Cứu nữ sinh 18 tuổi bị đột quỵ nhồi máu não
Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ TS.BS Tạ Vương Khoa - Phó Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ tại đây vừa điều trị thành công cứu nữ sinh 18 tuổi (đang là học sinh tại Đắk Nông) bị đột quỵ nhồi máu não.
Theo đó, bệnh nhân được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu trong tình trạng tri giác trì trệ, rối loạn phát âm nặng, yếu nửa người trái không đi lại được. Bệnh viện nhanh chóng kích hoạt quy trình báo động đột quỵ (code stroke).
Bệnh nhân được thực hiện gần như đầy đủ loạt xét nghiệm tầm soát dành cho đột quỵ người trẻ như bilan đông máu toàn bộ, siêu âm tim, siêu âm mạch máu hệ thống, siêu âm xuyên sọ (test bọt khí), X-quang ngực, Holter ECG, định lượng protein đông máu di truyền, marker viêm, bilan lipid máu…, đặc biệt là các xét nghiệm hình ảnh học sọ não (CT, MRI, DSA).
Ekip bác sĩ điều trị chụp hình lưu niệm cùng bệnh nhân và gia đình trong ngày xuất viện. Ảnh: Người Lao Động
Kết quả cho thấy người bệnh bị đột quỵ nhồi máu não cấp vùng nhân bèo, bao trong phải giờ thứ 24 do tắc cấp tính động mạch não giữa phải bởi huyết khối xâm lấn từ túi phình động mạch não giữa phải. Kích thước túi phình là 23x18mm, gần đạt tiêu chuẩn của một túi phình khổng lồ với cơ chế gây đột quỵ là thuyên tắc huyết khối tại chỗ.
Bác sĩ Khoa cho biết thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã quá cửa sổ điều trị tái thông. Vì vậy, ekip không đặt ra chỉ định can thiệp nội mạch lấy huyết khối động mạch não giữa bằng dụng cụ cơ học.
Sau 10 ngày được điều trị nội khoa và chăm sóc tích cực, bệnh nhân hồi phục tốt các triệu chứng, được xuất viện vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, phát âm gần như bình thường, sức cơ nửa người trái cải thiện rõ rệt, tự đi lại được.
XEM THÊM: Đốt than sưởi cho phụ nữ mới sinh, một em bé tử vong, 3 người hôn mê
Tại buổi xuất viện, gia đình bệnh nhân không giấu được niềm vui và hạnh phúc, bày tỏ lòng biết ơn đối với ekip điều trị. "Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đã cứu sống đứa đứa con duy nhất của gia đình tôi. Niềm vui này không thể nào diễn tả được bằng lời. Xin cảm ơn ê-kíp bệnh viện đã cho con tôi được khỏe mạnh về nhà đón Tết", mẹ bệnh nhân xúc động nói.
Mổ cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhân có vết thương thấu bụng
Theo thông tin trên tạp chí Tri Thức, bệnh nhân là P.V.T., 21 tuổi, trú tại phường Tân An (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Được biết, cách thời gian nhập viện 30 phút, người bệnh bị dao nhọn đâm, có vết thương thấu bụng, chảy máu nhiều.
Người nhà bệnh nhân kể, sau khi bị đâm, T. được sơ cứu băng ép vết thương bằng vải sạch, sau đó chuyển đến Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên bằng ô tô. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tại khoa Cấp cứu đã nhanh chóng đưa bệnh nhân đi siêu âm và chụp X-quang ổ bụng để đánh giá mức độ tổn thương. Bệnh nhân được chẩn đoán vết thương thấu bụng và được chỉ định mổ cấp cứu khẩn cấp.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Tri Thức
Kíp phẫu thuật do bác sĩ CKI Hoàng Dũng - Trưởng khoa Ngoại, trực tiếp đảm nhận. Bệnh nhân được mổ mở bụng đường trắng giữa trên và dưới rốn 15 cm. Theo chia sẻ của bác sĩ, bên trong bụng của bệnh nhân có nhiều máu, rách mạc nối lớn, rách hỗng tràng kích thước xấp xỉ 0,5 cm. Các bác sĩ đã khâu cầm máu mạc nối lớn, khâu hỗng tràng và lau rửa sạch ổ bụng.
Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân tốt, hô hấp bình thường, được nằm tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại, Trung tâm Y tế.
Chấn thương bụng và vết thương bụng là cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm 10-13% tổng số mổ cấp cứu do chấn thương và vết thương nói chung.
Chẩn đoán chủ yếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng như tính chất của vết thương (gọn, sạch do vật sắc nhọn, bẩn - phức tạp nếu do hỏa khí…), thăm khám toàn trạng (sốc mất máu, nhiễm trùng), thăm khám qua siêu âm ổ bụng, X-quang bụng, chụp cắt lớp vi tính, tổng phân tích máu, sinh hóa máu…
Người phụ nữ nhập viện sau khi cấy chỉ trị đau lưng
VTV Times đưa tin, người phụ nữ 55 tuổi vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) trong tình trạng các ổ cấy chỉ nhiễm trùng sưng tấy, chảy dịch.
Theo người bệnh chia sẻ, trước đó, người bệnh có đi cấy chỉ trị đau lưng. Tuy nhiên, sau cấy chỉ một thời gian, bệnh không đỡ mà mức độ đau lưng còn nặng hơn, tại vị trí cấy chỉ sưng nề, chảy dịch mủ trắng.
Các ổ nhiễm trùng sau cấy chỉ tại vùng cẳng chân của người bệnh. Ảnh: VTV Times
Người bệnh nhập viện trong tình trạng các ổ cấy chỉ tại nhiều vị trí trên cơ thể: vùng cẳng chân phải, gối phải, khuỷu tay trái, vai phải, đùi đều nhiễm trùng sưng tấy, chảy dịch, miệng vết thương xơ cứng. Các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật cắt lọc, làm sạch và khâu kín vết thương.
Qua trường hợp người bệnh trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân, việc thực hiện các phương pháp thủ thuật cần được tiến hành ở các cơ sở y tế để đảm bảo về mặt vô trùng. Không nên tự ý điều trị tránh nguy cơ "tiền mất tật mang", không hiệu quả, thậm chí còn nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.
Đinh Kim (T/h)