Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/2: Gắp đinh sắt dài 2,5cm trong tá tràng của bé 2 tuổi

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/2/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 3/2/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Gắp đinh sắt dài 2,5cm trong tá tràng của bé 2 tuổi

Báo Quảng Ngãi đưa tin, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi vừa nội soi, gắp thành công dị vật là đinh sắt dài 2,5cm trong tá tràng trẻ 2 tuổi. Cụ thể, bé T.N.G.Đ (2 tuổi, ở TDP Gò Dép, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) được người nhà đưa đến bệnh viện lúc 12h30 ngày 2/2.

Theo người nhà kể lại, lúc 8h cùng ngày, khi chơi cùng ông đang làm việc trong nhà với đinh, ốc, vít, bệnh nhân nuốt một cái đinh. Sau đó, trẻ ho, khóc và được người nhà đưa đến bệnh viện.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh thực hiện chụp X-quang đường tiêu hóa có thuốc cản quang, phát hiện có dị vật đinh sắt. Trẻ được nhịn ăn, truyền dịch.

Đinh sắt dài 2,5cm được các bác sĩ nội soi gắp ra. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Các bác sĩ thực hiện nội soi đường tiêu hóa có gây mê, khi nội soi đến tá tràng có dị vật, bác sĩ đã gắp ra dị vật đinh sắt dài 2,5cm qua nội soi bằng kìm và thòng lọng. Sau nội soi, gắp dị vật, trẻ tỉnh táo, hiện đã ăn uống được. 

Theo các khuyến cáo của bác sĩ Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi, trẻ nhỏ thường vô tình nuốt phải các dị vật nhỏ. Do đó, người nhà cần chủ động phòng tránh, ngăn chặn trẻ cầm, nắm các vật nhỏ. Khi phát hiện trẻ không may nuốt phải dị vật, cần đưa trẻ sớm đến bệnh viện để được can thiệp, xử lý phù hợp.  

Bé 14 tháng tuổi ngộ độc nặng sau khi uống dầu hỏa

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên vừa thông tin về trường hợp một bệnh nhi 14 tháng tuổi (ngụ Kim Động, Hưng Yên) nhập viện do uống nhầm dầu hỏa.

3 ngày trước, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tím tái, khó thở, nguy kịch. Các bác sĩ đã nhanh chóng hỗ trợ hô hấp bằng máy áp lực cao cho bệnh nhi kết hợp dùng kháng sinh phổ rộng. Hiện bệnh nhi vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ Hà Thị Phượng - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên cho biết, ngộ độc do uống nhầm hóa chất rất dễ xảy ra ở trẻ em. Các trường hợp uống dầu hỏa, xăng có thể gây viêm phổi bởi bệnh nhân dễ hít phải hơi độc của hóa chất. Đặc biệt, bác sĩ khuyến cáo khi trẻ đã uống dầu hỏa, xăng, người lớn không được móc họng gây nôn.

XEM THÊM: Đứt tay khi mổ lợn, người đàn ông nhiễm liên cầu lợn sau khi dùng tay bốc thịt

“Thực tế, khi tai nạn xảy ra, hành động đầu tiên của người lớn để xử trí thường là móc họng gây nôn nhằm loại bỏ độc chất ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nôn ra trong trường hợp trẻ đã uống nhầm xăng, dầu sẽ khiến hơi xăng dầu xâm nhập nhiều hơn vào đường hô hấp, chưa kể đến những tai biến có thể xảy ra như sặc chất nôn vào đường thở. Tốt nhất trong trường hợp này là nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời”, bác sĩ Phượng khuyên.

Bác sĩ Phượng cũng lưu ý, các gia đình cần cẩn thận trong việc trông nom và chăm sóc trẻ nhỏ. Những hóa chất có thể gây nguy hiểm cho trẻ như dầu hỏa, xăng, dầu nhờn, nước giặt, nước sôi… phải để xa tầm tay trẻ. Những đồ dùng, thiết bị điện cũng cần được chú ý để bảo đảm an toàn cho trẻ, tránh tình huống đáng tiếc xảy ra.

Suy hô hấp biến chứng ngừng tuần hoàn do ăn lá ngón

Theo thông tin trên VTV Times, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa cấp cứu cho một trường hợp ngộ độc nguy kịch, suy hô hấp biến chứng ngừng tuần hoàn do ăn lá ngón.

Cụ thể, khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo cho hay, bệnh nhân D.T.M (nữ, 66 tuổi, trú tại xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) được người nhà phát hiện trong tình trạng ý thức lơ mơ, suy hô hấp sau khi ăn lá ngón. Bệnh nhân sau đó được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu cấp cứu.

Tại đây, kíp bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày, bơm than hoạt tính, trong quá trình cấp cứu bệnh nhân có tình trạng ngừng tim, ngừng thở, được khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau khoảng 3 phút, bệnh nhân có tái lập tuần hoàn tự nhiên.

Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, bóp bóng có oxy hỗ trợ, duy trì thuốc vận mạch đảm bảo huyết áp và lập tức chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân vào khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, glasgow 7 điểm, phản xạ đồng tử với ánh sáng kém, thở hoàn toàn theo máy qua ống nội khí quản, mạch 87 lần/phút, huyết áp 100/60 mmHg có duy trì thuốc vận mạch.

Hình ảnh các bộ phận cây lá ngón. Ảnh: Thanh Niên

Các bác sĩ đã phối hợp các biện pháp điều trị, hồi sức tích cực, tiếp tục dùng các thuốc hạn chế hấp thu độc tố, thở máy hỗ trợ hô hấp, đảm bảo chức năng tuần hoàn bằng thuốc vận mạnh, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, kiểm soát cân bằng dịch và điện giải, theo dõi huyết áp động mạch liên tục.

Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, hô hấp đảm bảo, mạch huyết áp ổn định, đã ngừng được thuốc vận mạch, vận động chân tay bình thường, được ngừng thở máy và rút ống nội khí quản, tự thở tốt. Hiện, bệnh nhân được chuyển khoa Tim mạch tiếp tục theo dõi điều trị.

Bác sĩ Dương Ngọc Lâm - khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo chia sẻ, chất độc có trong lá ngón hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa. Các triệu chứng ngộ độc xuất hiện chỉ từ 5 – 30 phút sau khi ăn, biểu hiện là đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, sụp mi, giãn đồng tử, khô miệng, khó nói, khó nuốt, khít hàm, yếu liệt, khó thở, liệt cơ hô hấp dẫn đến suy hô hấp, ngừng thở, làm rối loạn nhịp tim ảnh hưởng chức năng tuần hoàn, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu, xử trí kịp thời.

Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho loại ngộ độc này. Xử trí ngộ độc lá ngón chủ yếu là các biện pháp điều trị hồi sức, trong đó quan trọng là thực hiện càng sớm càng tốt việc hạn chế hấp thu độc tố bằng rửa dạ dày kết hợp uống than hoạt, truyền dịch, đảm bảo chức năng sống ổn định, kiểm soát tốt các chức năng hô hấp, tuần hoàn, xử lý các rối loạn nhịp tim, trong khi chờ độc tố được đào thải.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật