Phổi của cụ ông đông đặc sau 3 ngày sốt, đau họng
Theo thông tin trên tạp chí Tri Thức, bác sĩ CKI Đặng Thị Thu Phương - Phó khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho hay ông L.V.C. (86 tuổi, ngụ TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, SpO2 (nồng độ oxy trong máu) còn 85%, phổi có thắt.
Ông C. có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường. Ba ngày trước vào viện, ông xuất hiện sốt, ho, đau họng, ở nhà tự điều trị bằng thuốc cảm cúm thông thường nhưng không đỡ.
Qua khám lâm sàng, bác sĩ xác định ông C. dương tính cúm A, kết quả CT ngực cho thấy phổi đông đặc, có viêm. Các bác sĩ sử dụng thuốc kháng cúm Oseltamivir cho người bệnh, chống bội nhiễm bằng kháng sinh, thở oxy, khí dung. Sau một tuần, ông C. cải thiện tốt, hết sốt, giảm viêm long, hết khó thở và được xuất viện.
Bệnh nhân mắc cúm A lúc nhập viện điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Tri Thức
Thời gian qua, khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận rất nhiều người bệnh đến điều trị trong tình trạng bệnh đã trở nặng, nhiều biến chứng trên phổi, cơ, não… Trong đó, nhiều trường hợp tự mua thuốc uống ở nhà, đến khi thấy bệnh trở nặng mới đến bệnh viện khám.
Cao điểm, có ngày khoa tiếp nhận khám 15 trường hợp nhiễm cúm A, có 8 người phải nhập viện, đặc biệt có 3 ca suy hô hấp, viêm phổi nặng phải thở oxy hỗ trợ.
Bác sĩ Phương chia sẻ, với những trường hợp trên, nếu phát hiện sớm sẽ giảm việc nhập viện, rút ngắn thời gian điều trị, hạn chế bệnh tiến triển nặng và đỡ tốn kém hơn rất nhiều.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên chủ quan với bệnh cúm A, nhất là khi vào mùa dịch. Những người có nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền, nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh… cần chủ động phòng ngừa bệnh.
XEM THÊM: Đạp xe đâm vào tủ kính, bé gái 6 tuổi đứt tai vì mảnh kính vỡ
Người dân có thể tiêm vaccine phòng bệnh hoặc đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người nhiễm và nghi nhiễm cúm, sát khuẩn tay, không tụ tập đông người khi có dịch lưu hành.
Khi có những dấu hiệu nghi nhiễm cúm A, người dân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, không tự ý điều trị để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Thay khớp háng bán phần cho cụ bà 105 tuổi
Báo Giao Thông đưa tin, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa phẫu thuật thành công thay khớp háng bán phần cho 2 cụ bà. Trong đó, cụ bà 105 tuổi là bệnh nhân lớn tuổi nhất từ trước đến nay được phẫu thuật tại đây.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật CT và Y học thể thao, khi chuyển tuyến đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cả 2 cụ bà đều trong tình trạng tỉnh táo, chân đau nhiều, sưng nề do bị tai nạn sinh hoạt, ngã tiếp xúc hông xuống mặt cứng.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh thăm hỏi sức khỏe cụ bà V.T.S sau khi phẫu thuật thành công. Ảnh: Báo Giao Thông
Ngay sau khi tiếp nhận, chuyên gia đã cho người bệnh thực hiện các chỉ định X-quang, siêu âm... và chẩn đoán bà V.T.S (105 tuổi, Tuyên Quang) bị gãy cổ xương đùi và bà N.T.N (97 tuổi, Hưng Yên) bị gãy xương đùi.
Sau khi trao đổi với gia đình về tình trạng sức khỏe của người bệnh và hội chẩn các khoa, các bác sĩ đã phẫu thuật cho 2 cụ bà bằng phương pháp thay khớp háng bán phần, sử dụng đường mổ nhỏ, ít xâm lấn giúp hạn chế tổn thương, người bệnh ít đau đớn và nhanh hồi phục hơn.
Hai ngày sau ca phẫu thuật thành công, cả 2 người bệnh đều đã nhanh chóng hồi phục. Hiện tại, tình trạng 2 cụ bà tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, giảm các cơn đau và tập ngồi dậy, dự kiến người bệnh sẽ được tập phục hồi chức năng sớm và tập vận động các khớp lân cận.
Bangladesh ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì virus Napah
Theo TTXVN, ngày 29/1, Bangladesh đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do virus Nipah. Ông Tahmina Shirin - Giám đốc Viện Dịch tễ học, Kiểm soát và Nghiên cứu bệnh (IEDCR) thuộc Bộ Y tế Bangladesh cho biết, nhà chức trách đã phát hiện trường hợp tử vong đầu tiên tại Manikganj, cách thủ đô Dahka khoảng 50 km.
Nạn nhân đã tử vong sau khi uống nhựa chà là. Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu bệnh phẩm dương tính với virus Nipah. Trước đó, Bộ Y tế đã cảnh báo người dân không nên ăn trái cây bị chim hoặc dơi ăn một phần, hay uống nước ép chà là thô.
Các trợ lý phòng thí nghiệm hiện trường bắt một con dơi trong lưới khi thu thập mẫu vật cho nghiên cứu vi rút Nipah ở khu vực Shuvarampur của Faridpur (Bangladesh) hôm 14/9/2021. Ảnh minh họa: Reuters
Virus Nipah lây sang người qua tiếp xúc với dịch thể của dơi, lợn hoặc những người mắc bệnh. Căn bệnh này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1999 trong đợt bùng phát ảnh hưởng đến nông dân và những người đã tiếp xúc với lợn ở Malaysia. Kể từ đó, virus Nipah đã gây ra các đợt dịch tại Bangladesh, Ấn Độ và Singapore, cướp đi sinh mạng của hơn 160 người ở Bangladesh.
Theo IEDCR, tổng cộng có 10 người trong số 14 người nhiễm virus Nipah ở Bangladesh đã tử vong vào năm ngoái, con số tử vong cao nhất trong 7 năm.
Hiện, không có phương pháp điều trị hoặc vaccine nào cho virus Nipah. Những người nhiễm virus có thể sốt, đau đầu, ho, khó thở và có khả năng bị sưng não. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong do nhiễm virus ước tính vào khoảng từ 40-75%.
Đinh Kim (T/h)