Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 4/1: Người phụ nữ đau đến mất ăn mất ngủ sau khi nhổ răng

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 4/1/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 4/1/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người phụ nữ đau đến mất ăn mất ngủ sau khi nhổ răng

Theo thông tin trên tạp chí điện tử Tri Thức, cách đây 4 tháng, bà L. (65 tuổi, trú tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) bị đau nhức răng hàm dưới nên đã đi khám và nhổ răng tại một phòng khám tư nhân.

Tuy nhiên, sau khi nhổ răng, người bà vẫn tiếp tục đau nhức, mất ăn mất ngủ liên tục nhiều ngày. Vùng nhổ răng sưng nề, chảy dịch, hơi thở có mùi hôi khiến bà rất khó chịu và mệt mỏi.

Nhiều tháng tiếp theo, người phụ nữ tự mua thuốc uống tại nhà nhưng không khỏi. Quá mệt mỏi với những cơn đau, bà L. đã tới khoa Liên chuyên khoa Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để được thăm khám và điều trị.

Kết quả chụp CT cho thấy, bà bị viêm hoại tử xương hàm dưới bên trái trên nền bệnh đái tháo đường. Vị trí răng đã nhổ vẫn còn mảnh xương chết chưa được lấy hết.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nạo vét ổ viêm, lấy mảnh xương chết. Sau 2 ngày, vết mổ đã ổn định, không còn chảy dịch. Sau 5 ngày, người bệnh gần như hồi phục hoàn toàn, không còn đau nhức, không còn sưng, viêm và được ra viện.

Ảnh chụp CT cho thấy người bệnh vẫn còn mảnh xương hết chưa được lấy hết ở vị trí nhổ răng. Ảnh: Tri Thức

Theo bác sĩ CKII Lê Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa Liên chuyên khoa Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt, viêm xương hàm là một trong những biến chứng có thể gặp sau khi nhổ răng, đặc biệt trên người bệnh mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch… hoặc ở những người bệnh không được xử lý triệt để tình trạng tại chỗ như xương ổ viêm hay nang chân răng… khi nhổ răng.

Bác sĩ khuyến cáo khi bị đau nhức, sưng nề sau nhổ răng, người bệnh nên đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa. Ngoài viêm xương hàm, người sau khi nhổ răng còn có thể gặp một số biến chứng như đau, viêm lợi, viêm huyệt ổ răng...

Để hạn chế nhiều nhất các biến chứng có thể xảy ra sau khi nhổ răng, mọi người nên chọn nha khoa uy tín để được thăm khám và điều trị tốt nhất. Đặc biệt, những ai gặp phải những biến chứng trên nền có bệnh lý toàn thân vẫn phải theo dõi, kiểm tra định kỳ thường xuyên sau khi điều trị ổn định.

Can thiệp điều trị cho bệnh nhân bị dị dạng thông động tĩnh mạch thận phải

Theo VTV News, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa can thiệp nút mạch thành công cho nữ bệnh nhân 40 tuổi bị dị dạng thông động tĩnh mạch thận phải. Trước đó, bệnh nhân vào viện sau khoảng 1 tiếng xuất hiện đau quặn vùng hố chậu phải, quặn từng cơn liên tục không đỡ, tiểu máu, tiểu đỏ.

Bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện trong thời gian dài đã xuất hiện tiểu màu hồng, đau thắt lưng nhiều đợt bên phải nhưng chưa đến bệnh viện thăm khám và tự điều trị tại nhà.

Qua siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán: Bệnh nhân bị giãn thận - niệu quản phải do cục máu đông niệu quản 1/3 trên. Bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có tiêm thuốc cản quang đánh giá thêm.

Kết quả cho thấy hình ảnh thận phải đài bể thận giãn độ II, niệu quản giãn/ máu cục niệu quản 1/3 trên. Theo dõi ổ dị dạng thông động - tĩnh mạch (AVM) cực dưới bể thận phải, kích thước nidus khoảng 27x11mm, dẫn lưu về tĩnh mạch thận.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị dị dạng thông động tĩnh mạch (AVM) thận phải. Hội chẩn liên khoa và các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai đánh giá AVM thận phải dọa vỡ nguy hiểm, các bác sĩ quyết định can thiệp nút mạch điều trị khối dị dạng thông động tĩnh mạch thận để tránh biến chứng vỡ mạch khó lường, nguy cơ chảy máu, đe dọa tính mạng người bệnh.

