Na Uy gửi 100 tên lửa phòng không cho Ukraine
Một chiếc MiG-29 của Không quân Ukraine. Ảnh: AP
Ngày 20/4, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram cho biết nước này đã gửi hệ thống phòng không Mistral cho Ukraine. Ông khẳng định hệ thống này hoạt động rất hiệu quả và sẽ “mang lại lợi ích lớn cho Ukraine”.
Theo ông Bjorn Arild Gram, hệ thống Mistral đã bị quân đội Na Uy loại bỏ dần, “nhưng vẫn còn hiện đại và hiệu quả nên sẽ mang lại lợi ích lớn cho Ukraine”.
Na Uy cho biết sắp tới, nước này sẽ gửi cho Kiev khoảng 100 tên lửa Mistral và một vài bệ phóng. Quốc gia này trước đó đã gửi tổng số 4.000 tên lửa chống tăng, một số thiết bị quân sự và nhiều phương tiện bảo vệ cho Ukraine.
Nga phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa khổng lồ
Vụ phóng thử tên lửa Sarmat. Ảnh: Getty
Cuối ngày 20/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat đã được phóng thử thành công từ một silo tại sân bay vũ trụ Plesetsk, vùng Arkhangelsk.
Theo thông cáo, các mục tiêu đặt ra của vụ thử được đáp ứng đầy đủ. Đặc điểm thiết kế trong tất cả các giai đoạn của chuyến bay được xác nhận. Các đầu đạn thực hành đã bắn trúng mục tiêu chỉ định tại bãi thử Kura trên Bán đảo Kamchatka.
Đây là vụ phóng đầu tiên trong chương trình thử nghiệm cấp nhà nước. Dự kiến, sau các cuộc thử nghiệm, Sarmat sẽ đi vào hoạt động trong Lực lượng Tên lửa chiến lược. Các tổ hợp này sẽ được trang bị cho trung đoàn đứng đầu trong đội hình tên lửa Uzhurskiy ở Krasnoyarsk.
Đức đề xuất giải pháp viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine
Xe tăng Leopard 2 của Đức. Ảnh: EPA
Trong bối cảnh Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày càng gây tranh cãi liên quan đến vấn đề hỗ trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine, Ngoại trưởng Annalena Baerbock ngày 20/4 nhấn mạnh rằng lô hàng vũ khí hạng nặng sẵn sàng được chuyển giao.
Trước đó, Thủ tướng Scholz nói rằng ông ủng hộ việc chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine bởi các đồng minh NATO, song từ chối xác nhận bất kỳ hoạt động viện trợ vũ khí hạng nặng nào, như xe tăng hoặc xe bọc thép, từ Đức.
Ngoại trưởng Baerbock cho biết, sự do dự trên không phải vì thiếu ý chí chính trị, mà là vì tình trạng thiếu trang thiết bị của quân đội Đức. “Các đối tác khác hiện đang cung cấp xe bọc thép (cho Ukraine). Tôi muốn nói rõ rằng đây không phải là điều cấm kỵ đối với chúng tôi", bà Baerbock cho biết trong một cuộc họp báo ở Latvia.
Mộc Miên (T/h)