Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 29/7/2024: Đau thắt ngực, khó thở vì bướu cổ nặng gần 1kg

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 29/7/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 29/7/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Đau thắt ngực, khó thở vì bướu cổ nặng gần 1kg

VTV Times đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình vừa tiếp nhận và điều trị cho 2 trường hợp bệnh nhân có bướu giáp khổng lồ, trọng lượng gần 1kg.

Cụ thể, bệnh nhân V.T.L. (51 tuổi, trú tại xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình trong tình trạng đau thắt ngực, nuốt nghẹn kèm khó thở, hạn chế về hoạt động thể lực, bị khối bướu lớn ở tuyến giáp chèn ép vào khí quản, thực quản.

Bệnh nhân cho biết, bản thân có tiền sử bị bệnh cường giáp, đã phát hiện bướu tuyến giáp hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tâm lý sợ phẫu thuật nên chỉ uống thuốc điều trị. Khoảng vài năm trở lại đây, bướu tuyến giáp to dần gây khó khăn trong sinh hoạt, ăn uống, sức khỏe giảm sút.

Sau khi được bác sĩ tại khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực thăm khám và tư vấn, bệnh nhân đã yên tâm hơn và đồng ý thực hiện phẫu thuật. Ca phẫu thuật được thực hiện trong khoảng 2 giờ, kíp mổ đã tiến hành bóc tách thành công khối u nặng gần 1kg của bệnh nhân mà không làm tổn thương tới các cơ quan lân cận.

Sau phẫu thuật bệnh nhân tỉnh táo, tình trạng sức khỏe ổn định, có thể ăn uống và nói chuyện bình thường. Bệnh nhân được xuất viện sau 5 ngày theo dõi, điều trị.

Khối bướu cổ kích thước lớn của người bệnh. Ảnh: VTV Times

Bé 4 tuổi đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch

Theo VietNamNet, bé N.N.A. (4 tuổi, trú tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) vừa được tiếp nhận cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông trong tình trạng nguy kịch. 

Mẹ của bé cho biết, hai ngày trước con nói đau bụng, buồn nôn. Người mẹ nghĩ rằng con bị rối loạn tiêu hóa nên mua thuốc cho bé uống. Tuy nhiên, cơn đau bụng của con tăng dần, sốt cao, mệt lả, bỏ ăn uống, bố mẹ bé mới vội vàng đưa vào viện.

Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận bé bị viêm phúc mạc toàn thể do viêm ruột thừa hoại tử và chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu.

Trong cuộc mổ, bác sĩ phát hiện ổ bụng bệnh nhi rất nhiều mủ và dịch do ruột thừa viêm hoại tử đã vỡ. Ekip cắt ruột thừa và rửa sạch mủ trong bụng và dẫn lưu kèm kháng sinh phổ rộng. Hiện tại, bệnh nhi ổn định và dự kiến xuất viện sau 5 ngày phẫu thuật.

Bác sĩ CKI Đặng Quốc Cường - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, chia sẻ viêm ruột thừa ở trẻ phẫu thuật khó hơn. Trường hợp bé N.A. là một ca rất khó do trẻ có thể trạng thiếu cân chỉ 12kg, 49 tháng tuổi. Ngoài ra, bệnh nhi đến viện trong tình trạng muộn, phẫu trường hẹp, ruột thừa vỡ, tràn mủ ra ổ bụng.

Khi mổ, bác sĩ khó xác định ranh giới, phẫu tích bóc tách ruột thừa khó khăn, có thể bỏ sót và làm tổn thương các tạng khác trong ổ bụng. Ekip phải khéo léo, tỉ mỉ và cẩn trọng từng bước.

Theo bác sĩ Cường, viêm phúc mạc ruột thừa là một biến chứng nặng, nguy hiểm và hay gặp của bệnh viêm ruột thừa cấp. Nguyên nhân chính là bệnh không được phát hiện và điều trị sớm dẫn đến tình trạng vỡ mủ vào trong ổ bụng, làm viêm nhiễm khắp ổ bụng, sốc nhiễm trùng, điều trị phức tạp, tốn kém và có thể gây tử vong. 

Nam bác sĩ khuyến cáo thêm nếu phát hiện trẻ gặp các triệu chứng như đau bụng, sốt, chán ăn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Cả nước ghi nhận hơn 41.900 ca sốt xuất huyết từ đầu năm 2024

Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Bộ Y tế cho hay, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 41.905 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 5 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 1,2 lần, tử vong giảm 6 ca.

Tại Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 1.283 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 39 ổ dịch, hiện còn 20 ổ dịch đang hoạt động. Số ca mắc sốt xuất huyết trong 2 tuần đầu tháng 7/2024 trên địa bàn cũng gia tăng hơn tháng 6 trước đó. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 41.905 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống

Tương tự, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thông tin, trong tuần 29 năm 2024, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng 31% so với 4 tuần trước đó.

Cụ thể, trong tuần 29 (từ ngày 15/7 đến 21/7), thành phố ghi nhận thêm 167 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc cao nhất gồm quận 1, TP.Thủ Đức và quận 7. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 29 tại TP.HCM là 4.599 ca.

Theo ngành y tế, bệnh sốt xuất huyết lây truyền từ người bệnh sang người lành qua vật trung gian là muỗi vằn. Sau khi muỗi chích người bệnh sẽ mang mầm bệnh cho những người khỏe mạnh qua vết đốt.

Hiện TP.HCM đang vào mùa mưa, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh và bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Ngành y tế kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết để ngăn chặn dịch bùng phát.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 2,5 tỷ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành, trong đó 1,8 tỷ người thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Sốt xuất huyết đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của khoảng một nửa dân số thế giới, với ước tính khoảng 100 - 400 triệu ca nhiễm bệnh xảy ra mỗi năm.

Tin nổi bật