Người đàn ông co giật nguy kịch khi chuẩn bị can thiệp cấp cứu
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết vừa kịp cứu nam bệnh nhân P.V.A (56 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) co giật nguy kịch trước mặt bác sĩ khi đang khám bệnh và chuẩn bị can thiệp, theo báo Người Lao Động.
Được biết, bệnh nhân vốn là một người khỏe mạnh, chưa từng điều trị bệnh lý mãn tính nào, được đưa vào cấp cứu trong tình trạng đau ngực trái dữ dội. Chẩn đoán ban đầu cho thấy bị nhồi máu cơ tim cấp ST.
Trong lúc bác sĩ đang giải thích bệnh với người nhà và chuẩn bị can thiệp cấp cứu, bệnh nhân lên cơn co giật, rung thất, loạn nhịp rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong. Các bác sĩ phải sốc điện chuyển nhịp, sau 15 phút sốc điện, tim trở về nhịp xoang, huyết áp ổn định, bệnh nhân hồi tỉnh, đồng thời chuyển đi can thiệp khẩn cấp.
Bệnh nhân bất ngờ lên cơn co giật, rung thất, loạn nhịp rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong khi bác sĩ đang giải thích bệnh với người nhà và chuẩn bị can thiệp cấp cứu. Ảnh: Người Lao Động
Kết quả cho thấy mạch vành của bệnh nhân bị tắc hoàn toàn và được đặt stent thông mạch, cứu sống trong tích tắc. Theo bác sĩ CKI Phạm Phước Mẫn (người trực tiếp can thiệp), thời gian đặt stent mạch vành chỉ khoảng 30-45 phút tính từ lúc bệnh nhân nhập viện.
Phẫu thuật điều trị bướu phần mềm cánh tay (P) rất to cho bệnh nhân
Báo Cần Thơ dẫn lời bệnh nhân N.V.N (85 tuổi, ngụ tại P1, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Nai) cho biết ông phát hiện bệnh tình hơn 10 năm, có khối u vùng cánh tay (P), lớn chậm không đau. Người bệnh đã mổ 1 lần, sau mổ không co gấp được các ngón tay (P) phải mổ lại tại tuyến trung ương.
Theo thời gian khối bướu xuất hiện trở lại, không gây khó chịu nhiều, bệnh nhân rất sợ mổ thêm lần nữa vì tuổi cao, sức yếu. Gần đây, thấy khối u lớn nhanh, đau, loét chảy máu, sinh hoạt rất khó khăn, khó chịu, bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa Ung bướu Bệnh viện đại học Nam Cần Thơ.
BS CKII Ngô Nhất Linh – Trưởng khoa Ung bướu đã thăm khám và đánh giá bệnh nhân mang khối bướu 30cm, tăng sinh mạch máu, có sẹo mổ dài 20cm, có ổ loét da 2cm dễ chảy máu, di động tốt, bờ đều, chắc chiếm 2/3 dưới ngoài trước cánh tay (P), bệnh nhân kèm tăng huyết áp.
Cánh tay người bệnh sau phẫu thuật. Ảnh: Báo Cần Thơ
Người bệnh được đánh giá bướu bằng chụp cộng hưởng từ cánh tay (P) và làm các xét nghiệm đánh giá trước mổ. Các y bác sĩ khoa Ung bướu đã hội chẩn chẩn đoán bướu phần mềm cánh tay (P) nghĩ nhiều lipoma hoặc liposarcoma loét chảy máu/tăng huyết áp/lão suy. Qua tư vấn kế hoạch điều trị cho bệnh nhân, người bệnh và gia đình đồng ý lựa chọn can thiệp phẫu thuật.
Ngày 30/7, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt trọn khối bướu cho bệnh nhân (khối bướu 1,5kg). Sau mổ 3 ngày, bệnh ổn định, vết mổ khô, nề nhẹ, không đỏ, người bệnh không sốt, cử động cánh tay, khuỷu tay và các ngón tay (P) bình thường, đau vết mổ ít, các chỉ số sinh tồn bình thường. Dự kiến bệnh nhân diễn tiến thuận lợi sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Nam bệnh nhân shock mất máu do chảy máu ổ loét dạ dày
Infornet thông tin, nam bệnh nhân 49 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc, mất máu mức độ nặng, từ kết quả nội soi tiêu hoá, các bác sĩ phát hiện ổ loét dạ dày máu chảy thành tia. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành kẹp cầm máu. Tuy nhiên, do ổ loét lớn, thủ thuật kẹp clip không thể cầm máu triệt để, bệnh nhân được chuyển phẫu thuật tối cấp cứu cắt đoạn dạ dày, cầm máu.
Theo bác sĩ Đặng Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, người bệnh bị sốc mất máu nặng do chảy máu ổ loét dạ dày. Do đó, ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ kích hoạt báo động đỏ toàn viện, toàn bộ ekip bác sĩ gây mê – hồi sức – phẫu thuật – huyết học phối hợp chặt chẽ thực hiện phẫu thuật, đảm bảo an toàn cho người bệnh, thoát khỏi cơn nguy hiểm. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đang được theo dõi sát tại khoa hồi sức tích cực của bệnh viện.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đang được theo dõi sát tại khoa hồi sức tích cực của bệnh viện. Ảnh: Infornet
Được biết, chảy máu ổ loét dạ dày – tá tràng là một trong các biến chứng cấp tính nguy hiểm thường gặp nhất của bệnh này. Khi gặp biến chứng như vậy, bệnh nhân cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời bằng can thiệp phẫu thuật cầm máu. Nếu không được điều trị đúng cách kịp thời bệnh nhân có thể tử vong do sốc mất máu, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng.
Đinh Kim (T/h)