Tin tức đời sống mới nhất ngày 30/11/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 30/11/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bệnh nhân ghép gan đầu tiên ở Việt Nam qua đời sau 17 năm
Diệp trước và sau ca phẫu thuật ghép gan (Ảnh: NLĐ) |
Sáng 29/11, bệnh nhân Nguyễn Thị Diệp - ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam đã tử vong ở tuổi 26, sau gần 17 năm được ghép gan tại bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội).
Vào năm 3 tuổi, Diệp đã phải phẫu thuật nối đường mật với ruột do mắc bệnh teo mật bẩm sinh. Đến năm 9 tuổi, bệnh tình chuyển biến xấu, Diệp phải lên Hà Nội điều trị với chỉ định ghép gan.
Ca ghép gan cho Diệp được tiến hành vào ngày 31/1/2004, người hiến gan là bố Diệp. Ca mổ kéo dài suốt 15 giờ và đã đạt được thành công ngoài mong đợi.
Đây là một ca ghép lịch sử được thực hiện tại viện Bỏng quốc gia (nay là bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác) với sự tham gia của ê kíp y, bác sĩ đến từ học viện Quân y, bệnh viện Quân y 103, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai và các chuyên gia Nhật Bản...
Sau ca ghép, sức khỏe của Diệp ổn định dần và Diệp đã quay trở lại cuộc sống bình thường. Đến khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Diệp lên học tại trường Trung cấp Quân y 1 (Sơn Tây, Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, Diệp được chính nơi đã hồi sinh cho mình năm 2004 nhận vào làm việc (khoa Dược – Bệnh viện 103).
Gần một năm trở lại đây, sức khỏe của Diệp yếu dần. Diệp liên tục mệt mỏi, sút cân, có những đợt thải ghép mãn tính mạnh khiến chức năng gan bị ảnh hưởng, tăng men gan...
Một tuần trước, Diệp xin về nhà để chờ chuyển viện, chuẩn bị cho ca phẫu thuật ghép gan lần thứ hai. Tuy nhiên, trước khi bước vào cuộc đại phẫu, Diệp đã không qua khỏi.
Bé trai chào đời với dây rốn thắt nút
Bé trai chào đời an toàn khi dây rốn bị thắt nút. (Ảnh: BV) |
Tới tuần 40 của thai kỳ, có hiện tượng chuyển dạ, chị N.T.H. (25 tuổi, trú tại Thái Bình) nhập viện tại bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Sản phụ được bác sĩ chuyên khoa I Bùi Chí Dũng, khoa Phụ A5 đỡ đẻ thường. Kết quả, một bé trai khỏe mạnh, nặng gần 3kg cất tiếng khóc chào đời, tuy nhiên dây rốn của trẻ bị thắt nút.
Dây rốn đóng vai trò rất quan trọng, dẫn khí oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai, đảm bảo em bé phát triển tốt. Dây rốn siết chặt và phát hiện muộn sẽ gây tình trạng thai lưu. Tỷ lệ thai lưu khi dây rốn thắt nút rất cao.
Hiện tượng này rất khó có thể phát hiện trên siêu âm. Đây là trường hợp hiếm gặp và gần như không phát hiện được trước khi thai phụ vượt cạn. Bé trai chào đời an toàn là rất may mắn. Bởi chỉ cần dây rốn siết chặt hơn, khả năng thai lưu cao.
Sau nỗ lực đưa em bé ra khỏi bụng mẹ an toàn, ê-kíp đỡ đẻ và sản phụ đều vui mừng. Hiện tại, sức khỏe của sản phụ và trẻ sơ sinh ổn định, được chăm sóc tại khoa A3.
Đánh đầu khi đá bóng, người đàn ông bị trật đốt sống cổ
Bệnh nhân Nguyễn Đức T., 37 tuổi ở huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn được chuyển lên từ trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng xuống bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang với chẩn đoán chấn thương cột sống cổ.
Chiều 29/11, anh T. có dùng đầu đánh bóng, sau đó đột có biểu hiện đau cổ, tê buốt 2 tay. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, bệnh nhân trật đốt sống cổ C4-C5, liệt tủy không hoàn toàn, chỉ định phẫu thuật giải phóng chèn ép, cố định lại đốt sống cổ C4-C5 bằng nẹp vít.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định và hết liệt, tuy nhiên cần tiếp tục phục hồi chức năng.
Trượt đốt sống hay trật đốt sống được hiểu là hiện tượng một đốt xương sống dịch chuyển ra khỏi vị trí cân bằng so với đốt sống khác. Tuy nhiên trật đột sống cổ hiếm gặp hơn trật đốt sống lưng.
Các biểu hiện trật đốt sống bao gồm đau nhiều tại ví trị trật, đau và tê yếu chân tay. Nguyên tắc hàng đầu khi sơ cứu bệnh nhân chấn thương cột sống là bất động, tránh cho đoạn cột sống bị chấn thương di lệch vì sẽ gây thêm tổn thương, thậm chí đứt ngang tủy sống và gây liệt hoàn toàn.
Việt Hương (T/h)