Mỹ sẽ không viện trợ cho Ukraine nhiều như ban đầu?
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine… Chừng nào có thể. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi tiếp tục viện trợ quân sư cho họ với mức tương tự mà chúng tôi đã làm trong năm 2022 và 2023", báo Dân trí dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller mới đây cho biết.
Ông Miller giải thích, Washington muốn giúp Ukraine "tự đứng trên đôi chân của mình" và phát triển ngành công nghiệp quân sự để có thể độc lập về tài chính, tự sản xuất và mua vũ khí mà không cần viện trợ từ bên ngoài với mức như trước kia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller. Ảnh: Getty Images
Mặt khác, ông Miller nhấn mạnh, hiện tại Ukraine vẫn cần viện trợ và đó là lý do tại sao quốc hội Mỹ cần nhanh chóng thông qua gói viện trợ bổ sung cho Kiev. "Giờ chưa đến lúc Ukraine có thể tự bảo vệ mình", ông Miller nói.
Trong một diễn biến liên quan, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby cho biết, Mỹ coi việc tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine là ưu tiên hàng đầu trong các gói viện trợ quân sự trong thời gian tới.
Washington cho rằng, hệ thống phòng không hiệu quả sẽ giúp Ukraine đối phó các cuộc tập kích quy mô lớn của Nga
Những ngày gần đây, Moscow bắt đầu nối lại chiến dịch tập kích quy mô lớn bằng nhiều loại vũ khí khác nhau bao gồm cả tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái. Chiến thuật của Nga được cho là nhằm khiến Ukraine cạn kiệt nguồn lực tên lửa phòng không trong bối cảnh phương Tây bớt mặn mà viện trợ cho Kiev.
Hezbollah dọa đáp trả Israel sau vụ phó thủ lĩnh Hamas bị hạ sát
“Chắc chắn sẽ có phản ứng. Chúng tôi không thể im lặng trước sự xâm phạm ở mức độ này, bởi điều đó đồng nghĩa toàn bộ Lebanon bị đặt vào thế nguy hiểm", VnExpress dẫn lời ông Hassan Nasrallah - thủ lĩnh lực lượng Hezbollah, phát biểu trên truyền hình hôm nay.
Ông Nasrallah nhắc đến vụ tập kích hạ sát phó thủ lĩnh Hamas Saleh al-Arouri, được cho là do quân đội Israel thực hiện, hôm 2/1 ở ngoại ô Beirut, Lebanon. Al-Arouri là quan chức Hamas cấp cao nhất thiệt mạng và là lần đầu tiên thủ đô Beirut bị tập kích từ khi chiến sự Israel - Hamas nổ ra ngày 7/10/2023.
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah phát biểu trên truyền hình Lebanon ngày 5/1. Ảnh: AFP
"Quyết định đã được đưa ra... Các thành viên ở khu vực biên giới đang đáp trả lại sự xâm phạm nguy hiểm vào vùng ngoại ô", ông Nasrallah cho biết thêm.
Đây là lần thứ hai thủ lĩnh Hezbollah lên tiếng sau vụ hạ sát al-Arouri. Trong bài phát biểu ngày 3/1, ông Nasrallah cảnh báo Israel về việc gây chiến với Lebanon, dọa nhóm sẽ đáp trả "không giới hạn" nhằm vào Tel Aviv. Phát ngôn viên Daniel Hagari ngày 2/1 nói quân đội Israel "đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống" phát sinh liên quan.
Lebanon ngày 4/1 đệ đơn lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, gọi vụ hạ sát al-Arouri là "giai đoạn nguy hiểm nhất" trong các đợt tập kích của Israel vào nước này. Giới chức Lebanon cho biết Israel đã dùng 6 tên lửa trong vụ hạ sát và còn sử dụng không phận Lebanon để tập kích mục tiêu ở Syria.
Được hình thành đầu thập niên 1980, Hezbollah là một phần của "trục kháng chiến" do Iran dẫn dắt để đối phó Israel ở Trung Đông, trong đó Hamas là một thành viên. Hezbollah hiện kiểm soát một phần thủ đô Beirut và miền nam Lebanon. Tổ chức này có đại diện chính trị, giữ ghế trong nghị viện Lebanon.
Sau khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, Hezbollah và một số nhóm vũ trang ở miền nam Lebanon tập kích Israel bằng tên lửa, rocket hoặc UAV gần như mỗi ngày, nhằm thể hiện sự ủng hộ với Hamas. Tuy nhiên, Hezbollah chưa phát động chiến dịch quy mô lớn vào lãnh thổ Israel.
Ông Nasrallah ngày 5/1 cho biết Hezbollah đã mở khoảng 670 chiến dịch, nhằm vào 48 vị trí của Israel ở biên giới và 11 cứ điểm hậu phương, phá hủy "lượng lớn" xe tăng và phương tiện quân sự của đối thủ.
Phương Uyên (T/h)