Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 14/4/2024: Gắp hơn 30 con giun đũa ra khỏi đường ruột bé 5 tuổi

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 14/4/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 14/4/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Gắp hơn 30 con giun đũa ra khỏi đường ruột bé 5 tuổi

Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Triệu Văn Bộ - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết, búi giun “khổng lồ” được gắp ra từ ruột bé V.V T. (5 tuổi, ngụ huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).

Lúc nhập viện, em T. có biểu hiện mệt mỏi, bụng chướng, đau bụng quặn cơn. Sau khi siêu âm, chụp ổ bụng và tiến hành xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột do nhiễm quá nhiều giun, cần phẫu thuật cấp cứu để gắp giun ra.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ kiểm tra thấy ruột non của bé giãn rộng, bên trong có búi giun đũa lớn gây tắc ruột. Ca mổ diễn ra liên tục trong khoảng 2 giờ, đã gắp được hơn 30 con giun đũa ra khỏi đường ruột bệnh nhi.

Sau khi gắp toàn bộ búi giun ra ngoài, bệnh nhi được rửa ổ bụng, khâu phục hồi ổ bụng. Sau mổ, em T. được theo dõi hồi sức tích cực, dùng kháng sinh và bù dịch, theo dõi tại khoa Ngoại Tổng hợp. Hiện, bệnh nhi tỉnh táo và dần ổn định.

Phụ huynh nên tẩy giun cho con theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Ảnh minh họa

Bác sĩ Bộ cho hay, tắc ruột là một cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến hoại tử ruột và các biến chứng nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Tắc ruột có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân thường gặp ở trẻ là giun đũa. Khi trẻ bị tắc ruột do giun sẽ có các triệu chứng như đau quặn bụng, cơn đau tăng dần, khám thấy thành bụng căng, nhu động ruột giảm, kích thích phúc mạc vùng bụng, nôn hoặc trước đó có nôn ra giun.

Nhân trường hợp này, bác sĩ Bộ khuyến cáo phụ huynh cần hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay trước khi ăn uống. Cả phụ huynh và trẻ thực hiện ăn chín uống sôi, môi trường sống sạch sẽ.

Bên cạnh đó, không để móng tay của trẻ quá dài, dễ dính bám đất cát và lây nhiễm trứng giun. Phụ huynh nên tẩy giun cho con theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Nhập viện vì làm theo quảng cáo ngậm vòng chữa bệnh

Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thông tin ngày 12/4, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp hy hữu. Bệnh nhân nhập viện do nuốt phải chiếc vòng đá trong lúc ngủ, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống.

Cụ thể, nữ bệnh nhân 68 tuổi nhập viện do vô thức nuốt chiếc vòng bằng đá có 8 hạt, kích thước chừng 0,5 x 0,8 cm vào dạ dày. Theo bệnh nhân, bà đã tin và làm theo quảng cáo là ngậm chiếc vòng đá trong miệng để phát tia, để chữa các bệnh liên quan đến họng.

Bệnh nhân vô thức nuốt chiếc vòng bằng đá trong lúc ngủ. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Người bệnh cho biết, lúc tỉnh dậy mới phát hiện chiếc vòng đã bị trôi xuống họng. Theo phản xạ, người bệnh đã cố móc họng để nôn ra chiếc vòng nhưng không được và ngay lập tức được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tại đây, ekip trực gồm bác sĩ Nguyễn Văn Hưng và điều dưỡng Đặng Hoàng Sơn - khoa Tiêu hóa đã nội soi và gắp được chiếc vòng từ dạ dày của người bệnh. Chiều cùng ngày, người bệnh ổn định và được xuất viện.

Theo các bác sĩ khoa Nội tiêu hóa, khi nuốt phải dị vật, người bệnh không nên tự móc họng lấy dị vật vì sẽ gây tổn thương cho niêm mạc đường tiêu hóa. Trong trường hợp này, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và nội soi lấy dị vạt ra, tránh những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.

Viêm phúc mạc, thủng ruột do uống thuốc còn nguyên vỉ

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết thời gian qua, nơi đây liên tiếp tiếp nhận cấp cứu 3 bệnh nhân lớn tuổi nhập viện vì viêm phúc mạc (nhiễm trùng ổ bụng), thủng ruột do uống thuốc còn nguyên vỉ.

Gần đây nhất là bệnh nhân N.V.P (78 tuổi), nhập viện khoa Hồi sức tích cực vì tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng. Bệnh nhân nuốt phải vỉ thuốc gây nhiễm trùng ổ bụng do thủng hồi tràng nhiều vị trí.

Bệnh nhân sau đó được các bác sĩ khoa Ngoại bụng phẫu thuật lấy bỏ dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ bọc với cạnh sắc nhọn. Ekip bác sĩ tiến hành cắt bỏ đoạn ruột tổn thương và làm sạch ổ bụng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị, đã được xuất viện.

Theo TS.BS Trịnh Văn Thảo - Chủ nhiệm khoa Ngoại bụng Bệnh viện Quân y 175, điểm chung của 3 bệnh nhân là đều lớn tuổi, có trí nhớ và thị lực giảm sút, nhiều bệnh nền, phải uống nhiều loại thuốc điều trị hàng ngày.

Khẩu phần thuốc của các bệnh nhân được cắt sẵn từng loại và chia theo bữa. Trong đó một số thuốc được cắt ra từng viên từ vỉ lớn nhưng vẫn giữ trong vỉ bảo quản. Vì vậy dẫn đến việc bệnh nhân vô tình uống luôn mà không bóc thuốc ra khỏi vỉ.

Hậu quả, vỉ thuốc đã gây rách thủng ruột, trong quá trình di chuyển gây nhiễm trùng ổ bụng và đe doạ nghiêm trọng tính mạng người bệnh. Bác sĩ phải phẫu thuật lấy vỉ thuốc ra.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho cho bệnh nhân 78 tuổi thủng ruột do uống thuốc còn nguyên vỉ. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Cũng theo bác sĩ Thảo, đa số bệnh nhân vô tình uống thuốc còn nguyên vỉ mà không biết. Ngoài ra, có nhiều bệnh nhân nhận biết được việc nuốt phải dị vật nhưng cho rằng dị vật có thể đi ra ngoài được nên chủ quan không đến bệnh xử lý sớm.

Bác sĩ Thảo khuyến cáo người dân và nhân viên y tế cần tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc, không nên cắt chia thuốc đối với những thuốc cần bảo quản trong vỉ. Đối với người lớn tuổi, người có thị lực kém khi uống thuốc cần có sự giám sát của người thân hoặc nhân viên y tế.

Việc chia liều uống thuốc nên bóc sẵn bảo quản thời gian ngắn bằng túi zip hoặc trong hộp bảo quản thuốc. Nếu không may nuốt phải vỉ thuốc, cần tới ngay cơ sở y tế chuyên sâu để theo dõi và xử trí kịp thời.

Đ.K (T/h)

Tin nổi bật