Ukraine lên kế hoạch tuyển quân qua điện thoại
Báo điện tử VTC News dẫn nguồn từ hãng tin RT cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov mới đây tiết lộ nước này đang nghiên cứu một cơ sở dữ liệu duy nhất liệt kê tất cả các tân binh tiềm năng với một hệ thống gửi thông báo nghĩa vụ quân sự kỹ thuật số đã được triển khai.
Bộ trưởng Umerov đưa ra thông tin trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với đài truyền hình Suspilne, được công bố hôm 24/12 (giờ địa phương). Ông cho biết thêm rằng quân đội nước này đã phân tích “khoảng 9” cơ sở dữ liệu do nhiều bộ trưởng duy trì để tạo ra một danh sách thống nhất duy nhất về tất cả những người lính nghĩa vụ tiềm năng mà Ukraine có trong tay.
Bộ Trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov. Ảnh: AFP
“Mọi người chưa không hiểu rõ ai đủ điều kiện, ai là quân nhân, ai là cựu chiến binh. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang nghiên cứu cơ sở dữ liệu về lính nghĩa vụ, về cách rà soát họ”, Bộ trưởng Umerov tuyên bố. Khi được hỏi liệu việc tạo cơ sở dữ liệu có thể dẫn đến việc gửi thông báo nhập ngũ qua điện thoại thông minh hay không, ông Umerov trả lời khẳng định, tiết lộ “các giải pháp kỹ thuật” để thực hiện điều đó đã được triển khai.
Ông Umerov cũng lưu ý rằng cơ chế tuyển quân bắt buộc sẽ áp dụng với ngay cả những người Ukraine đã rời khỏi đất nước trong bối cảnh xung đột với Nga, đồng thời cho rằng những sửa đổi đều nhằm mục đích bình đẳng và công lý. Bộ Quốc phòng Ukraine hiện đang đánh giá “các loại” nhân sự mà họ thực sự cần, bao gồm tất cả nam giới Ukraine trong độ tuổi từ 25 đến 60.
Hiện tại, Bộ này đang tìm cách triệu tập tất cả những người Ukraine trong độ tuổi nhập ngũ đến các văn phòng tuyển dụng chỉ để kiểm tra giấy tờ của họ và sau đó cung cấp cho họ nhiều “biến thể” nghĩa vụ khác nhau. “Trọng tâm không phải là trừng phạt một người mà là tạo cơ hội để giải quyết lo ngại về an ninh cho một quân nhân. Đây là mục tiêu của chúng tôi”, ông Umerov khẳng định.
Nhật Bản lần đầu xuất khẩu vũ khí kể từ Thế chiến II
Theo báo Dân trí, Nhật Bản ngày 22/12 xác nhận đồng ý cung cấp tên lửa Patriot cho Mỹ, đánh dấu lần đầu tiên quốc gia này xuất khẩu vũ khí sát thương kể từ Thế chiến II. Cụ thể, tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm sản xuất tên lửa Patriot theo giấy phép của các nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin.
Một hệ thống tên lửa Patriot. Ảnh: AFP
Động thái của Tokyo được cho là sẽ giúp khôi phục phần nào kho vũ khí của Mỹ đã bị hao hụt đáng kể sau hai năm viện trợ cho Ukraine. Mặc dù những tên lửa này không chuyển thẳng cho Ukraine, nhưng chúng tạo điều kiện để Washington cung cấp thêm tên lửa viện trợ Patriot vốn do Mỹ sản xuất cho Ukraine.
"Khi làm điều này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần bảo vệ một trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên luật pháp, đồng thời đạt được hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết sau cuộc họp nội các cuối tuần trước.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh, thương vụ tên lửa nói trên sẽ giúp tăng cường hơn nữa liên minh Nhật - Mỹ. Quyết định được đưa ra cùng ngày khi nội các Nhật Bản thông qua ngân sách quốc phòng kỷ lục cho năm 2024 là 7,95 nghìn tỷ yên (55,8 tỷ USD), tăng 16% so với năm nay. Dự thảo vẫn cần được sự phê chuẩn của quốc hội Nhật Bản.
Tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Kishida tuyên bố kế hoạch 5 năm xây dựng quân đội. Kế hoạch này có thể đưa Nhật Bản trở thành quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Việc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản có thể mở đường cho các máy bay chiến đấu F-15 và các loại vũ khí khác do các công ty Nhật Bản sản xuất theo giấy phép của Mỹ được bán cho Mỹ, Anh và các đồng minh phương Tây khác.
Phương Uyên (T/h)