Hai chiếc răng giả nằm trong phế quản người phụ nữ 47 tuổi
Tri Thức Trực Tuyến thông tin, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vừa phẫu thuất lấy thành công dị vật là 2 chiếc răng giả trong phế quản nữ bệnh nhân 47 tuổi ở Bình Khê (Đông Triều, Quảng Ninh).
Người bệnh cho biết, ngay sau khi phát hiện mất 2 chiếc răng cửa trong đêm, bà đã được gia đình đưa ngay tới bệnh viện cấp cứu. Phim chụp X-quang và CT lồng ngực cho thấy dị vật đường thở nằm ở phế quản bên phải. Các bác sĩ nhanh chóng chỉ định nội soi phế quản để gắp dị vật ra ngoài.
Bác sĩ lấy thành công dị vật là 2 chiếc răng giả trong phế quản nữ bệnh nhân 47 tuổi. Ảnh: VTV News
Bác sĩ Uông Hồng Hợp – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, chia sẻ dị vật đường thở răng giả khá hiếm gặp, các trường hợp dị vật đường thở thường chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ. Với người lớn, tỷ lệ gặp rất nhỏ.
Khi bị hóc, dị vật lọt qua thanh môn, phản xạ đầu tiên là khiến người bệnh ho sặc, tím tái. Thông thường, tình trạng này rất dễ phát hiện ở trẻ nhỏ. Với người lớn, tình trạng này đôi khi dễ bị bỏ qua. Dị vật không được loại bỏ kịp thời sẽ gây ra các biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, áp xe phổi và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ nhấn mạnh khi phát hiện có người hóc hoặc nghi ngờ hóc, người xung quanh tuyệt đối không cố gắng lấy bỏ dị vật bằng bất cứ cách nào. Nguyên nhân là do nếu không cẩn trọng, dị vật lọt sâu hơn hoặc gây tổn thương các tổ chức xung quanh dị vật. Tốt nhất là nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Phẫu thuật nôi soi cắt u xơ tử cung to như thai 3 tháng
Báo Sức Khỏe & Đời Sống thông tin, chị N.T.H (54 tuổi, ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) biết mình có khối u xơ đã 7 năm, do từng mổ u vú trái và mắc bệnh nền tăng huyết áp kèm tiểu đường nên sợ phẫu thuật, không đi khám.
Gần đây, bệnh nhân hay đau tức vùng hạ vị, đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã phát hiện khối u phát triển rất lớn. Qua thăm khám lâm sàng và siêu âm, bác sĩ phát hiện tử cung của bệnh nhân lệch phải có khối u kích thước lớn (15x18cm) nằm trong dây chằng rộng cắm sâu trong tiểu khung, tương đương tử cung của người có thai 3 tháng.
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn thống nhất chẩn đoán xác định bệnh nhân bị u xơ tử cung to, dính, đồng thời nhận định đây là trường hợp phẫu thuật rất phức tạp bởi khối u xơ đã phát triển rất lớn trong dây chằng rộng, xâm lấn vào bàng quang và niệu quản.
Sau hội chẩn, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi cắt u xơ tử cung nhằm hạn chế tối đa tổn thương, giảm chảy máu, tránh nguy cơ dính ruột, tắc ruột sau mổ, vết mổ mang tính thẩm mỹ hơn. Khi tiến hành phẫu thuật, quan sát trong ổ bụng, kíp phẫu thuật thấy khối u to, nằm trọn trong tiểu khung, trong dây chằng rộng và chèn ép bàng quang.
Với trường hợp này, việc bóc tách và cắt khối u xơ trong dây chằng rộng gặp rất nhiều khó khăn. Kíp phẫu thuật phải bóc từng phần khối u để lấy hết được tổ chức khối u xơ trong dây chằng rộng, trong hố chậu phải.
Sau khi tổ chức khối u xơ được cắt bỏ hoàn toàn, bộc lộ động mạch tử cung phải, kíp phẫu thuật kẹp đốt cắt động mạch tử cung phải và cắt tử cung bán phần, để lại cổ tử cung và 2 buồng trứng lành cho bệnh nhân. Sau 4 tiếng phẫu thuật, kíp mổ thành công cắt bỏ khối u xơ tử cung bằng phương pháp nội soi mà không gây tổn thương tới các cơ quan lân cận và không gây chảy máu.
Lần đầu tiên cắt u tuyến gia qua tiền đình miệng bằng robot
Theo báo Người Lao Động, các bác sĩ Bệnh viện K vừa phẫu thuật thành công điều trị u tuyến giáp qua tiền đình miệng bằng hệ thống robot đại mà không để lại sẹo cho người bệnh. Được biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện áp dụng phương pháp này.
Bệnh nhân được phẫu thuật cắt u tuyến giáp bằng hệ thống robot tiếp cận qua đường tiền đình miệng. Ảnh: Người Lao Động
Bệnh nhân B.T.H (28 tuổi) phát hiện ung thư giáp qua đợt khám bệnh định kỳ. Kết quả siêu âm tuyến giáp cho thấy chị H. có u ở thùy phải giáp trạng kích thước 4 x 5 mm. Kết quả chọc tế bào u thùy phải dưới siêu âm là ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tư vấn cho người bệnh phẫu thuật cắt u tuyến giáp bằng hệ thống robot tiếp cận qua đường tiền đình miệng. Đây là phương pháp hiện đại nhất hiện nay, đảm bảo hiệu quả điều trị và không để lại sẹo.
Kíp phẫu thuật với các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện K đã tiến hành phẫu thuật cắt thùy phải, vét hạch cổ trung tâm... bằng hệ thống robot hiện đai. Sau phẫu thuật hơn 1 ngày, bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn nhẹ trở lại, ổn định và ra viện vào ngày thứ 5.
Theo TS.BS Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K, hiện nay ung thư tuyến giáp đang có xu hướng trẻ hóa. Mặc dù ung thư tuyến giáp thể biệt hóa là bệnh có tiên lượng tốt nhưng bệnh nhân vẫn cần phát hiện và điều trị kịp thời để đạt được hiệu quả cao nhất.
Đinh Kim (T/h)