Cụ ông 72 tuổi bị hoại tử gần toàn bộ ruột non
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân hoại tử gần toàn bộ ruột non nghi do ngộ độc. Bệnh nhân P.V.M. 72 tuổi (nam, trú tại Hà Nội) nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng.
Theo thông tin người thân cho biết, sau khi ăn rau sống và thịt lợn hun khói, ông M. xuất hiện đau bụng, nôn nhiều và đi ngoài. Sau khi làm các xét nghiệm và chụp cắt lớp ổ bụng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc do hoại tử ruột.
Bác sĩ Ngọc Tiền - Trưởng kíp gây mê, khoa Gây mê hồi sức chia sẻ, bệnh nhân vào phòng mổ trong tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt, các bác sĩ đã phải dùng các thuốc vận mạch liều cao cùng tiến hành vừa mổ vừa hồi sức.
Trong quá trình mổ, bác sĩ nhận thấy một đoạn dài gần 2,5m ruột non bị hoại tử đen nên đã tiến hành cắt toàn bộ đoạn ruột hoại tử và phục hồi lại lưu thông ruột. Ngay sau mổ, tình trạng sốc của bệnh nhân đã được cải thiện, bỏ thở máy, hiện tại bệnh nhân đã đi ngoài và ăn uống nhẹ, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Bệnh nhân hiện đã đi ngoài và ăn uống nhẹ, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo bác sĩ Hoàng Việt Dũng - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, người trực tiếp phẫu thuật, hoại tử ruột non là bệnh lý rất nặng, tỷ lệ tử vong cao, cần được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Nguyên nhân hoại tử ruột hay gặp trong các bệnh về máu gây tắc mạch mạc treo, tắc ruột do xoắn vặn, do dây chằng thắt nghẹt gây thiếu máu ruột dẫn đến hoại tử, thoát vị bẹn nghẹt, do viêm ruột…
Viêm ruột hoại tử có thể do Clostridial - một loại trực khuẩn gặp ở thức ăn vệ sinh kém, trong thịt chưa chín kỹ, nhiễm giun đũa. Biểu hiện lâm sàng bao gồm đau bụng, nôn, sốt, đi ngoài phân lỏng có thể có máu, bụng chướng, nặng có thể sốc, suy hô hấp, suy thận cấp, toan chuyển hóa…và tử vong.
Chẩn đoán dựa vào lâm sàng, các xét nghiệm chuyên khoa và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Điều trị phối hợp nội và ngoại khoa; chỉ định mổ viêm ruột hoại tử trong các trường hợp có nguyên nhân cơ học, viêm phúc mạc thủng, điều trị nội khoa không kết quả.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, các bệnh nhân có tiền sử tim mạch, các bệnh về máu, sử dụng thuốc chống đông…cần khám và kiểm tra định kỳ. Đồng thời, có chế độ ăn, dinh dưỡng hợp lý, thức ăn sạch sẽ, ăn chín, uống sôi có thể giảm thiểu các nguy cơ của loại bệnh lý này. Nếu có các triệu chứng xuất hiện đột ngột như trên cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.
Phẫu thuật lấy 15 viên sỏi từ bàng quang bệnh nhân
Theo báo Pháp Luật Việt Nam, ThS. BS Lâm Quốc Na - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu thông tin, các bác sĩ chuyên khoa ngoại thận tiết niệu vừa phẫu thuật lấy 15 viên sỏi từ bàng quang của bệnh nhân T.H. (65 tuổi, ngụ ở phường 8, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).
Trước đó, ngày 5/4, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa Khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu khám bệnh trong tình trạng tiểu khó, tiểu ngắt quãng đã lâu. Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ chuyên khoa ngoại thận tiết niệu chẩn đoán bệnh nhân có nhiều viên sỏi to trong bàng quang kèm tăng sinh tuyến tiền liệt.
Đồng thời, bệnh nhân H. được hội chẩn và chỉ định phẫu thuật. Sau 60 phút, với phương pháp mổ hở lấy sỏi, các bác sĩ đã lấy ra 15 viên sỏi lớn, nhỏ trong bàng quang của bệnh nhân (viên sỏi to có đường kính 2,5cm).
