Bé 14 tuổi bị sốc phản vệ sau khi ăn thịt ba ba
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời đại diện Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng cho biết, khoa Hồi sức cấp cứu - Sơ sinh của đơn vị vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhi P.V.M (14 tuổi) bị sốc phản vệ sau khi ăn thịt baba. Hiện tại, bệnh nhi đã ổn định và được xuất viện về nhà.
Trước đó, bệnh nhi được người thân đưa vào bệnh viện trong tình trạng kích thích, mệt, sốt cao liên tục 39 độ C, nổi ban đỏ toàn thân, ngứa nhiều, mạch nhanh nhỏ, huyết áp thấp và đau bụng từng cơn…
Bệnh nhi được xuất viện sau 1 ngày điều trị. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Khai thác nhanh từ gia đình người bệnh được biết, trước đó, bệnh nhi có ăn thịt baba. Sau bữa ăn khoảng 15 phút, bệnh nhi xuất hiện nổi ban mẩn đỏ toàn than, ngứa nhiều, đau bụng, nôn và đại tiện phân lỏng. Lúc này, gia đình có mua thuốc cho trẻ uống nhưng các dấu hiệu không thuyên giảm nên cho cháu vào bệnh viện cấp cứu.
Quá trình thăm khám, tìm hiểu bệnh sử của bệnh nhi, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốc phản vệ sau khi ăn thịt baba. Bệnh nhi được hồi sức, điều trị theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ.
Sau khi được điều trị cấp cứu, các triệu chứng nặng của bệnh nhi thuyên giảm, toàn trạng ổn định, không còn các dấu hiệu sốc phản vệ, trẻ được theo dõi tiếp tục tại khoa. Sau 1 ngày điều trị, bệnh nhi được xuất viện về nhà.
Nam thanh niên bị xe máy đâm khi vừa bước xuống ô tô
VietNamNet thông tin, từ ghế lái mở cánh cửa ô tô bước xuống, anh Q. (27 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) bị xe máy đâm từ phía sau khiến vùng bẹn đùi chân trái của anh chảy nhiều máu. Ngay lập tức, bệnh nhân được người đi đường đưa thẳng vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tối hôm 3/6.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, người phẫu thuật cho bệnh nhân, nhận định vết thương mạch máu ngoại vi lớn, nặng nề, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Sau khoảng 10 phút nhập viện, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu sốc mất máu, đã được cấp cứu băng ép cầm máu. Bệnh viện bật báo động đỏ, bệnh nhân được đẩy thẳng phòng mổ, khi bác sĩ mở băng ép, máu phun thành dòng. Lập tức, các bác sĩ tiến hành cặp cầm máu bằng clum mạch máu.
Bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Hồi sức ngoại. Ảnh: VietNamNet
Kiểm tra kỹ, bệnh nhân còn có nhiều tổn thương tại đùi và dập nát nhiều tổ chức xung quanh, bắt buộc phải nhanh chóng khâu phục hồi động tĩnh mạch đùi và các thương tổn kèm theo.
Ngày 7/6, sau 4 ngày vào viện, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vận động được chân bên tổn thương, đầu chi hồng ấm, mạch mu chân, mạch ống gót bắt rõ, còn tê bì 1/3 giữa dưới phía trong đùi bên tổn thương.
Trước và trong mổ bệnh nhân mất khoảng 3 lít máu, đã được truyền bù khoảng 1,8 lít trong mổ. Bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Hồi sức ngoại, dự kiến sẽ ra viện trong vài ngày tới.
Nhập viện sau khi dùng thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc
Theo VTC News, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho hay vừa cấp cứu cho bà N.T.Đ (64 tuổi, ở xã Hồng Đà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị suy tuyến thượng thận do thuốc, rối loạn điện giải, viêm phổi, đái tháo đường type 2.
Bà Đ. có tiền sử đau xương khớp nhiều năm, dùng nhiều loại thuốc tê giảm đau không rõ nguồn gốc. Cách ngày nhập viện khoảng 3 ngày, người bệnh thấy mệt mỏi nhiều, buồn nôn, khó thở, ho khạc đờm nhiều, nhập viện điều trị.
Bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc chậm, đau mỏi xương khớp, yếu mỏi cơ, khó thở sau những cơn ho. Người bệnh xuất hiện hội chứng Cushing với các dấu hiệu như béo vùng trung tâm, mặt to tròn, rậm lông vùng ria mép, da mỏng có nhiều đám xuất huyết, hội chứng nhiễm trùng rõ.
Mặt và chân của bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận do thuốc. Ảnh: VTC News
Qua thăm khám lâm sàng, tổng hợp các kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng, người bệnh được chẩn đoán: Suy tuyến thượng thận do thuốc, rối loạn điện giải, viêm phổi, đái tháo đường type 2.
Bà được điều trị bệnh suy tuyến thượng thận bằng thuốc Glucocorticoid theo phác đồ của Bộ Y tế, điều chỉnh đường máu bằng Insulin và điều trị các bệnh kèm theo theo phác đồ.
Sau 10 ngày điều trị, tình trạng người bệnh tiến triển tốt, đỡ mệt mỏi, đỡ ho, không buồn nôn, không khó thở, kiểm soát được đường huyết. Người bệnh ra viện, tiếp tục dùng thuốc theo đơn và khám hàng tháng theo hẹn.
Đinh Kim (T/h)