Người phụ nữ sốc phản vệ nặng sau tiêm kháng sinh tĩnh mạch
Báo Giáo Dục và Thời Đại thông tin, Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) vừa cứu sống một nữ bệnh nhân 50 tuổi sốc phản vệ nặng sau tiêm kháng sinh tĩnh mạch. Được biết, bệnh nhân có tiền sử hen phế quản, vào viện do sốt cao, ho, khó thở.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, người bệnh được chẩn đoán hen phế quản bội nhiễm và chỉ định điều trị theo hướng thở oxy, kháng sinh, giãn phế quản, corticoid dạng khí dung.
Tuy nhiên, sau khi tiêm tĩnh mạch chậm kháng sinh Axuka, bệnh nhân lập tức xuất hiện khó thở dữ dội, da môi tím, nôn nhiều, huyết áp tụt, nghe phổi ran rít hai bên tăng. Các bác sĩ chẩn đoán nhanh: Phản vệ độ III do kháng sinh Axuka, tiến hành cấp cứu theo phác đồ phản vệ của bộ Y tế.
Tình trạng bệnh nhân không đáp ứng, xuất hiện ngừng tuần hoàn, các bác sĩ tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, đặt ống nội khí quản, song song với xử trí phản vệ theo phác đồ. Sau 20 phút cấp cứu, bệnh nhân có mạch trở lại, SpO2 85%, da niêm mạc đỡ tím, phổi ran rít đỡ giảm, duy trì vận mạch Adrenalin bơm tiêm điện và thở máy.
Người bệnh được cung cấp thẻ dị ứng có xác nhận của bác sĩ điều trị. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại
Sau 1 tiếng, bệnh nhân tỉnh dần, nghe phổi đỡ ran, tiếp tục theo dõi sát bệnh nhân tránh tái sốc pha 2. Qua 1 ngày điều trị, tình trạng người bệnh tiến triển tốt hơn, giảm dần liều và cắt vận mạch, dừng thở máy, rút ống nội khí quản.
Hiện, người bệnh đã ổn định, đủ điều kiện xuất viện, được cung cấp thẻ dị ứng có xác nhận của bác sĩ điều trị, trong đó có đầy đủ thông tin cá nhân, tên loại thuốc, số điện thoại liên lạc để dự phòng phản vệ.
Rong kinh suốt 7 năm vì vết khuyết của sẹo mổ lấy thai
Ekip bác sĩ khoa Phụ Sản Bệnh viện Đa khoa Gia Đình vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân H.T.T (37 tuổi, trú tại Nông Sơn, Quảng Nam) có vết khuyết sẹo mổ lấy thai, theo Công An TP Đà Nẵng.
Trước đó, bệnh nhân đến viện thăm khám do chu kỳ hành kinh kéo dài hơn 20 ngày trong một tháng kèm với đau bụng âm ỉ khiến cho cuộc sống của chị gặp nhiều khó khăn, bất tiện. Người bệnh cho biết đã chịu đựng tình trạng này kể từ khi sinh mổ em bé thứ hai, tính từ năm 2015 đến nay đã được 7 năm.
Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, kết quả siêu âm đầu dò tử cung ghi nhận đoạn sẹo mổ cũ với hình ảnh khuyết đáy sẹo kích thước 8.6*7*13 mm ở tử cung kèm ứ dịch. Ekip BSCKII Trương Quốc Việt và ThS.BS Lê Như Ngọc hội chẩn, xác định khuyết sẹo mổ cũ là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hiện tại. Bệnh nhân sau đó được tư vấn nhập viện, chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật nội soi tạo hình đoạn vết mổ lấy thai.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Công An TP Đà Nẵng
Theo bác sĩ Việt, ca phẫu thuật này đặt ra cho ekip nhiều thách thức, trong phẫu thuật ghi nhận tử cung của bệnh nhân đã dính chặt vào thành bụng trước trong khi bàng quang treo rất cao kèm với tình trạng tụ dịch ở vết khuyết sẹo. Để xử trí được tình huống này, ekip bác sĩ đã tiến hành kết hợp cả phương pháp mổ nội soi buồng tử cung và nội soi ổ bụng.
Các bác sĩ bóc tách thật cẩn thận, gỡ dính từng ít một để giải phóng tử cung, đẩy bàng quang xuống thấp, cắt lọc đoạn cơ tử cung tại vị trí sẹo cũ, khâu phục hồi vết sẹo mà không gây tổn thương thêm cho tử cung cũng như các cơ quan lân cận.
Ca phẫu thuật kéo dài 1,5 tiếng, bệnh nhân được chuyển về phòng hậu phẫu và tiếp tục được chăm sóc. Người bệnh được xuất viện sau 5 ngày phẫu thuật, khi sức khoẻ ổn định, vết mổ đã khô, có thể tự đi lại, ăn uống.
Bác sĩ Việt cho hay, tuy thời gian phục hồi sau phẫu thuật khuyết sẹo mổ của bệnh nhân tương đối nhanh chóng nhưng quá trình theo dõi và quản lý bệnh sẽ cần phải kéo dài sau đó từ 3-5 tháng. Bác sĩ sẽ xem xét chu kỳ kinh nguyệt, hiện tượng rong kinh, đau bụng kèm với kết quả siêu âm kiểm tra lại để kết luận mức độ thành công của cuộc phẫu thuật.
Cấp cứu người đàn ông ngưng tim trên đường đến bệnh viện
Theo báo Người Lao Động, nam bệnh nhân 44 tuổi ở TP.HCM bị đau nhức trước ngực trái kèm khó thở. Sau khi khám ở một bệnh viện gần nhà, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim.
Người bệnh lập tức được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á để can thiệp cấp cứu. Tuy nhiên, trên đường di chuyển, bệnh nhân đã ngưng tim. Bác sĩ Nguyễn Đăng Khoa, Khoa can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, cho biết bệnh nhân đến viện trong tình trạng hôn mê, ngưng tuần hoàn hô hấp, mạch không bắt được, huyết áp không đo được.
Hình ảnh mạch vành tim trước và sau khi can thiệp. Ảnh: Người Lao Động
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khẩn trương tiến hành hồi sức tim phổi, ép tim ngoài lồng ngực và đặt nội khí quản. Trong quá trình cấp cứu, bệnh nhân lên cơn rung thất 5 lần, khiến tim đập nhanh bất thường làm mất nguồn cung cấp máu đến các cơ quan quan trọng.
Người bệnh lập tức được sốc điện chuyển nhịp. Sau 45 phút hồi sức tim phổi, bệnh nhân có mạch và huyết áp trở lại. Ekip chuyên khoa Can thiệp tim mạch nhận định chụp và can thiệp động mạch vành cấp cứu cho bệnh nhân là việc không thể chậm trễ.
Kết quả chụp động mạch vành cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch mạn tính, ekip tiến hành đặt stent tái thông mạch máu bị tắc. Sau can thiệp, tình trạng ổn định, mạch 106 lần/phút, huyết áp 138/69 mmHg.
Bác sĩ Khoa quyết định giảm liều thuốc vận mạch và chuyển bệnh nhân về khoa Hồi sức tích cực (ICU) để theo dõi và điều trị. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tiếp xúc tốt, không đau ngực, chức năng thận cải thiện, men gan giảm, không khó thở khi nằm, có thể gắng sức nhẹ, sinh hoạt vận động tại giường tốt.
Đinh Kim (T/h)