hiện trường nơi phát hiện thi thể người phụ nữ. Ảnh: VTC News

Nhận tin báo, công an huyện Bàu Bàng nhanh chóng có mặt khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng, đồng thời điều tra nguyên nhân ban đầu dẫn đến cái chết của nạn nhân.

Hiện nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng tích cực điều tra, làm rõ.

Trước đó, sáng sớm ngày 8/3, một số người dân xóm 4, xã Thịnh Sơn (Đô Lương, Nghệ An) trong lúc đi làm đồng thì bất ngờ phát hiện một thi thể nam thanh niên ở dưới mương nước, bên cạnh một chiếc xe máy màu trắng.

Tại hiện trường, chiếc xe máy nằm ngang dưới mương nước, thi thể chìm hẳn dưới nước. Cách bờ mương nước khoảng 1m có một chiếc mũ bảo hiểm màu đen. Thông tin ngay sau đó được người dân báo lên chính quyền địa phương.

Nhận được tin báo, Ban công an xã Thịnh Sơn nhanh chóng có mặt bảo vệ hiện trường, đồng thời báo sự việc lên Công an huyện Đô Lương để xử lý.

Danh tính nạn nhân xấu số sau đó được xác định là anh P.T.G, sinh năm 1998, trú tại xã Thái Sơn, huyện Đô Lương.

Nguyễn Phượng  (T/h)

Tin nổi bật