Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 9/10: Đắp thuốc nam khi bị rắn cắn, bệnh nhi 13 tuổi tử vong

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/10/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 9/10/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Đắp thuốc nam khi bị rắn cắn, bệnh nhi 13 tuổi tử vong

Chiều ngày 8/10, Công Lý dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một bệnh nhi 13 tuổi trong tình trạng tím tái, mạch không, huyết áp không do bị rắn cắn.

Phát hiện bệnh nhi bị rắn cắn, gia đình không đưa ngay đến viện cấp cứu mà cho trẻ tới nhà thầy lang để đắp thuốc nam. Ảnh minh họa: Công Lý

Gia đình bệnh nhi kể lại, trẻ bị rắn cắn nhưng người nhà không lập tức đưa đi viện mà cho em đến thầy lang đắp thuốc nam. Tới chiều tối, vết cắn sưng tấy, bệnh nhi mệt mỏi, dần mất ý thức. Trên đường đến phòng khám cấp cứu, bệnh nhi rơi vào tình trạng hôn mê sâu và ngừng tuần hoàn ngay sau đó.

Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ ở phòng cấp cứu đã tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, thiết lập đường truyền và sử dụng các thuốc vận mạch. Sau ít phút cấp cứu, bệnh nhi có mạch trở lại, gia đình xin chuyển bệnh viện tỉnh điều trị tiếp.

Tuy nhiên, tình trạng nhiễm độc nặng nên dù được các bác sĩ ở phòng khám và Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu tích cực, bệnh nhi vẫn không qua khỏi.

Cấp cứu bệnh nhân bị tách thành động mạch chủ

Báo Quảng Ninh đưa tin, các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa can thiệp đặt stent graft cứu sống bệnh nhân bị tách thành động mạch chủ nguy kịch. Bệnh nhân là N.G.T (50 tuổi, trú tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh).

Trước đó, bệnh nhân đột ngột bị đau tức dữ dội vùng thượng vị, đau chói sau lưng kèm khó thở, vã mồ hôi, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tuyến dưới. Tại đây, các bác sĩ phát hiện huyết khối trong thành động mạch chủ nên lập tức chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh chẩn đoán bệnh nhân bị tách động mạch chủ ngực Stanford B cấp tính trên nền tăng huyết áp.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau khi can thiệp. Ảnh: BVCC/ Báo Quảng Ninh

Các bác sĩ nhận định đây là biến cố tim mạch nặng nề, phức tạp nên đã khẩn trương hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân, cùng lúc đó tiến hành hội chẩn nhanh từ xa với các chuyên gia đầu ngành của Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), quyết định can thiệp đặt stent graft để bảo vệ đoạn mạch đang bị tổn thương nặng nề. Được biết, Stent graft là một giá đỡ làm bằng kim loại đặc biệt có phủ màng bọc.

Stent graft có kích thước phù hợp được chuyển khẩn cấp về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh với sự hỗ trợ của tuyến Trung ương. Sau hơn 1 tiếng thực hiện, stent graft dài 170mm đã được các bác sĩ đặt thành công vào đoạn mạch.

Trong suốt quá trình can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, không đau đớn. Hiện, tình trạnh sức khỏe của bệnh nhân ổn định. Bệnh nhân hết đau ngực ngay sau khi can thiệp, ăn uống nói chuyện bình thường.

Nối bàn tay bị chém đứt lìa cho thiếu niên 17 tuổi

Pháp Luật TP.HCM đưa tin, ngày 8/10, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, đơn vị này vừa phẫu thuật khâu nối mạch máu không cần chỉ khâu cho một bệnh nhân bị chém đứt lìa tay.

Bệnh nhân là em T.Đ.K (17 tuổi, ngụ tỉnh An Giang), được chuyển tuyến trong tình trạng đứt lìa bàn tay phải do bị chém, chéo vát từ nếp gấp cổ tay đến khớp bàn ngón 5, vết đứt sắc gọn, nhiều dị vật.

Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật xuyên đêm nối bàn tay bị chém đứt lìa cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC/ Pháp Luật TP.HCM

Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã hội chẩn khẩn cấp, huy động ekip phẫu thuật trong 30 phút với mong muốn cứu lấy chức năng tay cho bệnh nhân. Sau 6 tiếng phẫu thuật xuyên đêm, các bác sĩ đã khâu nối phục hồi lại toàn bộ giải phẫu cho bàn tay bị đứt lìa, gồm cố định xương, khâu nối mạch máu, thần kinh, gân gấp, dân duỗi.

Kỹ thuật nối mạch bằng Coupler (dụng cụ bấm nối vi phẫu 2 đầu mạch máu không cần dùng chỉ khâu) đã giúp rút ngắn thời gian khâu nối mạch máu, phục hồi tưới máu bàn tay được sớm hơn, tập trung thời gian để khâu nối thần kinh, gân gấp, gân duỗi.

1 tuần sau ca phẫu thuật, bàn tay của bệnh nhân hiện hồng ấm, các ngón tay có thể cử động nhẹ. Bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tiếp ở Trung tâm Chấn thương chỉnh hình. Dự kiến trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ được đánh giá và tập vật lý trị liệu để phục hồi dần chức năng.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật