Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 7/9: Cứu sống bệnh nhân 56 tuổi bị ngộc độc Metformin

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 7/9/2022. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 7/9/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Cứu sống bệnh nhân 56 tuổi bị ngộc độc Metformin

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật, Bệnh viện Đa khoa An Phước vừa cứu sống bệnh nhân N.P.Q (56 tuổi, trú tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). Trước khi nhập viện 1 ngày, người bệnh bị đau quặn bụng, ói nhiều lần ra thức ăn, diễn tiến mệt, khó thở. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2 (đang điều trị Metformin 2550 mg/ngày), tăng huyết áp, di chứng liệt nửa người nhồi máu não cũ.

Tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (khoa ICU), bệnh nhân nhanh chóng được thăm khám và làm xét nghiệm lâm sàng với các  biểu  hiện bứt rứt, chân tay lạnh, tím đầu chi, mạch quay khó bắt, thở nhanh, huyết áp tụt.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc Metformin biến chứng toan chuyển hóa nặng tăng Lactate máu, suy đa cơ quan, trụy tim mạch, tổn thương thận cấp thể vô niệu, tăng kali máu, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, di chứng nhồi máu não cũ.

Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhân. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật

Bệnh nhân được các bác sĩ xử trí đặt ống nội khí quản, thở máy, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, đặt catheter động mạch đo huyết áp động mạch xâm lấn, bù dịch Natribicarbonate và dùng thuốc vận mạch (Noradrenalin 1.8 ug/kg/ph và Adrenalin 0.2ug/kh/ph), kháng sinh (Meropenem + Levofloxacin ).

Tuy nhiên, do toan chuyển hóa quá nặng nên tình trạng huyết động của bệnh nhân không được cải thiện (73/46/32mmHg). Ngay lập tức, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định tiến hành lọc máu liên tục, Mode CVVHDF (lọc máu liên tục có thẩm tách) cho bệnh nhân.

Sau khi lọc máu liên tục 8 giờ, huyết áp bệnh nhân dần được cải thiện (118/76/54mmHg). Sau 16 giờ lọc máu liên tục, bệnh nhân bắt đầu có nước tiểu và sau 36 giờ hồi sức tích cực và lọc máu liên tục, bệnh nhân đã cắt được hoàn toàn thuốc vận mạch.

Qua 2 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã được rút nội khí quản, tự thở tốt, các chỉ số sinh tồn và xét nghiệm dần về ổn định. Từ trường hợp này, bác sĩ Phạm Tấn Vương ở Bệnh viện Đa khoa An Phước khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường cần tái khám thường xuyên, đúng lịch hẹn để điều trị thuốc theo đúng phác đồ, tầm soát các biến chứng đái tháo đường, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Bé gái 13 tuổi sốc phản vệ sau khi ăn tôm, cua

Báo Tiền Phong thông tin, Phòng khám đa khoa Hùng Vương - Chân Mộng tiếp nhận nữ bệnh nhi 13 tuổi trong tình trạng hôn mê, nổi ban toàn thân (ban dị ứng), phù quincke mắt, nghe có co thắt vùng khí quản, thở rít, M 90l/ph, HA 110/70mmHg.

Gia đình bệnh nhi cho biết, bé có ăn cua và tôm, sau ăn khoảng 1,5 tiếng thì xuất hiện mẩn ngứa ít tay chân kèm có đi ngoài số lượng ít, tự uống 2 viên Loperamide nhưng không đỡ. Sau đó, mẩn người lan rộng toàn thân, bệnh nhi lơ mơ gọi hỏi không trả lời, đại tiểu tiện không tự chủ.

Ngay lập tức, bệnh nhi được các bác sĩ xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ, thuốc Adrenalin, methylpresnison, kháng histamin. Sau khi được hồi sức tích cực, bệnh nhi qua cơn nguy kịch và được chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương để tiếp tục điều trị.

Nhân trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo dị ứng, sốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm…, mọi người cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Phẫu thuật cắt khối u “khủng” cho bệnh nhân 72 tuổi

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) vừa phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u “khổng lồ” tại ổ bụng của bệnh nhân N.V.L (72 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội). Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường điều trị không thường xuyên, ngoài ra còn có thói quen uống bia nhiều, thể trạng béo nhiều năm, đại tiện khó, tiểu đêm nhiều.

Trước khi đến viện khám, người bệnh xuất hiện mệt mỏi, ý thức chậm, méo miệng, ăn uống rớt thức ăn. Các xét nghiệm tại bệnh viện chẩn đoán bệnh nhân mắc đột quỵ - nhồi máu não/ tăng huyết áp, có u lớn hạ vị. Sau khi thăm khám, làm cách xét nghiệm cận lâm sàng, hội chẩn chuyên khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Nội tổng hợp, Ngoại tiêu hóa, các bác sĩ thống nhất đưa ra hướng xử trí toàn diện cho bệnh nhân.

Qua 4 ngày điều trị nội khoa tích cực, tình trạng nhồi máu não ổn định, không có di chứng, bệnh nhân ăn uống tốt, đi lại bình thường. Người bệnh được chuyển sang khoa Ngoại tiêu hóa để điều trị tiếp loại bỏ khối u. Nghe các bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, bệnh nhân và gia đình vô cùng bất ngờ khi biết có khối u lớn 20 x 25 cm trong bụng người đàn ông. Trước đó, bệnh nhân vẫn chủ quan cho rằng “béo bụng do uống bia” và không đi khám bệnh bao giờ.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u cho người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Bệnh nhân được chuyển sang khoa Ngoại tiêu hóa và xếp lịch phẫu thuật sau khi thông qua hội đồng duyệt mổ bệnh viện. Khối u lớn chiếm hết cả tiểu khung, đè đẩy mạnh bàng quang, trực tràng, là nguyên nhân khiến bệnh nhân khó đại tiện, đi tiểu liên tục, tiểu đêm nhiều. Được biết, khối u nặng 2,7kg nằm ngay sát niệu quản và các mạch máu lớn khiến phẫu thuật rất khó khăn. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy đây là một khối u cơ trơn lành tính.

Chia sẻ về ca bệnh, bác sĩ CKII Bùi Đức Duy – Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa cho hay trường hợp này rất phức tạp, bệnh nhân mắc phối hợp nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường đã có biến chứng nhồi máu não, kèm theo khối u rất lớn sau phúc mạc.

Khối u gây đè đẩy, chèn ép rất mạnh tới các tạng trong ổ bụng và nguy cơ xâm lấn, liên quan tới niệu quản và các mạch máu lớn sau phúc mạc, tiên lượng cuộc phẫu thuật cũng như quá hình hồi phục sau phẫu thuật sẽ rất khó khăn.

Sau phẫu thuật 5 ngày, người bệnh đã có thể ăn uống bình thường, đi lại tốt, vết mổ khô và được xuất viện. Loại bỏ được khối u nặng gần 3kg, bệnh nhân cảm thấy nhẹ nhõm hơn trước rất nhiều, đại tiện dễ, giảm hẳn tiểu đêm. Ra viện, bệnh nhân được cho đơn thuốc điều trị các bệnh mạn tính và dặn tái khám theo hẹn nhằm theo dõi và điều chỉnh điều trị và sinh hoạt kịp thời, phù hợp.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật