Cô gái 22 tuổi trợt da toàn thân vì dị ứng thuốc thể nặng
Theo VnExpress, nữ bệnh nhân 22 tuổi sốt cao, tự mua thuốc hạ sốt và kháng sinh uống. Sau 6 ngày, người bệnh xuất hiện ban đỏ, loét và trợt da toàn thân trừ vùng có tóc. Bệnh nhân vào Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cấp cứu trong tình trạng sốt 40 độ C, đau rát, mạch nhanh, thở nhanh.
Ngày 29/11, bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, hoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác chẩn đoán bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng (còn gọi hội chứng Lyell), tổn thương 95% cơ thể, các nốt phỏng và vết trợt lớn, tiết dịch và dễ chảy máu.
Người bệnh cho biết đã uống kháng sinh zinnat và thuốc hạ sốt paracetamol tại nhà, không nhớ liều lượng. Bác sĩ hiện chưa xác định nguyên nhân, nghi ngờ có thành phần gây dị ứng. Bệnh nhân cũng không rõ tiền sử dị ứng thuốc của mình.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng (còn gọi hội chứng Lyell). Ảnh minh họa: NBC News
Bệnh nhân phải điều trị trong buồng cách ly đảm bảo vô trùng, dùng corticoid liều cao, kháng sinh mạnh, truyền dịch. Bác sĩ che phủ vết thương bị trợt bằng màng sinh học để không gây dính và mất dịch, nhờ đó vết thương không bị nhiễm trùng, lành nhanh hơn. Sau 9 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân tốt lên, tổn thương da cải thiện.
Người phụ nữ tự uống 40 viên paracetamol
Ngày 29/11, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) thông tin, sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân N. (35 tuổi) đã được xuất viện. Trước đó, nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn ói có lẫn máu, tiếp xúc chậm, bứt rứt, vàng mắt, đau bụng.
Người nhà kể, bệnh nhân tự uống 40 viên paracetamol nhưng không xác định được thời gian chính xác. 5 ngày trước, người bệnh bị đau bụng âm ỉ kèm buồn nôn, đau mỏi cơ, sốt liên tục. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tổn thương gan, thận, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu, kháng nguyên sốt xuất huyết âm tính.
Sau đó, người bệnh được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), chẩn đoán tổn thương gan, thận cấp do ngộ độc paracetamol và viêm gan siêu vi C. Bệnh nhân được truyền dịch, thuốc điều trị ngộ độc paracetamol tĩnh mạch, dùng kháng sinh, vitamin K1 và làm lại xét nghiệm kháng thể sốt xuất huyết.
Nữ bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương. Ảnh: VietNamNet
Sau khi mạch, huyết áp ổn định, bệnh nhân có dấu hiệu giảm tưới máu mô ngoại biên, còn đau bụng, dịch dạ dày có màu đen, tiểu cầu giảm thấp, men gan tiếp tục tăng cao, chức năng thận diễn biến xấu, dương tính với sốt xuất huyết.
Các bác sĩ đã truyền 1,5 lít huyết tương tươi đông lạnh và hồng cầu lắng, tiếp tục truyền dịch theo phác đồ sốt xuất huyết, kháng sinh, thuốc ức chế trào ngược dạ dày... cho bệnh nhân. Tình trạng sức khỏe người bệnh cải thiện sau 18 tiếng truyền máu và các chế phẩm máu.
Chia sẻ về ca bệnh, bác sĩ Nguyễn Thiên Bình – Trưởng khoa ICU Bệnh viện Trưng Vương nói ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc khi thấy suy gan và khai uống 40 viên paracetamol. Tuy nhiên, các bác sĩ không thể giải thích nhiều triệu chứng trên cơ thể người bệnh, do đó bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm để tìm nguyên nhân.
"Bệnh nhân đã ở giai đoạn sốc sốt huyết còn bù, mạch và huyết áp vẫn trong giới hạn bình thường nên khó nhận biết. Nhờ phát hiện kịp thời và truyền máu, bù dịch theo đúng phác đồ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã nhanh chóng cải thiện", VietNamNet dẫn lời bác sĩ Bình.
Cụ bà 86 tuổi suy hô hấp nặng do mắc COVID-19
Sáng ngày 29/11, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, cho biết đơn vị đã tiếp nhận và điều trị thành công nhiều ca mắc COVID-19 nặng, trong đó có bệnh nhân H.T.K. (nữ, 86 tuổi, trú tại Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang), theo Tri Thức Trực Tuyến.
Người bệnh được chuyển đến từ cơ sở y tế khác trong tình trạng ý thức lơ mơ, khó thở, phải thở oxy hỗ trợ, cơ thể gầy yếu, suy kiệt nặng. Khai thác tiền sử từ gia đình người bệnh được biết bệnh nhân chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19, có nhiều bệnh lý nền đi kèm như suy tim độ IV, động mạch vành đã đặt Stent cách đây nhiều năm, thuộc nhóm nguy cơ rất cao.
Sau 13 ngày điều trị tích cực, khả năng hô hấp dần hồi phục, cụ bà được rút ống nội khí quản, chuyển thở máy không xâm nhập HFNC. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Khi vào khoa Cấp cứu, với tình trạng suy hô hấp nặng, người bệnh được đặt ống nội khí quản và thở máy, chuyển vào khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp tục điều trị. Sau 2 ngày, người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, nhanh chóng được hội chẩn chuyển đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới.
Thời điểm chuyển vào trung tâm, bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp nặng, phải thở máy qua ống nội khí quản, phù toàn thân, thể trạng suy kiệt, SpO2 còn 89%... Người bệnh đã lớn tuổi, lại có nhiều bệnh nền, tiên lượng nguy cơ tử vong rất cao.
Các bác sĩ chỉ định duy trì an thần, thở máy, dùng thuốc kháng viêm, kháng sinh, chống virus kết hợp chế độ dinh dưỡng phù hợp và vật lý trị liệu. Sau 13 ngày điều trị tích cực, khả năng hô hấp dần hồi phục, người bệnh được rút ống nội khí quản, chuyển thở máy không xâm nhập HFNC.
4 ngày tiếp theo, người bệnh tỉnh táo, tiếp xúc được, không phù, không xuất huyết dưới da và cai được HFNC, SpO2 98%. Ngày 28/11, bệnh nhân tự thở tốt, vận động tại giường tốt, không còn đau tức ngực, huyết động ổn định và được cho ra viện.
Đinh Kim (T/h)