Báo Đại Đoàn Kết đưa tin trưa 14/7, TS. Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết người dân và cán bộ y tế địa phương đã thay phiên nhau khiêng một sản phụ bị băng huyết băng rừng vượt qua nhiều điểm sạt lở núi đi cấp cứu.
Cụ thể, khoảng 3h ngày 14/7, y sĩ Hồ Thị Hiếu - Trưởng trạm Y tế xã Trà Cang nhận được điện thoại của người dân làng Tu Nấc (thôn 5, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) về trường hợp sản phụ H.T.T (18 tuổi, ở nóc Tu Nấc) sinh con tại nhà (con so), bị băng huyết. Đây là nóc ở xa trung tâm xã khoảng 4km đi bộ.
Xe cấp cứu đón mẹ con sản phụ đưa về Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My. Ảnh: Đại Đoàn Kết
Sau khi nhận tin, y sĩ Hiếu đã hướng dẫn người nhà khiêng sản phụ ra trạm y tế, đồng thời chuẩn bị phương tiện, dụng cụ cho việc sơ cấp cứu. Sau hơn 2 giờ đi bộ, sản phụ và cháu bé được người dân trong làng khiêng đến Trạm Y tế xã Trà Cang lúc 5h10. Y sĩ Hiếu tiến hành sơ cấp cứu.
Lúc này, tình trạng sản phụ mất nhiều máu, ngất đi, huyết áp 80/40 mmHg, mạch nhanh, nhỏ, có dấu hiệu trụy mạch. Y sĩ Hiếu điện báo về Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My xin hỗ trợ và đề nghị đưa xe cứu thương lên chuyển tuyến, đồng thời điện các viên chức khác của trạm lên hỗ trợ.
Trong khi đó, được các bác sĩ phiên trực tại Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My huyện hướng dẫn, y sĩ Hiếu đã tiến hành truyền dịch và hồi sức tích cực. Ban giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cũng đã kịp thời chỉ đạo phiên trực tập trung công tác cấp cứu trường hợp này, liên hệ trực tiếp với các viên chức khác của trạm kịp thời lên hỗ trợ.
Mặc dù thời tiết mưa gió, đường lầy lội, sụt lún, không thể dùng xe cứu thương hay các loại xe ô tô khác trong lúc này nhưng trên tinh thần trách nhiệm cao, các cán bộ y tế của Trạm Y tế xã Trà Cang đã đưa sản phụ bằng xe máy từ trạm đến đường lớn (QL 40) cách trạm khoảng 10km nơi xe cứu thương đang chờ đón để đưa mẹ con sản phụ về Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My hồi sức tích cực và bóc lấy nhau cấp cứu thành công.
Hiện tại, sản phụ đã ổn định, huyết áp được nâng lên, tỉnh táo, đang được tiếp tục theo dõi điều trị. Bé gái 2,7 kg hồng hào, bú tốt. Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My đã ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ và phiên trực tham gia cấp cứu trường hợp này.
Qua trường hợp này, Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My mong các sản phụ mang thai tháng cuối hãy chủ động đến Trung tâm Y tế huyện sớm để sinh nở an toàn cho mẹ và bé.
VTV Times đưa tin, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) vừa tiếp nhận và xử trí thành công trường hợp nam bệnh nhân 36 tuổi nguy kịch do ngộ độc thuốc ngủ liều cao.
Trước đó, sau khi tự uống 90 viên thuốc Phenobarbital hàm lượng 100mg ở nhà, người bệnh nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tím tái, thở ngáy.
Ngay khi tiếp nhận, người bệnh được các bác sĩ thăm khám và chỉ định các cận lâm sàng cần thiết. Kết quả cho thấy: Đồng tử 2 bên co nhỏ, mất phản xạ ánh sáng, tình trạng toan hóa máu, rối loạn chuyển hóa nặng.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc đã thống nhất chẩn đoán người bệnh ngộ độc thuốc Phenobarbital, suy gan, suy thận cấp và nhận định đây là trường hợp ngộ độc rất nặng.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành đặt ống nội khí quản chủ động, thở máy xâm nhập, đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm cho người bệnh, loại bỏ độc tố bằng phương pháp lọc máu cấp cứu, vận mạch. Bên cạnh đó, người bệnh được tiến hành bù dịch, lợi tiểu và theo dõi sát sao thể trạng.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: VTV Times
Sau 9 ngày điều trị tích cực, hiện người bệnh tỉnh táo, tiếp xúc tốt, Glasgow 15 điểm, tự thở được, ăn uống tốt, đại tiểu tiện tự chủ và dự kiến đủ điều kiện xuất viện sau vài ngày tới.
Ngộ độc thuốc là vấn đề vô cùng nguy cấp, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đe dọa đến tính mạng người bệnh. Để phòng tránh ngộ độc thuốc, người dân cần lưu ý: Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, uống thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ; tuân thủ liều dùng, khoảng cách dùng, thời gian dùng, không tự ý tăng, giảm liều và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.
Bên cạnh đó, cần bảo quản thuốc cẩn thận, đựng trong lọ kín, ghi rõ nhãn mác, để xa tầm tay trẻ em; không sử dụng thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc thuốc bị biến đổi chất lượng.
Nếu có biểu hiện nghi ngờ ngộ độc thuốc với các biểu hiện như co giật, khó thở hoặc bất tỉnh, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Theo tạp chí Gia Đình Việt Nam, bệnh nhi N.P.A. (8 tuổi, trú tại xã Phúc Lai, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) đi xem câu cá không may bị lưỡi câu móc vào mắt, được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng thăm khám và điều trị.
Tại đây, các bác sĩ khoa khám bệnh Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng nhanh chóng thăm khám, phát hiện một lưỡi câu sắc nhọn còn nguyên mồi câu (giun) móc sâu vào bờ trong mi trên mắt phải, lưỡi câu xuyên qua sụn mi vào trong hốc mắt.
Nhận định đây là tổn thương vùng mắt phức tạp có nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực, ngay lập tức, các bác sĩ đã hội chẩn với các bác sĩ gây mê chỉ định thủ thuật lấy dị vật móc câu cho bệnh nhi. Sau hơn 1 giờ, lưỡi câu được các bác sĩ rút ra thành công với phần ngạnh nằm sâu trong mí mắt gần 0,5 cm.
Hình ảnh móc câu xuyên qua mí mắt của bệnh nhi trên phim chụp. Ảnh: Gia Đình Việt Nam
Bác sĩ CKI Hà Duy Tiến - Trưởng khoa Khám bệnh Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng cho biết, tổn thương mắt do các tai nạn sinh hoạt thường rất phức tạp, gây hậu quả khôn lường và có thể mất thị lực vĩnh viễn.
Do đó, các phụ huynh cần chú ý nhắc nhở, quản lý trẻ trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu không may bị chấn thương vùng mắt, không được dụi hay tự ý lấy các dị vật ra mà cần phải đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.