Tìm lại ánh sáng cho cô gái mất thị lực mắt phải 10 năm
Theo thông tin trên VnExpress, cô gái 19 tuổi (quê Cà Mau) từng được từng được bác sĩ địa phương cho uống thuốc, nhỏ thuốc điều trị viêm đỏ mắt, sau đó thị lực suy giảm, không thể nhìn rõ mọi vật xung quanh. 10 năm qua, cô không có điều kiện chữa trị, chịu nhiều khó khăn, bất tiện trong học tập, sinh hoạt, lần này mới đến TP.HCM khám.
Bác sĩ Đào Cao Nhật Đan - Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn, cho biết mắt bệnh nhân khi đến viện chỉ đếm được kỹ thuật viên đang giơ lên bao nhiêu ngón tay ở khoảng cách 0,5 m.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng bồ đào cũ và tiêu mất chất nhân thủy tinh thể. Đây là biến chứng rất ít gặp của viêm màng bồ đào, có thể gây giảm thị lực nghiêm trọng.
Xác định khó nhưng vẫn có thể điều trị do tình trạng thần kinh thị giác và võng mạc của bệnh nhân còn rất tốt, khả năng mắt hồi phục cao, bác sĩ Nguyễn Trần Quốc Hoàng - Giám đốc bệnh viện, phẫu thuật đặt thủy tinh thể nhân tạo.
Bác sĩ Nguyễn Trần Quốc Hoàng (bên trái) - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: VnExpress
Sau mổ, thị lực bệnh nhân cải thiện lên 7/10 ở mắt phải, không còn triệu chứng mờ mắt khó chịu. "Tôi từng mất luôn hy vọng hồi phục thị lực, không nghĩ nay có thể thấy rõ mọi vật, dễ dàng hơn rất nhiều trong sinh hoạt", bệnh nhân nói.
Theo bác sĩ Đan, viêm màng bồ đào là bệnh lý ở mắt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như viêm nhiễm, chấn thương... hoặc tự miễn (trong cơ thể có kháng thể chống màng bồ đào). Bệnh dễ bị nhầm lẫn với đau mắt đỏ do có những triệu chứng tương tự như đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, chảy nước mắt và nhìn mờ.
Tuy nhiên, viêm màng bồ đào có một số đặc trưng riêng như vùng kết mạc quanh rìa lòng đen bị đỏ (còn gọi cương tụ rìa), đau nhức mắt, có thể kèm theo tăng nhãn áp, không lây lan thành dịch như đau mắt đỏ.
Viêm màng bồ đào do tự miễn không phòng ngừa được. Nếu do nhiễm ký sinh trùng, bệnh có thể phòng ngừa bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, không rửa mặt, mắt bằng nguồn nước ô nhiễm, bảo vệ mắt bằng kính khi tiếp xúc với môi trường khói bụi.
Phát hiện sớm, bệnh có thể điều trị khỏi bằng thuốc, ít để lại di chứng. Khi bỏ qua thời điểm vàng, bệnh có thể gây các vấn đề nghiêm trọng không chỉ liên quan đến thị lực mà còn ảnh hưởng sức khỏe.
Mổ lấy thay cho 2 sản phụ đái tháo đường thai kỳ nặng, nhiễm toan ceton
VTV News đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng vừa can thiệp mổ lấy thai thành công cho 2 sản phụ mắc đái tháo đường thai kỳ nặng, nhiễm toan ceton.
Cụ thể, sản phụ N.T.V. (SN 1997, trú tại Kinh Môn, Hải Dương) đang điều trị bệnh đái tháo đường thai kỳ tại khoa Nội 3 (Thận – Tiết niệu) và sản phụ Đ.T.T. (SN 1985, trú tại Máy Tơ, Ngô Quyền, Hải Phòng) mang thai tuần thứ 38 cũng đang nằm điều trị tại Khoa Nội 3 với tình trạng rơi vào hôn mê, rối loạn nhịp thở, đường trong máu cao, nhiễm toan ceton.
Qua thăm khám thực tế, cùng với các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, hai sản phụ được chỉ định mổ lấy thai. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, ekip phẫu thuật sau đó đã nhanh chóng tiến hành mổ lấy thai cho các sản phụ.
Sau khi sinh, sản phụ N.T.V. hồi phục sức khỏe tốt, em bé toàn thân hồng hào, thở tốt, khóc to, phản ứng tốt, mẹ và bé được chuyển về khoa Phụ sản theo dõi.
Trong khi đó, sản phụ Đ.T.T. sau khi sinh được chuyển tới nằm điều trị nhiễm toan tại khoa Hồi sức tích cực ngoại, em bé hồng hào, thở tốt, khóc to, bú tốt và được chuyển về khoa Phụ sản theo dõi. Hiện tại ngày thứ 6, sản phụ đã ổn định: Glucose 6,5 và đã chuyển về khoa Phụ sản cùng con.
XEM THÊM: Năm 2024, những xu hướng du lịch nào sẽ "lên ngôi" và bùng nổ?
Đái tháo đường trong thời kỳ mang thai nếu không phát hiện và kiểm soát đường huyết sớm có thể gây nguy hiểm đến mẹ và thai nhi, đem lại nhiều nguy cơ và tai biến.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, các chị em phụ nữ trước khi có kế hoạch mang thai nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín để tầm soát sức khỏe nhằm phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý nguy hiểm thường gặp trong thai kỳ.
Bé 6 tuổi gặp tai nạn hy hữu khi đang xem đánh cầu lông
Tạp chí điện tử Tri Thức dẫn lời ThS.BS Nguyễn Ngọc Pi Doanh - khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), cho hay trước đó, bé B.T.Y.N. (6 tuổi, ngụ tại Bình Phước) được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng hôn mê sâu, có vết thương trước đỉnh đầu đã được khâu.
Kết quả phim CT Scan ghi nhận tổn thương xuyên thấu qua não từ phía trước đỉnh đầu xuyên ra đến phần tiểu não phía sau, gây xuất huyết dưới màng cứng và trong não lượng nhiều, chèn ép và phù não.
Hình ảnh tổn thương bên trong sọ não của bệnh nhi. Ảnh: Tri Thức
Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 ngay lập tức thực hiện phẫu thuật khẩn cấp để lấy máu tụ và mở sọ giải áp. Bệnh nhi được chăm sóc sau mổ tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Đến hiện tại, bé đã mở mắt, cử động tay chân tự nhiên và được chuyển về khoa Ngoại Thần kinh theo dõi tiếp.
“Mặc dù có dấu hiệu phục hồi tốt, chắc chắn sẽ có di chứng về thần kinh do não đã tổn thương nặng, bé chưa nói được và còn yếu nửa người trái.”, bác sĩ Doanh thông tin thêm.
Trước đó, đang giờ làm việc, anh B.M.V. (ba của bệnh nhi), không có mặt tại hiện trường. Anh được mọi người kể lại, bé N. có đứng phía trước nhà xem các anh chị đánh cầu lông.
Bất ngờ phần thân vợt rời khỏi tay cầm, bay vút lên và rơi xuống đầu bé. Bé được mọi người đưa đến bệnh viện tuyến dưới sơ cứu và chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp tục điều trị.
Đây là tai nạn sinh hoạt hy hữu nhưng rất nguy hiểm. Bệnh viện khuyến cáo phụ huynh cần cảnh giác trước các vật dụng có thể khiến trẻ dễ bị thương. Đối với vợt cầu lông như trường hợp này, người nhà nên kiểm tra lại dụng cụ trước khi sử dụng để phòng tránh sự cố tương tự.
Đinh Kim (T/h)