Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 8/11/2018: Cô dâu 62 tuổi tiết lộ cách bố chồng gọi tên mình khi ở nhà

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 8/11/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 8/11/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 8/11/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 8/11/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Cô dâu 62 tuổi tiết lộ cách bố chồng gọi tên mình khi ở nhà

Sau đám cưới với người chồng kém mình 36 tuổi vào hôm 20/9/2018, chị Lê Thị Thu Sao (62 tuổi, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) cập nhật liên tục những thay đổi ngoại hình của mình khiến nhiều người mến mộ và quan tâm tới chị không khỏi bất ngờ.

Chị đã nhờ đến các phương pháp thẩm mỹ như cấy mỡ tự thân lên mặt, làm răng, thay đổi kiểu tóc để tự tin hơn về nhan sắc. Người chồng 26 tuổi Triệu Hoa Cương thì nhấn mí mắt để đẹp hơn. Cả hai trước đó còn xăm tên nhau lên ngực để thể hiện tình cảm.

Ngày 7/11, chia sẻ trên VnExpress, chị Thu Sao nói mình hơn chồng tới 36 tuổi nên dù có trang điểm, ăn mặc cũng không ngăn được sự chênh lệch về tuổi tác. Chị bị người ta trêu là "bà ngoại của chồng". Chị đã quyết định làm răng sứ khi bác sĩ nói răng chị bị sâu, buốt và chẳng mấy nữa sẽ rụng.

Chị nói không còn nhận ra mình sau khi làm trẻ hoá xong vì cảm giác như bản thân chỉ hơn 30 tuổi.

Về phía nhà chồng, chị Sao xúc động khi bố mẹ chồng luôn quan tâm, hỏi han nếu lâu không thấy hai vợ chồng về chơi. Đặc biệt nhất có lẽ là cách xưng hô mà bố mẹ chồng dành cho chị.

"Bố mẹ chồng không bao giờ gọi tôi bằng tên, mà toàn gọi con dâu út. Tôi rất thích được về nhà chồng, sáng ngủ dậy rửa mặt bên bờ suối, bởi dòng suối chạy uốn lượn quanh nhà anh, cảm tưởng như trút hết những gánh nặng xô bồ ở thành phố", chị bày tỏ với VnExpress.

Hình ảnh hạnh phúc của vơ chồng chị Thu Sao.

Mới đây, người vợ 62 tuổi đăng clip tình cảm giữa hai vợ chồng lên trang cá nhân, kèm theo những tâm sự ruột gan. Chị bảo, từ ngày có anh Cương bên cạnh, chị không còn tủi thân, không còn phải ăn cơm nấu một bữa ăn cả ngày.

Người phụ nữ 62 tuổi chưa bao giờ hối hận về tình yêu với chồng kém 36 tuổi và nói sẽ cố gắng sống thật tốt những ngày tháng được ở bên nhau.

"Hôm nay em đã thực sự được xinh đẹp hơn, tỏa sáng hơn. Khi đi bên anh em được tự tin hơn và chồng yêu của em được tự hào về vợ của mình. Mình cũng muốn chia sẻ với các bạn rằng: Chúc mọi người luôn hạnh phúc nhé, nếu có thể hãy làm tất cả những gì mình muốn.

Cuộc sống rất đẹp và chỉ thật sự đẹp khi được sống là chính mình và tự tin bên một nửa của mình", chị Sao viết.

Bàn tay bé 1 tuổi bị bỏng nặng do điện giật

gày 7/11, thông tin từ Ths.Bs.CKII Thái Văn Bình - Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình cho biết, ngày 25/10 đã tiếp nhận trường hợp của bệnh nhi H.T.H (13 tháng tuổi, ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) trong tình trạng bỏng độ IV-V bàn tay trái (T) do bị điện giật.

Theo thông tin từ người nhà cho biết, vào 11h trưa ngày 17/10 trong lúc bà của cháu đang bơm nước, do bất cẩn trong lúc chăm sóc cháu nên đã để cháu H. chạy lại chạm tay vào ổ điện gây giật khiến cháu ngã xuống, hôn mê tại hiện trường. Cháu được người nhà đưa đến trung tâm y tế huyện cấp cứu. Sau 8 ngày điều trị, cháu được chuyển tiếp đến bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Bàn tay bé bị bỏng nặng do điện giật.

Theo Bs. Bình, khi nhập viện bàn tay trái của cháu bị bỏng nặng, ngón V bỏng độ III, độ IV lộ xương và gân ở đốt giữa, ngón IV bỏng độ III, bị lộ gân. Gan tay trái bỏng độ III, sâu. Các bộ phận khác bình thường. Ngay sau đó các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và chỉ định mổ cắt lọc, ghép da cho bệnh nhân.

Trường hợp của cháu H. một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ khi chăm sóc con nhỏ. Trẻ nhỏ nghịch ngợm đôi khi có thể cắn hay nhai dây điện, nhét những đồ vật bằng kim loại vào ổ điện hay nghịch phích cắm điện. Đó là lý do không ít trường hợp trẻ bị điện giật tới mức chấn thương, thậm chí tử vong.

Dưới đây là một số biện pháp ngăn ngừa trẻ bị điện giật mà các bậc cha mẹ cần lưu ý: Sử dụng ổ điện có nắp đậy; Đảm bảo tất cả các dây điện trong nhà được cách điện đúng cách; Để dây xa tầm tay của trẻ và có sự giám sát của người lớn khi trẻ đang trong một khu vực có nguy cơ bị điện giật; Để ý các thiết bị điện xung quanh bồn tắm, bồn rửa hoặc hồ bơi.

Cứu sống thai phụ bị túi phình mạch máu não

Mới đây, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM chị N.T.N (33 tuổi - ngụ quận 4, TP HCM) được chẩn đoán bị xuất huyết dưới nhện, một bệnh lý vỡ túi phình động mạch não nguy hiểm. Sau khi hội chẩn và cân nhắc các nguy cơ, các bác sĩ đã quyết định chủ động mổ lấy thai và tiếp tục can thiệp mạch máu não điều trị cho thai phụ sau sinh để giữ an toàn cho cả mẹ và con.

Ca mổ lấy thai thành công, em bé chào đời an toàn. Ngay hôm sau, sản phụ được thực hiện chụp DSA để xác định vị trí túi phình động mạch não sau và được can thiệp bít túi phình tại chỗ. Chị N. sau đó tiếp tục được điều trị hồi sức, chống co thắt mạch và dẫn lưu thắt lưng để hạn chế giãn não thất. Hiện người bệnh đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt trở lại, còn đau đầu nhưng đã bớt nhiều so với lúc mới nhập viện và được chỉ định xuất viện sau 3 tuần điều trị.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau mổ. 

TS.BS Trần Nhật Thăng, Phụ trách Khoa Phụ sản – Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, người trực tiếp mổ lấy thai cho trường hợp bệnh nhân này cho biết, vì thai nhi đã phát triển đầy đủ nên bác sĩ quyết định chủ động mổ lấy thai. Nếu để sản phụ chuyển dạ tự nhiên thì những cơn đau khi chuyển dạ sẽ khiến tình trạng xuất huyết não nặng nề hơn, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và con. Trong phẫu thuật lấy thai, người mẹ không cần gắng sức như sinh thường và được kiểm soát huyết áp liên tục nên đảm bảo không ảnh hưởng đến túi phình mạch máu não của người bệnh.

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, khoa Ngoại thần kinh – Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, vì chị N. đang mang thai nên việc điều trị xuất huyết dưới nhện rất phức tạp và gặp nhiều nguy cơ hơn các trường hợp thông thường. Theo bác sĩ Tuấn, túi phình động mạch não dù được điều trị nhưng vẫn có 1-5% nguy cơ tái phát trong 5 năm đầu. Vì vậy, chị N. cần được theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý duy trì sinh hoạt điều độ và giữ huyết áp ổn định vì cao huyết áp là yếu tố nguy cơ trực tiếp làm xuất hiện túi phình khác.

Ngoài ra xuất huyết dưới nhện còn có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề như nhồi máu não, dãn não thất làm tổn thương hệ thần kinh của người bệnh. Xuất huyết dưới nhện là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm. Do vậy, việc điều trị xuất huyết dưới nhện cần toàn diện, bao gồm điều trị triệt để túi phình, hồi sức sau phẫu thuật và theo dõi, phòng ngừa những biến chứng khác.

Rùng mình với ổ sán lợn khiến 108 người mắc ở Bình Phước

Ngày 7/11, thông tin từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM cho hay, vừa phát hiện ổ bệnh sán dây lợn (lợn gạo) từ những con lợn nuôi ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Từ ngày 2-10/4, các đơn vị y tế phối hợp xét nghiệm máu chẩn đoán huyết thanh bệnh ấu trùng sán dây lợn ở người tại các xã Phú Nghĩa, Đăk Ơ, Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập. Kết quả cho thấy, có 108/904 mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn (tỷ lệ 11,95%).

Các ấu trùng hình hạt gạo trong thịt lợn

Xét nghiệm những con lợn nghi ngờ bị nhiễm cho thấy ấu trùng sán với mật độ rất cao, 50-70 nang ấu trùng trong một kg thịt. Các bộ phận của lợn như cơ, não, lưỡi đều nhiễm nang ấu trùng.  Theo các bác sĩ, đây là một tình trạng nhiễm bệnh rất cao, khả năng lây lan rất lớn do tập quán ăn uống, sinh hoạt của nhân dân khu vực liên quan nhiều đến nhiễm bệnh từ thịt lợn chưa nấu chín.

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM đã có Công văn thông báo cho y tế địa phương về tình trạng nói trên để phối hợp tổ chức phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, đến nay việc điều trị cho những người nhiễm bệnh chỉ được thực hiện một số rất ít, có thể là do cơ sở y tế địa phương thiếu thuốc điều trị.

Mặt khác, các biện pháp tuyên truyền vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường đến người dân chưa được giải quyết triệt để. Bệnh có thể đã xảy ra ở nhiều địa phương khác nhưng chưa được phát hiện”.

Thu Hằng (T/h)

Tin nổi bật