Người phụ nữ 27 tuổi có 10 khối u ở ngực
Theo VietNamNet, dù tự sờ thấy nhiều khối u bất thường ở hai bên ngực trong thời gian dài và đi khám nhiều nơi, nữ bệnh nhân N.T.H (27 tuổi, ở Hà Nội) chỉ được tư vấn theo dõi và không có chỉ định điều trị.
Được biết, người bệnh đã lập gia đình. Gần đây, sau khi sinh con, bệnh nhân nhận thấy các khối bất thường ở ngực tăng lên cả về số lượng và kích thước. Lo lắng về tình trạng của mình, bệnh nhân đến khám tại khoa Phụ sản, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Sau khi khám lâm sàng, bệnh nhân đã được các bác sĩ chỉ định làm thêm các xét nghiệm bổ sung như siêu âm tuyến vú 2 bên, chọc hút tế bào các khối bất thường ở ngực bằng kim nhỏ…
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người phụ nữ. Ảnh: Lao Động
Người bệnh được chẩn đoán mắc đa u xơ tuyến vú 2 bên, có chỉ định phẫu thuật lấy hết các khối u, làm giải phẫu bệnh. Kết thúc ca phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy 10 khối u ở 2 bên ngực của bệnh nhân. Hiện, sức khỏe người bệnh hồi phục hoàn toàn, tâm lý thoải mái.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Hà – Trưởng khoa Phụ sản chia sẻ, phẫu thuật lấy khối u xơ lành tính ở ngực là phẫu thuật không khó, tuy nhiên, đối với bệnh nhân này, yêu cầu đặt ra phức tạp hơn. Các bác sĩ phải cần lấy được hết các khối u đồng thời phải đảm bảo tính thẩm mỹ của vết sẹo mổ do bệnh nhân còn trẻ tuổi.
“Chúng tôi đã rất cân nhắc khi lựa chọn đường mổ, làm thế nào để sau phẫu thuật, vết sẹo gần như không nhìn thấy, không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân”, bác sĩ Hà cho hay.
Giữ thành công chân trái cho người đàn ông nhiễm vi khuẩn lạ
Bệnh viện Đa khoa Gia Đình thông tin, đơn vị này vừa cứu chữa thành công, giữ được chân trái cho bệnh nhân N.V.N (54 tuổi, ở Đà Nẵng) bị nhiễm loại vi khuẩn lạ, theo báo Công An Nhân Dân.
Trước đó, trong lúc lao động, người bệnh bị thương nhẹ ở các ngón 3, 4 bàn chân trái. Tuy nhiên do chủ quan, vết thương nhỏ và không chảy máu nhiều nên người bệnh đã tự điều trị tại nhà và tiếp tục sinh hoạt bình thường sau đó.
Chỉ sau một thời gian ngắn, chân trái bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng. Người bệnh được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Gia Đình cấp cứu với 2 ngón chân trái đã chuyển đen, chảy dịch và đau nhức. Sau thăm khám, ekip bác sĩ khoa Ngoại nhận định 2 ngón chân đã hoại tử.
Trải qua 6 cuộc phẫu thuật và tích cực điều trị, chăm sóc vết thương, điều chỉnh đường huyết tối ưu, hiện tình trạng của bệnh nhân đã ổn định. Ảnh: Công An Nhân Dân
Đối mặt với nguy cơ mất đi chân trái vì một vết thương nhỏ, bệnh nhân và người thân đã rất bàng hoàng và lo lắng bởi ông là lao động chính của gia đình. Theo bác sĩ CKI Huỳnh Đắc Anh – khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình, đây là trường hợp đặc biệt khi bệnh nhân nhiễm một loại vi khuẩn rất hiếm gặp ngoài da (Proteus), tình trạng nhiễm trùng diễn tiến rất nhanh, lúc này bàn chân trái đã hoại tử nặng, bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt bỏ bàn chân và đặt VAC thì tình trạng bệnh nhân có cải thiện.
Tuy nhiên, sau đó, vi khuẩn lại tiếp tục tấn công lên phần cẳng chân và đùi. Đáng lo ngại hơn, khi kiểm tra tầm soát, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tiểu đường type 2. Tuy nguy cơ phải cắt bỏ cả chân là rất cao, ekip bác sĩ quyết định tiếp tục thực hiện phẫu thuật cắt lọc, loại bỏ tổ chức hoại tử với mong muốn giữ lại chân cho bệnh nhân.
Đến ngày 2/11, tình trạng nhiễm trùng giảm hoàn toàn, vết thương lên mô hạt tốt, bệnh nhân được phẫu thuật để xoay vạt da tạo mỏm cụt ở cổ chân và ghép da. Sau đó, da sống đã che phủ dần được bề mặt vết thương. Trải qua 6 cuộc phẫu thuật và tích cực điều trị, chăm sóc vết thương, điều chỉnh đường huyết tối ưu, hiện tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.
Cứu sống bé 16 ngày tuổi bị uốn ván sơ sinh
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ vừa cứu sống bé trai L.D.L (16 ngày tuổi, sinh mổ, đủ tháng, ở Hậu Giang) mắc uốn ván sơ sinh nguy kịch. Ở nhà, bệnh nhi đã sốt cao 2 ngày, co gồng, bú kém, điều trị ngoại trú không giảm.
Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ trong tình trạng co gồng toàn thân khi đang sốt 39 độ C, suy hô hấp nặng. Bé nhanh chóng được hỗ trợ hô hấp bằng thở máy, chống co giật tại khoa Cấp cứu và được chuyển lên khoa Hồi sức Sơ sinh.
Tại khoa Hồi sức Sơ sinh, ghi nhận bệnh nhi co gồng toàn thân, co cứng chi dưới liên tục, tăng trương lực cơ toàn thân, rốn lồi rỉ dịch đục, hôi, xạm da rốn, mẹ không tiêm ngừa uốn ván trước và trong thời kỳ mang thai.
Bệnh nhi cải thiện gần như hoàn toàn sau hơn 1 tháng 10 ngày điều trị. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Bệnh nhi được chẩn đoán uốn ván rốn và được xử trí giúp thở bằng thở máy, an thần, dãn cơ liên tục, kháng sinh, hạ sốt, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch, chăm sóc rốn. Sau hơn 20 ngày điều trị, tình trạng hô hấp được cải thiện, bệnh nhi còn co gồng mỗi khi kích thích, trương lực cơ bớt tăng, rốn khô.
Bệnh nhi được chuyển sang hỗ trợ hô hấp không xâm nhập, dinh dưỡng chuyển dần bằng đường tiêu hoá, duy trì điều trị an thần, kháng sinh và được phối hợp tập vật lý trị liệu. Sau hơn 1 tháng 10 ngày điều trị, bệnh nhi cải thiện gần như hoàn toàn, trương lực cơ và vận động gần như trở về bình thường, bú tốt và tăng cân đều đặn.
Đinh Kim (T/h)