Nga phá hủy kho chứa 45.000 tấn đạn ở Ukraine
Tiêm kích Nga. Ảnh minh họa
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố ngày 8/8: “Tại khu vực Voznesensk thuộc Mykolaiv, một kho vũ khí chứa 45.000 tấn đạn dược mà các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine gần đây đã bị phá hủy", đồng thời cho biết thêm rằng lực lượng Nga đã phá hủy 5 kho đạn khác.
Cùng lúc, quân đội Nga đã tiến hành tấn công các điểm triển khai của Lữ đoàn cơ giới số 72 (Ukraine) tại thành phố Artemovsk (thuộc Donetsk), loại bỏ 130 binh sĩ cùng 8 xe vận tải và xe bọc thép.
Lực lượng Nga đã sử dụng các tên lửa phóng từ máy bay với độ chính xác cao để tấn công một khẩu đội lựu pháo của Lữ đoàn Tấn công đường không số 95 (Ukraine) ở làng Dzerzhinsk thuộc Donetsk. Vụ tấn công khiến 70 binh sĩ thiệt mạng, 3 pháo tự hành 2S1 Gvozdika và 4 phương tiện bị phá hủy.
Căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công dữ dội bằng 20 quả rocket
Trang AVP đưa tin ngày 7/8, 20 quả rocket đã được bắn vào căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Afrin. Một số căn cứ thuộc lực lượng uỷ nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ ở những nơi khác cũng bị tấn công.
Được biết, cuộc tấn công vào các vị trí của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ do lực lượng người Kurd thực hiện. Theo ấn phẩm Mạng lưới Rojava của người Kurd, các cuộc tấn công được thực hiện bằng hệ thống pháo phản lực bắn loạt.
Cũng trong ngày 7/8, một căn cứ lớn của Thổ Nhĩ Kỳ ở gần thị trấn Kaljibrin thuộc vùng nông thôn phía bắc Aleppo bị tấn công.
Đạn pháo được bắn từ khu vực gần đó do Lực lượng Dân chủ Syria kiểm soát. Một số quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã bị thương hoặc thiệt mạng do hậu quả của cuộc tấn công. Kho đạn chính của căn cứ cũng đã phát nổ.
Mỹ chuyển giao ‘lá chắn thép’ Patriot cho Saudi Arabia
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Ảnh: Reuters
Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua thương vụ bán tên lửa Patriot và các thiết bị liên quan cho Saudi Arabia theo một thỏa thuận trị giá lên tới 3,05 tỷ USD.
Theo đó, Saudi Arabia sẽ mua một số hệ thống tên lửa Patriot MIM-104E, có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm xa, cũng như máy bay chiến đấu.
Được đưa vào phục vụ trong quân đội Mỹ từ cuối năm 1981, hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo PAC (Patriot Advanced Capability, gọi tắt là Patriot) là một trong những vũ khí tân tiến của Mỹ. Đặc điểm nổi bật của hệ thống phòng không Patriot là khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu từ trên không, bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Mộc Miên (T/h)