Tin tức quân sự mới nóng nhất 24h qua. Cập nhật tin tức quân sự mới nhất ngày 17/4 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Triều Tiên lần đầu công bố hình ảnh tên lửa đối đất hạng nặng
Tên lửa Kh-29L (khoanh đỏ) trong chuyến thị sát của Kim Jong-un hồi tuần trước. Ảnh: KCNA. |
Mới đây, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đã công bố hình ảnh lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm, giám sát đợt diễn tập ở căn cứ không quân Sunchon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Đây là nơi đóng quân của các phi đội tiêm kích MiG-29 và cường kích Su-25, những chiến đấu cơ hiện đại nhất trong biên chế Triều Tiên.
Khu trưng bày vũ khí của cường kích Su-25 có sự hiện diện của tên lửa đối đất dẫn đường bằng laser Kh-29L và Kh-25ML, cùng hệ thống gây nhiễu SPS-141, bệ phóng rocket và cụm pháo SPPU-22.
"Lần đầu tiên có hình ảnh xác nhận Triều Tiên đang biên chế tên lửa đối đất Kh-29L. Cần nhớ rằng đó không phải tên lửa mới, nhiều khả năng họ đã triển khai vũ khí này cùng cường kích Su-25 từ năm 1988, chỉ là phải mất đến 30 năm để chúng ta được tận mắt thấy nó", nhà phân tích quân sự Joseph Dempsey viết trên mạng xã hội Twitter.
Tiêm kích MiG-31 bốc cháy, lao xuống đất
Tiêm kích MiG-31 của Kazakhstan. Ảnh: Kazinform. |
"Sự cố xảy tại căn cứ không quân ở Karaganda khi một động cơ bốc cháy. Tổ lái điều khiển phi cơ đến cánh đồng trống cách xa khu dân cư, bảo đảm không ai bị đe dọa tính mạng rồi mới phóng ghế thoát hiểm theo lệnh. Cả hai phi công đều an toàn", Bộ Quốc phòng Kazakhstan hôm 16/4 ra thông cáo cho biết.
Không quân Kazakhstan đang điều tra nguyên nhân tai nạn.
Kazakhstan là quốc gia duy nhất ngoài Nga biên chế tiêm kích đánh chặn hạng nặng MiG-31. Nước này tiếp nhận 50 chiếc sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, trong đó 40 chiếc được nâng cấp lên chuẩn MiG-31BS. Tuy nhiên, số máy bay đủ khả năng vận hành đã giảm dần sau nhiều năm, đến nay Kazakhstan chỉ còn 21 chiếc có thể chiến đấu.
MiG-31 được biên chế trong không quân Liên Xô từ năm 1981, có nhiệm vụ đánh chặn và tiêu diệt nhiều loại mục tiêu từ khoảng cách xa. Đây là tiêm kích đầu tiên được trang bị radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) trên thế giới, cho phép theo dõi đồng thời 24 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc.
Lính Mỹ nhiễm Covid-19 bị cách ly 49 ngày
Binh sĩ Mỹ chờ đo thân nhiệt người vào căn cứ Humphreys ở Hàn Quốc ngày 27/2. Ảnh: US Army. |
"Binh sĩ này đã hết cách ly sau khi không còn triệu chứng trong hơn 7 ngày, không phải dùng thuốc hạ sốt, vượt qua hai lần xét nghiệm Covid-19 liên tiếp cách nhau ít nhất 24 tiếng với kết quả âm tính", Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cho biết trong thông cáo ngày 16/4.
Lính Mỹ này được các bác sĩ quân y xác nhận không còn nhiễm Covid-19 sau khi bị cách ly suốt 49 ngày. Anh này được chẩn đoán nhiễm nCoV ngày 26/2, sau đó trở về nơi ở bên ngoài căn cứ Carroll, cách thành phố Daegu của Hàn Quốc khoảng 20 km, và chờ chỉ thị từ chỉ huy. Vợ của binh sĩ này cũng nhiễm virus và hồi phục sau đó, nhưng tình trạng người con của họ không được công bố.
USFK phát hiện 22 ca nhiễm trong lực lượng, gồm hai binh sĩ cùng những người phụ thuộc, nhà thầu quân sự cùng các nhân viên dân sự Mỹ và Hàn Quốc, 10 người trong số đó đã hồi phục. Quân đội Mỹ đã loại Daegu, tâm dịch tại Hàn Quốc, khỏi danh sách "điểm nóng" Covid-19 khi dịch bệnh tại đây cơ bản được kiểm soát.
Mộc Miên (T/h)