Bé gái 4 tuổi nguy kịch vì mắc sốt xuất huyết
VOV đưa tin Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) vừa cứu sống kịp thời bé gái C.C.V (4 tuổi, người Campuchia) đang sống tại khu vực giáp ranh tỉnh Bình Phước, bị nguy kịch vì bệnh sốt xuất huyết.
Trước đó, bệnh trung ương sốt cao liên tục 2 ngày, điều trị tại địa phương không giảm. Đến ngày thứ 3, bé gái mệt nhiều, ói ra máu, li bì nên gia đình đưa qua biên giới, đến phòng khám tư tại tỉnh Bình Phước thăm khám và xét nghiệm với kết quả mắc bệnh sốt xuất huyết.
Gia đình nhanh chóng quyết định chuyển em vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp tục cứu chữa. Bé V. nhập khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 vào ngày 26/3 trong tình trạng suy hô hấp, mạch huyết áp khó đo, sốc kéo dài, suy đa cơ quan, tổn thương gan thận rất nặng và mất máu.
Ngay lập tức, bệnh nhi được cho thở máy, chống sốc với dung dịch điện giải, truyền bù các chế phẩm máu, sử dụng thuốc vận mạch và trợ tim. Sau 24 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhi được giải áp ổ bụng, lọc máu liên tục và điều trị bảo tồn gan.
Bác sĩ CKII Đỗ Châu Việt thăm khám cho bé gái. Ảnh: VOV
Sau 5 ngày nhập viện điều trị, bé V. không còn tình trạng xuất huyết, huyết động cải thiện dần, chức năng gan, thận dần phục hồi. Bé đã được ngưng lọc máu, cai máy thở và ra khỏi phòng hồi sức tích cực, tăng cường dinh dưỡng và sẽ xuất viện trong thời gian gần nhất.
Theo bác sĩ CKII Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Dengue thông qua muỗi vằn Aedes Aegypti. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm và gặp ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng dễ diễn tiến nặng, có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Việt khuyến cáo, khi trẻ sốt trên 24 giờ không giảm, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám nhằm xác định bệnh. Đặc biệt, cần theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm như: nôn ói nhiều, xuất huyết da niêm, đau bụng, li bì, tiểu ít, tay chân lạnh.
Nếu phát hiện trẻ không khỏe, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất tại địa phương để được xử trí ban đầu phù hợp, tránh việc di chuyển đường xa, thời gian lâu gây khó khăn cho việc điều trị sau đó.
Kích hoạt báo động đỏ cứu thanh niên gặp tai nạn giao thông
Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Tây Ninh cho hay vừa kích hoạt báo động đỏ mổ khẩn để cứu một nam thanh niên 25 tuổi nguy kịch do tai nạn giao thông vỡ nhiều tạng.
Cụ thể, sau ca trực đêm ở công ty, trên đường về nhà, một nam thanh thanh niên bị tai nạn xe máy nghiêm trọng khiến vùng hông phải đập vào vật cứng rất mạnh. Nạn nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng có vết thương 10 cm ngang xương sườn X – XI, huyết áp tụt, chảy máu trong ổ bụng, thận…
Bác sĩ xác định bệnh nhân bị vỡ thận độ IV, chấn thương gan độ III, thủng tạng rỗng, vết thương đứt gân gấp ngón II chân phải, vết thương hông phải kèm gãy hở xương sườn X, XI, XII phải.
Trước tình trạng nguy kịch, sốc chấn thương, mất máu, bệnh viện tập trung toàn lực vào cuộc khẩn để cứu bệnh nhân.
Các bác sĩ mở bụng xử trí tổn thương mạc nối lớn, cầm máu vùng gan dập, tĩnh mạch thận phải và cắt thận vỡ; xử trí vết thương bàn chân phải, cắt lọc và khâu nối gân duỗi bàn chân. Ca mổ phức tạp sau hơn 2 giờ căng thẳng đã cứu được nam thanh niên nhân thoát khỏi "cửa tử".
Người phụ nữ 68 tuổi bị chó nhà hàng xóm tấn công
VietNamNet đưa tin nữ bệnh nhân 68 tuổi (trú tại Đông Anh, Hà Nội) đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu. Theo người nhà, bệnh nhân đang quét ngõ bất ngờ con chó nhà hàng xóm (nặng hơn 20kg) lao tới tấn công.
Con chó hung dữ, liên tục cắn vào vùng mặt và tay, chân. Gia đình đã đưa bà đến cơ sở y tế gần nhà sơ cứu. Sau đó, bệnh nhân đã được chuyển đến Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh, cột sống để phẫu thuật.
Người bệnh được được tiêm phòng dại. Ảnh: VietNamNet
Bác sĩ Vũ Giang An - khoa Chấn thương chỉnh hình và thần kinh, cột sống - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân vào viện với nhiều vết thương đều hở, chảy máu.
Ở vùng miệng, toàn bộ môi dưới rách thông lên khoang miệng. Vùng mắt có vết thương mi dưới mắt trái rách xuống cánh mũi, lộ xương. Các bác sĩ phải khâu gần 70 mũi. Những vết thương này nguy cơ nhiễm trùng rất cao.
Sau phẫu thuật bệnh nhân đã ổn định, được hướng dẫn tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng dại và huyết thanh kháng dại.
Thời gian qua, Phòng tư vấn tiêm chủng vaccine - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến tiêm phòng dại do chó mèo và động vật hoang dã cắn.
Các bác sĩ khuyến cáo khi bị chó cắn người dân nên đến cơ sở y tế để được sơ cứu, vệ sinh, sát khuẩn và tư vấn tiêm phòng dại. Những hộ gia đình nuôi chó mèo cần tiêm phòng đầy đủ, sử dụng rọ mõm.
Đ.K (T/h)