Hiện tại, bệnh nhân H. đang được chăm sóc và theo dõi, sức khỏe hồi phục tốt và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Các bác sĩ đã lấy ra 15 viên sỏi lớn, nhỏ trong bàng quang của bệnh nhân. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó ông H. có uống thuốc điều trị tiền liệt tuyến trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, bệnh ngày càng xấu đi, tiểu khó hơn và có tình trạng đau nhiều ở vùng hạ vị. Ông H. có tiền sử tăng sinh tuyến tiền liệt và phẫu thuật nội soi tán sỏi bàng quang.
Bác sĩ CKI Tạ Hữu Nghĩa - Phó khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu (phụ trách phẫu thuật chính) cho biết: “Tình trạng sỏi bàng quang là do sỏi từ trên thận rơi xuống bàng quang và lớn dần lên. Tuy nhiên, trường hợp này, nguyên nhân sỏi tạo lập là do tiền liệt tuyến to quá làm tắc nghẽn, ứ đọng nước tiểu và gây cản trở dòng tiểu. Do đó, sau khi loại bỏ sỏi, phải điều trị triệt để tăng sinh tuyến tiền liệt”.
“Người dân không nên chủ quan với bệnh, cần uống đủ nước và tránh ngồi lâu giảm nguy cơ tạo sỏi do ứ đọng. Nếu phát hiện có các dấu hiệu không bình thường như tiểu khó, tia nước tiểu yếu, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu buốt, rát... cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đối với những người đã mắc bệnh, cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thịt đỏ. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động thể dục thể thao và duy trì một chế độ ăn uống dinh dưỡng cân đối để có sức khỏe tốt.
Đặc biệt, nam giới trên 60 tuổi nên định kỳ 3 - 6 tháng 1 lần khám và tầm soát các vấn đề liên quan đến tăng sinh tuyến tiền liệt để phát hiện và điều trị sớm. Từ đó tránh được các biến chứng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe”, bác sĩ Nghĩa khuyến cáo.
Người bệnh 67 tuổi được thay van tim sinh học
Báo Đại Đoàn Kết đưa tin sáng 7/4, lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (TP.Hải Phòng) thông tin, đơn vị vừa thực hiện thành công kỹ thuật thay van hai lá sinh học, sửa van ba lá tim cho người bệnh với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia Bệnh viện E (Hà Nội).
Cụ thể, bệnh nhân T.T.T.T (67 tuổi, ở quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng khó thở. Bệnh nhân đã được phẫu thuật tách van hai lá 24 năm trước. Gần đây, bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt mỏi, khó thở.
Qua thăm khám, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đánh giá tim bệnh nhân đã bị suy, van hai lá hẹp tương đối khít, kèm theo hở van ba lá, đây là biến chứng của việc tim bị giãn. Các bác sĩ tại bệnh viện quyết định thay van hai lá sinh học cho bệnh nhân, kèm theo thu vòng van ba lá.
Nhờ sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia đến từ Bệnh viện E, sau 6 tiếng phẫu thuật, 3 nhóm chuyên trách tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp gồm: Phẫu thuật; Gây mê hồi sức; Vận hành máy tim phổi nhân tạo đã tiến hành mổ và thay van tim sinh học cho bệnh nhân T. Đến nay, sau 4 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe và có thể nói chuyện được.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật thay van tim sinh học cho người bệnh. Ảnh: Đại Đoàn Kết
TS.BS Nguyễn Thế May - Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, người trực tiếp tham gia ca phẫu thuật cho biết, kỹ thuật thay van tim sinh học kỹ thuật rất cao, phù hợp với bệnh nhân cao tuổi.
Đặc biệt, van hai lá sinh học rất tiện lợi cho bệnh nhân sau phẫu thuật và điều trị, bệnh nhân không phải dùng thuốc chống đông và không có cảm giác của tiếng lá van hoạt động.
Từ năm 2004, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp là một trong những đơn vị tuyến tỉnh triển khai thành công kỹ thuật phẫu thuật tim hở.
Đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã tiến hành phẫu thuật hàng trăm ca tim hở cho người dân, gồm: Thay van hai lá, thay van động mạch chủ, sửa van ba lá…và các ca mắc bệnh tim bẩm sinh.
Đ.K (T/h)