Nga dựng tháp phòng không chống UAV Ukraine
Business Insider đưa tin, để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine vào bên trong lãnh thổ Nga, Moscow đã sử dụng các tháp phòng không có từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Các tháp phòng không mà Nga đang xây dựng được một số nhà quan sát so sánh với hệ thống tương tự mà Đức từng sử dụng trong thời kỳ Thế chiến thứ hai. Các tháp phòng không được gọi là “flakturme” này là những cấu trúc bê tông khổng lồ cao tới 70 mét, tương đương tòa nhà 21 tầng, được trang bị pháo phòng không để bảo vệ các thành phố của Đức khỏi máy bay ném bom của quân Đồng minh.
Nga dựng tháp phòng không để chống UAV Ukraine. Ảnh: Defense Blog
Các tháp đang được xây dựng bên ngoài Moscow không cao như các tòa tháp của Đức trước đây. Chúng dường như là những công trình trên cao với hệ thống phòng không di động Pantsir được đặt phía trên. Đánh giá qua các bức ảnh cho thấy một số tòa tháp dường như chỉ cao tương đương tòa nhà 3 tầng.
Không có đoạn đường dốc nào xung quanh cho thấy hệ thống Pantsir có lẽ đã được đưa vào vị trí bằng cần cẩu hoặc trực thăng hạng nặng. Hệ thống Pantsir đã được triển khai trên nóc các tòa nhà chính phủ ở Moscow, nhưng các công trình mới dường như được xây dựng có chủ ý cho các khẩu đội phòng không.
Động thái xây dựng tháp phòng không này diễn ra sau hàng loạt các cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Ước tính đã có hơn 190 cuộc tấn công bằng UAV như vậy vào các vùng bên trong nước Nga cũng như bán đảo Crimea.
Mặc dù các mục tiêu chủ yếu ở miền Tây nước Nga gần biên giới với Ukraine, nhưng cũng đã có các cuộc tấn công nhắm đến St. Petersburg và hơn 10 cuộc tấn công vào Moscow. Các cuộc tấn công làm hư hại một số tòa nhà và khu công nghiệp của Nga như các nhà máy lọc dầu.
Ukraine có thể thay đổi quy định nghĩa vụ quân sự
Theo thông tin quân sự mới nhất từ hãng tin RT, Ukraine dự định thay đổi quy định tuyển quân để cho phép gọi lính với những công dân trước đó chỉ "phù hợp với nghĩa vụ quân sự ở mức hạn chế" vì điều kiện sức khỏe.
Thông tin trên do ông Dmitry Lubinets – Ủy viên nhân quyền Ukraine, đưa ra trong lúc phát biểu trên đài truyền hình quốc gia. Dù vậy, ông Lubinets đảm bảo rằng những người không thể chiến đấu ở tiền tuyến sẽ phục vụ ở hậu phương.
Ukraine có thể thay đổi quy định nghĩa vụ quân sự. Ảnh: Getty Images
Phát biểu hôm 9/9, ông Lubinets cho biết mình đã đề xuất Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine bãi bỏ hạng mục phân loại sức khỏe "phù hợp với nghĩa vụ quân sự ở mức hạn chế", đồng thời tiết lộ các quan chức hàng đầu đã đồng ý với ông.
"Một công dân Ukraine hoặc sẽ đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự, hoặc là không", ông Lubinets giải thích lý do muốn bãi bỏ hạng mục sức khỏe ở giữa.
Quan chức Ukraine cũng bổ sung rằng một người nếu không đủ sức khỏe tham gia chiến đấu ở tiền tuyến vẫn có thể góp sức cho phòng thủ bằng cách phục vụ tại trụ sở, trong các lực lượng tên lửa hoặc đơn vị tác chiến mạng.
Ông Lubinets cũng lưu ý rằng Ukraine đã chứng kiến nhiều người khỏe mạnh hối lộ quan chức tuyển quân để được xếp loại "không đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự", trong khi những người mắc bệnh hiểm nghèo và mạn tính được thông báo đủ sức khỏe.
Hệ thống tuyển quân của Ukraine gần đây đã xuất hiện bê bối tham nhũng. Tờ Financial Times tháng trước đưa tin rằng một số đàn ông Ukraine đã hối lộ tới 10.000 USD để tránh phải ra tiền tuyến. Trước tình trạng này, Tổng thống Volodymy Zelensky đã sa thải tất cả quan chức tuyển quân trong nước đồng thời cho biết sẽ rà soát tất cả trường hợp được miễn trừ nghĩa vụ quân sự kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Nga.
Phương Uyên (T/h)