Người đàn ông bất ngờ ngã gục khi vừa đỡ bóng bằng ngực
Theo tạp chí Tri Thức, trong lúc chơi đá bóng, anh V.H.H. (39 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) bất ngờ ngã gục, ngưng tim khi vừa đỡ trái bóng bằng ngực. Sau đó, anh được người dân đưa vào cấp cứu tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM).
Anh H. không có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch nhưng lại có 4 thành viên trong gia đình đột tử không rõ nguyên nhân. Người bệnh vào khoa Cấp cứu trong tình trạng không bắt được mạch, huyết áp không đo được, trên monitor sinh hiệu ghi nhận nhịp nhanh thất liên tục.
Sau 45 phút được hồi sức tim phổi liên tục, người bệnh mới có dấu hiệu hồi phục tuần hoàn tự nhiên. Dù vậy, anh H. vẫn bị tụt huyết áp nặng, phải sử dụng cùng lúc nhiều thuốc vận mạch và có diễn tiến phù phổi tổn thương do hồi sức tim phổi kéo dài.
Bệnh nhân được chuyển đến đơn vị Hồi sức tim mạch để được hạ thân nhiệt bảo vệ não và can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Bệnh nhân hồi phục tốt sau khi được điều trị tích cực. Ảnh: Tri Thức
Sau 2 ngày can thiệp ECMO phối hợp hạ thân nhiệt và lọc máu liên tục, người bệnh phục hồi tri giác hoàn toàn và được kết thúc ECMO sau 3 ngày. 1 ngày sau, anh được thở máy và ra khỏi phòng hồi sức tích cực sau đó 2 ngày.
ThS.BS Huỳnh Trung Tín - Đơn vị Hồi sức tim mạch chia sẻ, kết quả xét nghiệm di truyền học ghi nhận anh H. có đột biến gene MYPN - một loại gene mã hoá protein cấu thành đơn vị co cơ tim myopalladin.
Đây là loại đột biến gene chiếm tỷ lệ thấp hơn 2% ở người có cơ tim dãn nở, là nguyên nhân gây đột tử trong vài ca lâm sàng trong y văn trên thế giới.
"Dựa trên tiền sử có đột tử do rối loạn nhịp thất, kết hợp với bằng chứng đột biến gene, người bệnh được cấy máy phá rung (ICD) để phòng ngừa đột tử tái phát trong tương lai. Sau khi được cấy máy, bệnh nhân cần thời gian phục hồi chức năng tim mạch vài tuần tại bệnh viện và có thể hoà nhập cuộc sống bình thường sau đó”, bác sĩ Tín cho biết.
Bên cạnh đó, từ kết quả bất thường di truyền của anh H., các bác sĩ cũng tiếp tục tầm soát bệnh tim mạch cho anh, chị, em ruột và con của anh.
Liệt 2 chân hoàn toàn, đi khám phát hiện mắc u tủy
Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin ngày 3/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thông tin về trường hợp bệnh nhân 19 tuổi (trú tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng liệt hai chân hoàn toàn, mất toàn bộ vận động và cảm giác.
Trước đó 1 tháng, bệnh nhân có triệu chứng mỏi và yếu dần hai chân, tê hai bàn chân. Do tính chất công việc phải đi lại nhiều, bệnh nhân chủ quan nghĩ đó là bình thường.
Sau nửa tháng, tình trạng tiến triển nặng hơn, bệnh nhân đã đến khám ở một cơ sở y tế gần nhà và được bác sĩ kê thuốc cho uống. Tuy nhiên, sau vài ngày uống thuốc, tình trạng bệnh không những không cải thiện mà càng nặng hơn.
Phim chụp khối u trước và sau khi phẫu thuật. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Tại bệnh viện, kết quả thăm khám và chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân bị u tủy trong đốt sống ngực. Khối u ngoài màng cứng gây chèn ép vào tủy sống.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu để loại bỏ khối u tủy, giải chèn ép tủy. Kết quả giải phẫu bệnh khối u cho thấy đó là khối u lành tính.
Sau phẫu thuật 5 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định trở lại, hai chân phục hồi cảm giác và có thể cử động, tập đi dưới sự hỗ trợ của dụng cụ. Bệnh nhân đã được xuất viện về nhà.
Bác sĩ Vi Trường Sơn - Trưởng khoa Ngoại khuyến cáo người dân khi gặp phải các triệu chứng như đau lưng, yếu chi, tê bì chân tay cần đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thần kinh thăm khám, có hướng xử lý kịp thời, tránh để lại hậu quả nặng nề.
Một học sinh bị sốc phản vệ sau khi ngậm kẹo trị ho
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thông tin vừa tiếp nhận, cấp cứu một học sinh bị sốc phản vệ mức độ nặng sau khi sử dụng thuốc dạng kẹo ngậm để trị ho.
Cụ thể, bệnh nhân K.V.H nhập viện trong tình trạng phù mắt, môi, sẩn ngứa toàn thân giờ thứ 3. Theo lời bệnh nhân và người nhà kể, khoảng 2,5 giờ trước khi nhập viện, bệnh nhân đã ngậm 1 viên thuốc ngậm dạng kẹo mua ở nhà thuốc, sau đó xuất hiện phù mắt, phù môi, sẩn ngứa toàn thân.
Người nhà đã cho bệnh nhân uống thuốc chống dị ứng nhưng tình trạng không cải thiện mà ngày càng nặng hơn, vì thế sau đó đã đưa bệnh nhân K.V.H đến viện.
Bệnh nhân đã ổn định sau hơn 12 giờ điều trị tích cực. Ảnh: Dân Trí
Tại phòng cấp cứu, bệnh nhân tỉnh và tiếp xúc được, trên da toàn thân nổi nhiều ban sẩn dạng phù, đỏ, ngứa nhiều, tình trạng nuốt vướng. Ngoài ra còn ngứa nghẹn ở cổ, cảm giác khó thở và đã bắt đầu xuất hiện phù Quincke (phù mạch) - một biến chứng nguy hiểm của phản vệ, bệnh nhân có thể sẽ rơi vào trạng thái nguy kịch trong giây lát.
Nhận thấy tình trạng nguy hiểm, các bác sĩ đã khẩn trương áp dụng phác đồ cấp cứu phản vệ mà trong đó chủ yếu là Adrenalin, ủ ấm, bù dịch cho người bệnh thở oxy... Hiện tại, sau hơn 12 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định và có thể ra viện trong 1 - 2 ngày tới.
Đ.K (T/h)