Người đàn ông 72 tuổi nhập viện vì bị chó nhà cắn
Theo báo Pháp Luật Việt Nam, nam bệnh nhân 72 tuổi đến bệnh viện ở Phú Thọ cấp cứu trong tình trạng đau đớn vì các vết thương phức tạp chảy máu nhiều, mất cảm giác tê bì đầu ngón tay, không thể dang ngón tay cái.
Các vết thương chằng chịt ở tay, vai, đùi, lưng, mông..., trong đó nghiêm trọng nhất là vết thương tại cẳng tay trái kích thước khoảng 3x3cm, bờ nham nhở, lộ gân cơ, rỉ máu... Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu chống sốc, giảm đau, băng bó vết thương, tiêm vaccine phòng bệnh dại và chuyển phẫu thuật...
Cánh tay bệnh nhân sau khi được băng bó. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam
Việc xử trí vết thương là vô cùng phức tạp do bệnh nhân mất máu nhiều trên nền bệnh suy tim rung nhĩ. Do đó, các bác sĩ đồng thời phải cân bằng lợi ích với việc dùng chống đông tránh biến cố tim mạch.
Hiện, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, được chăm sóc tại khoa Hồi sức cấp cứu và có thể ra viện trong một vài ngày tới. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân bị chó nhà nuôi cắn từ phía sau, phải mất vài phút mới có thể ngăn cản sự tấn công của con vật.
Phẫu thuật nội soi cắt tử cung cho cụ bà 93 tuổi
Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật nội soi cắt tử cung thành công cho bệnh nhân lớn tuổi nhất từ trước đến nay. Cụ thể, V.T.Y. (93 tuổi) được chẩn đoán xuất huyết hậu mãn kinh, u xơ tử cung dưới nội mạc, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, vết mổ cũ, béo phì.
Cách thời điểm nhập viện 1 tháng, người bệnh bị xuất huyết âm đạo kéo dài, lúc đầu ra huyết rỉ rả và ngày càng nhiều hơn. Có thời điểm bị ra huyết phải dùng 2-3 băng vệ sinh mỗi ngày, kèm đau bụng vùng hạ vị. Bệnh viện địa phương chẩn đoán theo dõi ung thư nội mạc tử cung rồi chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Từ Dũ.
Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi tại khoa Phụ Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Công Lý
Bệnh nhân được điều trị ổn định các bệnh lý nền rồi nạo sinh thiết kênh và lòng tử cung để xác định nguyên nhân xuất huyết. Kết quả cho thấy người bệnh bị tăng sản điển hình nội mạc tử cung - một bệnh lý lành tính.
Theo báo Công Lý, sau khi xác định bệnh, bác sĩ Nguyễn Văn Hưng - Trưởng khoa Phụ Bệnh viện Từ Dũ và các đồng nghiệp đã tiến hành nội soi cắt tử cung và 2 phần phụ cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài 2 tiếng. Sau phẫu thuật 24 tiếng, vết mổ khô, sức khỏe người bệnh đã tốt hơn, có thể tự thở tốt, mạch và huyết áp ổn định. Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi tại khoa Phụ.
Hoại tử, lộ gân bàn chân vì vết đốt của kiến ba khoang
VnExpress đưa tin, nam bệnh nhân 62 tuổi được người nhà lấy kim chích nặn mủ từ vết đốt của khiến ba khoang, dẫn đến nhiễm trùng hoại tử chân. Người bệnh đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng chân sưng to kèm nhiều bóng nước có mủ, sốt lạnh run, được chẩn đoán viêm mô tế bào cẳng bàn chân.
Kiến ba khoang có đầu và đuôi màu đen, thân giữa màu cam, thường sống ở nơi có nhiều cỏ, ẩm ướt, gần vùng nước, những nơi đang xây dựng. Ảnh minh họa
Theo điều dưỡng Nguyễn Hoài Minh Châu – người chăm sóc trực tiếp, bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, tăng huyết áp nhưng không rõ bị từ lúc nào. Mặc dù được điều trị kháng sinh, hạ sốt, chăm sóc vết thương nhưng tình trạng diễn tiến nặng dần. Bệnh nhân vẫn liên tục sốt cao, bóng nước lan rộng, chảy dịch vàng, có mô hoại tử đen, đi lại khó khăn.
Các bác sĩ hội chẩn, quyết định phẫu thuật rạch áp xe viêm mô tế bào, cắt lọc mô và da hoại tử. Vết thương sau mổ vẫn thấm máu dịch tiết nhiều, hoại tử, bộc lộ rõ vùng gân cơ. Các bác sĩ tiếp tục cắt lọc hoại tử, đồng thời điều trị kháng sinh, chăm sóc vết thương, dinh dưỡng... giúp bệnh nhân dần hồi phục.
Điều dưỡng Châu chia sẻ, nguyên nhân khiến tình trạng viêm mô tế bào nghiêm trọng là do độc tố pederin của kiến ba khoang mạnh gấp 12-15 lần nọc độc rắn hổ mang, tiếp xúc với da khiến mức độ tổn thương tăng cao. Bên cạnh đó, trường hợp bệnh nhân nói trên còn sai lầm khi xử lý vết thương tại nhà.
Đinh Kim (T/h)