Ca can thiệp tại Trung tâm Tim mạch - điện quang can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương diễn ra thuận lợi, bệnh nhân tỉnh táo trong suốt quá trình can thiệp, không đau đớn. Các bác sĩ đã thực hiện can thiệp nút tắc ổ dị dạng thông động - tĩnh mạch bằng keo sinh học.

XEM THÊM: Sắp có thêm 2,8 triệu liều vắc-xin "5 trong 1" tiêm miễn phí cho trẻ em

Dị dạng động tĩnh mạch (AVM) thận là sự lưu thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch mà không qua đường mao mạch. Đây là tổn thương hiếm gặp chiếm 0,04% dân số, giai đoạn đầu khó phát hiện qua siêu âm nên bệnh thường chẩn đoán muộn, nhờ sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại nên có thể phát hiện sớm dị dạng này.

Triệu chứng bệnh chủ yếu là bệnh nhân bị đau thắt lưng, nặng hơn là tiểu ra máu do cục máu đông tắc nghẽn trong đường bài xuất. Tiểu máu nhiều có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, khi có các triệu chứng: đau thắt lưng, tiểu ra máu…, mọi người nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều trị cho bé 13 ngày tuổi mắc bệnh di truyền hiếm gặp

Báo Kinh Tế & Đô Thị dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ Đơn vị Bỏng - Khoa Chỉnh hình của bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho bé gái P.G. (13 ngày tuổi, ở Thanh Hóa) mắc chứng bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh (Epidermolysis bullosa (EB)) - bệnh di truyền hiếm gặp.

Theo chia sẻ của bố bệnh nhi, em bé là con lần 1, được sinh mổ tại trung tâm y tế huyện khi được 39 tuần thai, cân nặng lúc sinh 3,6 kg. Tuy nhiên, ngay sau sinh, toàn bộ cẳng chân, bàn chân 2 bên của bé bị trợt loét, mất những mảng da xung quanh, rỉ nhiều dịch.

Ngay lập tức, trẻ được chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc chứng bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh. Bé được điều trị, chăm sóc vết thương nhưng tình trạng bệnh tiến triển chậm và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương khi được 13 ngày tuổi.

Tại Đơn vị Bỏng, khoa Chỉnh hình - Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi vào viện trong tình trạng tổn thương trợt loét da cẳng, bàn chân hai bên, rỉ nhiều dịch gây khó khăn trong điều trị.

Sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, bệnh nhi được các bác sĩ điều trị bằng thuốc kháng sinh phòng chống bội nhiễm, chăm sóc vết thương hàng ngày bằng các dung dịch sát trùng và các loại gạc sinh học diệt khuẩn, tiêu mô hoại tử, bảo vệ lớp da, tránh bị bong trợt thêm khi thay băng và chăm sóc, kết hợp với dinh dưỡng hợp lý, nằm phòng thông thoáng phòng chống bội nhiễm.

Tổn thương loét da ở chân của bệnh nhi. Ảnh: Kinh Tế & Đô Thị

Kết quả, sau khoảng 1 tháng điều trị, tình trạng vết thương của trẻ cải thiện và ổn định. Bệnh nhi đã được xuất viện, hướng dẫn chăm sóc tại nhà và được hẹn tái khám định kỳ.

Bác sĩ Phùng Công Sáng – Phụ trách Đơn vị bỏng, Phó Khoa Chỉnh hình – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ly thượng bì bẩm sinh là bệnh lý hiếm gặp ở trẻ nhỏ do sự đột biến gen di truyền với cả hai thể: Di truyền trội và di truyền lặn.

Đơn vị Bỏng, khoa Chỉnh hình - Bệnh viện Nhi Trung ương hàng năm tiếp nhận và điều trị cho khoảng 5-7 bệnh nhi mắc chứng bệnh đặc biệt này.

Hiện nay, trẻ mắc bệnh chưa có thuốc để chữa trị đặc hiệu, phương pháp điều trị chủ yếu cho trẻ là điều trị triệu chứng như: Chăm sóc vết thương, cung cấp đủ chất dinh dưỡng, chống nhiễm trùng, tránh di chứng sẹo co rút, biến dạng cơ quan vận động. Bé lớn dần lên thì các triệu chứng cũng thường sẽ đỡ dần.

“Cách phòng bệnh duy nhất đối với chứng bệnh này đó là cha mẹ không nên sinh con khi hai bố mẹ đã được chẩn đoán xác định mang gen đột biến. Đối với những cha/mẹ mang gen di truyền trội nếu muốn sinh con cần được chẩn đoán trước sinh để chắc chắn đứa trẻ được sinh ra khoẻ mạnh, không bị bệnh”, bác sĩ Phùng Công Sáng khuyến cáo.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật