Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 28/9: Phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến giáp “khổng lồ” cho bệnh nhân 43 tuổi

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 28/9/2022. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 28/9/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến giáp “khổng lồ” cho bệnh nhân 43 tuổi

Báo Dân Trí thông tin, vừa qua, khoa Ung Bướu tổng hợp Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng đã tiến hành phẫu thuật thành công cho bệnh nhân N.C.T. (43 tuổi, ở Quảng Ngãi) có khối u tuyến giáp “khổng lồ” chèn ép nặng khí quản gây khó thở dai dẳng.

Người bệnh phát hiện khối u vùng cổ khoảng 3 năm trước nhưng do bệnh chưa ảnh hưởng đến sức khỏe, hoàn cảnh gia đình và điều kiện làm việc khó khăn nên không đi khám và điều trị. Hiện, khối u to lên nhanh chóng, chèn ép mạnh gây khó thở, khó nuốt, chất lượng sống suy giảm không thể chịu đựng được nên bệnh nhân quyết định đến Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng khám.

Cổ của bệnh nhân phình to vì khối u. Ảnh: Dân Trí

Sau khi thăm khám và chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ khoa Ung bướu tổng hợp phát hiện khối u thùy trái tuyến giáp có kích thước rất lớn 110 x 110mm, tăng sinh mạch, chèn ép đẩy lệch gây hẹp lòng khí quản. Kết quả nội soi khí quản cho thấy hẹp nặng lòng khí quản 70% khẩu kính.

Nhận định đây là một trường hợp phẫu thuật khó, nguy cơ mất máu cao và khó khăn khi gây mê kiểm soát đường thở, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn Hội đồng Ngoại khoa và chỉ định phẫu thuật cắt bướu giáp khổng lồ cho bệnh nhân. Ekip do bác sĩ CKII Đặng Nguyên Kha - Trưởng khoa Ung bướu tổng hợp chủ trì phối hợp với bác sĩ CKII Ngô Văn Chấn - Khoa Gây mê hồi sức tiến hành phẫu thuật.

Trong ca mổ, ekip phẫu thuật đã kiểm soát tốt đường thở và các mạch máu lớn. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, khối u đã được cắt bỏ mà không làm tổn thương các cơ quan lân cận. Bệnh nhân mất máu ít và thoát mê tự thở an toàn. Sau mổ, người bệnh tự thở tốt, không còn tình trạng nuốt nghẹn hay khó thở ngày đêm, không khàn tiếng, ăn uống, đi lại bình thường. Bệnh nhân được xuất viện vào ngày thứ 5 sau mổ.

Bé trai 14 tuổi bị xoắn tin hoàn

Theo VnExpress, bé trai 14 tuổi bị đau dữ dội vùng bìu trái, bìu sưng to. Bác sĩ Bùi Tiến Công – Trưởng khoa Ngoại thận Tiết niệu Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho hay, ekip khám, làm xét nghiệm máu, chụp X-quang và siêu âm Doppler mạch tinh hoàn.

Kết quả chẩn đoán bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn trái giờ thứ 5, chỉ định mổ cấp cứu để bảo tồn bộ phận này. Sau đó, tinh hoàn hồng trở lại và đã có mạch đập, tinh hoàn trái được cố định chống tái xoắn. Hiện, sức khỏe của bệnh nhi dần ổn định trở lại, hết đau, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Được biết, xoắn tinh hoàn là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nằm trong bệnh cảnh của hội chứng bìu cấp hay gặp ở trẻ em. Bệnh thường xảy ra trong khi ngủ, thể điển hình thường gặp ở trẻ lớn.

Dấu hiệu là đau bìu đột ngột khiến bệnh nhân thức dậy, đau dữ dội lan dọc theo thừng tinh, ống bẹn đến hố chậu kèm theo cảm giác buồn nôn hay nôn. Bìu to dần, da bìu đỏ thắm hay bầm tím, phù lan cả bên đối diện. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, 2/3 số trường hợp xuất hiện ở tuổi thanh niên.

Hiện, phẫu thuật gỡ xoắn là phương pháp phổ biến và tối ưu, có thể xử lý triệt để bệnh lý, thời gian hồi phục hậu phẫu ngắn. Thời gian vàng điều trị xoắn tinh hoàn là trong 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau.

Nếu can thiệp trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Đến viện trong khoảng 6-12 giờ, khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50%, trong khoảng 12-24 giờ chỉ còn 20% khả năng được cứu. Đến viện sau 24 giờ thường sẽ không cứu được tinh hoàn.

Cứu sống bé sơ sinh non yếu bị thoát vị thành bụng, teo ruột type 3b

Khoa Hồi sức tích cực Ngoại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thông tin, đơn vị này vừa cứu sống bé sơ sinh non yếu bị dị tật bẩm sinh, thoát vị thành bụng, teo ruột type 3b, nội tạng nằm ngoài ổ bụng, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống. Được biết, bệnh nhi trú tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Trước đó, sản phụ T. sinh con lần 3, PARA 2002, siêu âm phát hiện thai nhi bị dị tật khe hở thành bụng trước sinh. Sau khi nhập viện tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An vào tuần thai thứ 36, nhận thấy các dấu hiệu bất thường của thai nhi, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn toàn viện và chỉ định mổ cấp cứu lấy thai.

Em bé chào đời với cân nặng 2,2kg, thể trạng suy dinh dưỡng, hạ nhiệt độ, có dấu hiệu thiếu dịch, suy hô hấp. Dị tật khe hở thành bụng khiến cho dạ dày, toàn bộ ruột non và đại tràng lên, túi mật, buồng trứng phải thoát vị ra ngoài ổ bụng. Dạ dày, các quai ruột non giãn, teo ruột type 3b đoạn đầu hồi tràng.

Bệnh nhi đã bú mẹ tốt, hậu môn nhân tạo ra phân vàng, toàn trạng ổn định, được các bác sĩ cho ra viện. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Sau khi bé chào đời, kíp Hồi sức Nhi đã có mặt tại phòng mổ để hồi sức cấp cứu cho trẻ và nhanh chóng chuyển về khoa Hồi sức tích cực Ngoại điều trị. Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hội chẩn với chuyên khoa Ngoại, bệnh nhi tiếp tục được chăm sóc toàn diện, sưởi ấm, hồi sức tích cực, thở máy, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch.

Bệnh nhi được thực hiện cấp cứu, làm các xét nghiệm thăm dò. Sau 2 giờ hồi sức tích cực, nhận thấy tình trạng của bé ổn định, các bác sĩ quyết định thực hiện luôn ca phẫu thuật đưa cơ quan nội tạng trở lại ổ bụng cho trẻ. Các bác sĩ tiến hành  xếp các tạng vào ổ bụng theo vị trí giải phẫu và làm dẫn lưu hồi tràng ra da vùng hố chậu phải, điều trị dị tật khe hở thành bụng/ teo ruột type 3b.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi tiếp tục được hồi sức, chăm sóc hoàn toàn bởi nhân viên y tế, đảm bảo các quy trình vô khuẩn. Sau 10 ngày, bệnh nhi đã được cai thở máy, ghép mẹ, tập bú mẹ. Trẻ đáp ứng với phác đồ điều trị được đưa ra. Hiện tại, bé đã bú mẹ tốt, hậu môn nhân tạo ra phân vàng, toàn trạng ổn định, được các bác sĩ cho ra viện, hẹn tái khám sau 2 tháng để đóng hậu môn nhân tạo.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật