Nguyên nhân khiến người phụ nữ bị khàn tiếng, phát âm khó
VTV Times đưa tin, Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân nữ 64 tuổi, nhập viện với biểu hiện khàn tiếng kéo dài.
Trước đó 2 tháng, bệnh nhân tự nhiên xuất hiện khàn tiếng, khàn tiếng tăng dần, giọng nghẹt, phát âm khó, không nói to được, thi thoảng ợ hơi, ợ chua, không nuốt nghẹn, không khó thở, không sốt, không nôn. Bệnh nhân có đi khám nhiều nơi điều trị nội khoa nhưng không đỡ.
Bác sĩ Phạm Thị Phương Thảo cho biết: "Đây là trường hợp bệnh nhân bị rối lọan giọng nói do tâm lý căng thẳng, stress. Bệnh nhân đến khám với giọng căng nghẹt, khó phát âm, nói không rõ chữ và không nói to được. Các triệu chứng này xuất hiện một cách từ từ, tăng dần hoặc bệnh nhân đột nhiên không nói được".
Nữ bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh; VTC News
Trong những năm gần đây, rối loạn giọng nói có xu hướng gia tăng ở những người phải sử dụng giọng nói nhiều bởi do tính chất công việc như: giáo viên, ca sĩ, bán hàng, thuyết trình... Vì thế, rối loạn giọng nói không chỉ là dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến giao tiếp, công việc và chất lượng cuộc sống người bệnh.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sĩ tại khoa Tai Mũi Họng điều trị bằng phương pháp trị liệu giọng nói. Người bệnh đã hồi phục được giọng nói của mình trong thời gian ngắn.
Rối loạn giọng nói do tâm lý căng thẳng, thường xảy ra ở nữ giới, với những người có tâm lý yếu chịu stress trong một thời gian dài hoặc sau một cú sốc tinh thần. Bệnh nhân có các biểu hiện rối loạn giọng nói như trên.
Rối loạn giọng nói là tình trạng giọng nói của người bệnh trở nên thay đổi khác thường. Đây là một hội chứng do nhiều nguyên nhân gây ra, cần được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng chẩn đoán đúng và điều trị càng sớm, khả năng phục hồi giọng nói sẽ càng cao.
Theo bác sĩ Thảo, trong sinh hoạt hàng ngày, để duy trì giọng nói khoẻ mạnh, người bệnh cũng cần uống nhiều nước, có chế độ sinh hoạt điều độ, tránh lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… và tránh các thói quen dễ gây tổn thương thanh quản.
Bé trai bị ruột bút chì đâm thủng nhãn cầu mắt phải
Theo VOV, ngày 1/4, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thông tin về ca cấp cứu thành công bé trai T.Q.N (9 tháng tuổi, trú tại Nghệ An) bị ruột bút chì đâm xuyên thủng nhãn cầu mắt phải.
Cụ thể, bé trai bị bút chì chọc vào mắt phải. Sau tai nạn, mắt phải bé đau nhiều, chảy nước mắt, khó mở mắt. Gia đình đưa trẻ đến phòng khám gần nhà được kê thuốc nhỏ mắt về nhỏ nhưng không đỡ. Bệnh nhi tiếp tục được đưa đến bệnh viện tuyến huyện để sơ cứu, và đã nhanh chóng chuyển tuyến tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Dị vật được lấy ra là đầu bút chì dài gần 1cm, đường kính 0.5mm. Ảnh: VOV
Bé trai nhập viện trong tình trạng mi sưng nề vừa, kích thích chảy nước mắt, khó mở mắt, kết mạc cương tụ mạnh, giác mạc có vết thương xuyên thủng rìa vị trí 3 giờ, có dị vật cứng ghim vào vết thương, giác mạc phần quanh vết rách mờ đục, phần giác mạc còn lại phù nhẹ.
Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu loại bỏ dị vật và khâu phục hồi vết rách giác mạc. Dị vật được lấy ra là đầu bút chì dài gần 1cm, đường kính 0.5mm. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi ổn định và dự kiến 7-10 ngày được ra viện.
Phẫu thuật cho người đàn ông bị tắc động mạch chân trái
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vừa cấp cứu thành công cho một bệnh nhân nam được chẩn đoán tắc động mạch chi dưới cấp. Đây là một bệnh lí phức tạp, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có nguy cơ bị cắt cụt chi thể, để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân.
Theo đó, bệnh nhân T.V.T (nam, 34 tuổi) có tiền sử hội chứng thận hư bỏ điều trị 1 năm nay, vào viện khám vì tình trạng đau chân trái đột ngột, đau tăng liên tục vào giờ thứ 6 của bệnh.
Khi vào viện, bệnh nhân có các triệu chứng đau dữ dội chân trái, dị cảm bất thường. Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân có các triệu chứng đầu chi lạnh, màu chi nhợt, không bắt được mạch từ động mạch bẹn trái, mất vận động chân trái. Kết hợp với các kết quả cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán: Tắc động mạch chân trái cấp tính giờ thứ 6.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Qua đánh giá tại khoa Cấp cứu và hội chẩn bác sĩ chuyên khoa, bệnh viện khởi động quy trình cấp cứu báo động đỏ, chỉ định can thiệp tối cấp cứu nhằm lấy huyết khối, tái tưới máu chân trái. Mục tiêu của cuộc mổ là nhằm bảo tồn chi thể tối đa cho người bệnh, tránh nguy cơ cắt cụt chi.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, sau khi phẫu tích bộc lộ hệ động mạch của bệnh nhân, ekip đánh giá thấy toàn bộ hệ động mạch từ động mạch chậu ngoài trái cho đến đùi chung trái hoàn toàn không có nhịp mạch. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu cấp tính của bệnh nhân.
"Chúng tôi đã tiến hành mở mạch đoạn động mạch đùi chung, dùng forgarty lấy được nhiều dây, cục huyết khối từ động mạch chậu ngoài cho đến ngã ba đùi trái. Sau can thiệp, ngay trong mổ hệ thống cơ vùng đùi, cẳng chân trái được tưới máu tốt, có khả năng bảo tồn chi thể cho người bệnh", bác sĩ Lâm thông tin.
Sau mổ, bệnh nhân đã được khảo sát hệ mạch máu toàn cơ thể. Kết quả cho thấy hệ động mạch chân phải của bệnh nhân cũng hẹp gần hoàn toàn từ động mạch chậu gốc. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa kiểm soát nguy cơ đông máu song song với tái điều trị hội chứng thận hư.
Hiện tại, sau hơn 20 ngày điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện với đôi chân lành lặn.
Đ.K (T/h)