Nga đưa tăng T-14 Armata tới chiến trường Ukraine
Xe tăng T-14 Armata. Ảnh: AP
Lực lượng vũ trang Nga đã bắt đầu sử dụng xe tăng T-14 Armata tối tân để tấn công các cứ điểm của Ukraine, truyền thông Nga dẫn các nguồn thạo tin cho biết.
“Quân đội Nga bắt đầu sử dụng xe tăng Armata tối tân để bắn vào các cứ điểm của Ukraine. Những xe tăng loại này vẫn chưa tham gia vào các chiến dịch tấn công trực tiếp", trích dẫn nguồn tin lưu ý.
Theo đó, xe tăng T-14 Armata tham gia trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine được trang bị thêm vỏ giáp bảo vệ thân xe để đối phó với đạn chống tăng.
Ukraine thừa nhận dùng Patriot đánh chặn tên lửa S-300 là không thực tế
Hệ thống patriot. Ảnh: Reuters
Ông Yuriy Ihnat, Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine, xác nhận, tổ hợp Patriot đầu tiên đã được triển khai tại Ukraine và bắt đầu hoạt động cách đây vài ngày. Một số tổ hợp khác đang trên đường đến các địa điểm được chỉ định.
Khi được hỏi về khả năng Patriot đánh chặn tên lửa S-300 mà Nga nhắm vào Kharkiv hôm 22/4, ông Ihnat xác nhận “lá chắn thép” của Mỹ có thể bắn hạ tên lửa của Moscow. Tuy nhiên, thách thức đối với việc bắn hạ tên lửa S-300 bằng hệ thống Patriot không phải là chi phí mà là số lượng tên lửa khổng lồ mà quân đội Nga sở hữu.
Ông Vijainder K Thakur, một chuyên gia quốc phòng Ấn Độ theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nhận định: “Xét đến đầu đạn tương đối nhỏ và độ chính xác hạn hế, việc cố gắng bắn hạ tên lửa S-300 bằng tên lửa của Patriot là vô nghĩa. Tên lửa S-300 không bao giờ được sử dụng để tấn công các mục tiêu có tầm quan trọng chiến lược”.
Phần Lan tăng vọt chi tiêu quân sự khi gia nhập NATO
Quân đội Phần Lan. Ảnh minh họa
Sputnik đưa tin, sau khi chính thức gia nhập NATO vào đầu tháng này, Phần Lan ghi nhận mức tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm cao nhất kể từ năm 1962, đỉnh điểm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Chi tiêu quân sự của quốc gia Bắc Âu đã tăng từ 1,3% lên 2% GDP trong vòng vài năm. Sự gia tăng này xuất phát từ việc Phần Lan ký kết một số thương vụ mua sắm khí tài tốn kém như máy bay phản lực F-35 mới do Mỹ sản xuất.
Theo thoả thuận, Phần Lan mua 64 máy bay chiến đấu F-35 mới từ công ty vũ khí Mỹ Lockheed Martin, trị giá 10 tỷ euro. Đây được coi là khoản chi lớn nhất trong lịch sử của quốc gia Bắc Âu này.
Trong năm 2022, chỉ có Mỹ (3,5% GDP), Ba Lan (2,4%), Estonia (2,3%) và Vương quốc Anh (2,1%) chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn Phần Lan.
Mộc Miên (T/h)